Truy cập hiện tại

Đang có 104 khách và không thành viên đang online

Hoạt động khoa giáo

Cần nhận thức đúng tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới

(TGAG)- Ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới (Nghị quyết 21) nhấn mạnh quan điểm: “Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững”.

Đây là quan điểm mới và lớn của Đảng, đánh dấu bước ngoặt quan trọng của chính sách dân số Việt Nam trong tình hình mới. Nếu trước đây, chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), chỉ tập trung vào một nội dung là KHHGĐ với mục tiêu giảm sinh thì nay, chính sách dân số mới tập trung vào sáu nội dung gồm phấn đấu duy trì ổn định vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ lệ giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; duy trì và tận dụng có hiệu quả lợi thế cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; nâng cao chất lượng dân số; phân bổ dân số phù hợp với quá trình phát triển. Như vậy, phạm vi của công tác dân số trong tình hình mới là rộng hơn nhiều so với thời điểm ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII.

Cần lưu ý là việc chuyển trọng tâm sang dân số và phát triển nhưng không phải là “từ bỏ KHHGĐ” mà cần thực hiện KHHGĐ theo phương thức mới. Trong các giải pháp nêu trong Nghị quyết 21-NQ/TW, giải pháp về “đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động về công tác dân số” là rất quan trọng, đặc biệt cần nhấn mạnh về nội dung truyền thông, giáo dục phải chuyển mạnh sang chính sách dân số và phát triển. Đồng thời, thực hiện lồng ghép có hiệu quả các yếu tố dân số trong chương trình, kế hoạch phát triển của tỉnh, của từng ngành, từng địa phương. Các nội dung về quy mô dân số, cơ cấu dân số, chất lượng dân số, phân bố dân số và quản lý dân cư phải được đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, các quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành, địa phương.



Để tham mưu triển khai Kế hoạch số 49-KH/TU của Tỉnh uỷ thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW với nhiều vấn đề lớn và khó một cách hiệu quả, cần quan tâm một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Một là, quán triệt sâu rộng những nội dung trong Nghị quyết 21. Cần nhận thức rõ “tình hình mới” của công tác dân số không chỉ ở Trung ương mà còn ở từng địa phương; không chỉ là những xu hướng mới của dân số mà còn là điều kiện mới về kinh tế, xã hội, pháp luật, kỹ thuật… Đặc biệt, cần nắm chắc hệ thống 6 mục tiêu tổng quát và 23 chỉ tiêu cụ thể của chính sách dân số mới. Những mục tiêu này bao trùm cả quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số nên rộng lớn hơn rất nhiều so với mục tiêu của Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII, năm 1993 (chỉ có một mục tiêu). Những mục tiêu này cũng chính là cụ thể hóa bước chuyển trọng tâm chính sách dân số “từ kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển”. Tuy nhiên, tình hình dân số, đặc điểm kinh tế-xã hội ở các địa phương trong tỉnh có nhiều điểm khác nhau. Vì vậy, mỗi địa phương cần sắp xếp thứ tự ưu tiên trong việc thực hiện mục tiêu và vận dụng sáng tạo 6 nhiệm vụ, giải pháp mà Kế hoạch số 49 của Tỉnh uỷ đề ra.

Hai là, củng cố tổ chức bộ máy làm công tác dân số đủ năng lực quản lý, điều hành. Công tác dân số trong tình hình mới được khởi đầu với việc thay đổi lớn về tổ chức bộ máy. Đó là việc sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ cấp huyện, thị, thành vào Trung tâm y tế đa chức năng. Điều này gây nên tư tưởng dao động đối với nhiều cán bộ DS-KHHGĐ. Vì vậy, các ngành có liên quan cần làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ dân số các cấp; sớm ổn định tổ chức; chú trọng khai thác những điểm mạnh, những điểm tích cực và những điểm hợp lý của mô hình này để công việc bớt trung gian, trôi chảy hơn, hiệu quả hơn.

Chuyển trọng tâm chính sách dân số “từ kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển” đòi hỏi công tác dân số phải cập nhật, phải tính đến các yếu tố “phát triển”. Ngược lại, các kế hoạch phát triển cũng cần tính đến sự biến đổi nhanh về quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số. Điều này gợi ý các Ban chỉ đạo DS-KHHGĐ các cấp hiện nay có thể chuyển đổi thành Ban chỉ đạo dân số và phát triển phù hợp với tinh thần chuyển trọng tâm chính sách dân số mà Nghị quyết 21 đề ra. Cùng với đó, cần xúc tiến nghiên cứu, đánh giá tổng kết kinh nghiệm, xây dựng mô hình, tổ chức bộ máy hoàn chỉnh. Trên cơ sở đó, sắp xếp, củng cố tổ chức bộ máy làm công tác dân số cho phù hợp với yêu cầu triển khai công tác trong tình hình mới là một trong những việc cấp thiết hiện nay.

Ba là, đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về dân số và sức khỏe sinh sản đặc biệt là sự chuyển hướng trọng tâm từ dân số - KHHGĐ sang dân số và phát triển.

Với những địa phương có mức sinh cao hơn mức sinh thay thế, cần triển khai mạnh, có hiệu quả các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông với nội dung, hình thức và cách tiếp cận phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng nhằm tăng cường nhận thức, thái độ, thực hiện các hành vi về sinh đẻ đúng đắn, bền vững. Chú trọng khu vực khó khăn, đối tượng khó tiếp cận. Nâng cao chất lượng giáo dục về dân số - kế hoạch hóa gia đình, giới, sức khỏe tình dục trong nhà trường; mở rộng các hình thức giáo dục ngoài nhà trường.

Với những địa phương có mức sinh ở mức sinh thay thế, cần tập trung vào việc thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm duy trì và ổn định mức sinh, đồng thời quan tâm tới các vấn đề về dân số và phát triển tại địa phương. Trong công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của nhà nước trên các lĩnh vực đời sống, trong đó có công tác dân số, cần phát huy vai trò chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và người dân có đạo.

Những địa phương có mức sinh thấp hơn mức sinh thay thế, công tác này cần tập trung khuyến khích người dân sinh đủ 02 con, đồng thời chú trọng nâng cao nhận thức cho cả hệ thống chính trị cũng như mỗi người dân về các nội dung của dân số và phát triển như dân số vàng, già hóa dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh, di cư, lồng ghép dân số vào xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…

Trường Giang

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
32512771