Truy cập hiện tại

Đang có 207 khách và không thành viên đang online

Hoạt động khoa giáo

Chợ Mới với phong trào đọc sách của học sinh

(TGAG)- Việc xây dựng thư viện trong các trường học trên địa bàn huyện  Chợ Mới được phòng Giáo dục huyện quan tâm chỉ đạo và đầu tư nhằm tăng cường cơ sở vật chất, tạo môi trường thuận lợi để giáo viên, học sinh tham gia đọc sách báo, tra cứu tài liệu để nâng cao trình độ, kiến thức và hiểu biết.

Một trong số những trường có mô hình hay và hoạt động thư viện sôi nổi trên địa bàn huyện, phải kể đến Trường THCS Nguyễn Đăng Sơn, thị trấn Chợ Mới. Năm học 2018 - 2019, Trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia, đó cũng là điều kiện thuận lợi để trường được đầu tư, hoàn thiện các phòng chức năng trong đó phòng đọc giáo viên là 90 m2 và phòng đọc học sinh là 48 m2 với 12 ngàn đầu sách các loại.


Trong năm học 2018 - 2019, để tạo thói quen và rèn luyện ý thức đọc sách cho các em học sinh, nhà trường đã tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho các em học sinh tham gia như đố vui nhân Tháng an toàn giao thông, diễn xướng ca dao dân ca, biên soạn thư mục, giới thiệu sách dưới cờ, làm báo tường nhân ngày 20/11… bên cạnh các hoạt động được nhà trường tổ chức, thì mô hình thư viện lưu động cũng đã được thực hiện tại trường. Cô Lê Thị Xuân Tiên, nhân viên nhà trường chia sẻ:  “Trong năm học qua, trường may mắn được xe thư viện lưu động đến phục vụ, các em học sinh được lên xe đọc sách và viết bài cảm nhận về quyển sách các em đọc, trong đó có nội dung lẫn bài học kinh nghiệm, đi kèm với đó là các hoạt động cho học sinh tham gia thi tìm hiểu kiến thức về phương pháp đọc sách, thi viết thư pháp, thi vẽ tranh…”.

Những mô hình hay, cách làm hiệu quả luôn được nhà trường áp dụng, để khơi dậy niềm đam mê đọc sách của học sinh. Trong thư viện nhà trường, Ban giám hiệu đã chỉ đạo tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, ví dụ như phong trào đọc sách đầu năm học, khuyến khích học sinh đến đọc sách hoặc cho mượn về lớp để đọc. Bên cạnh đó phối hợp với tổ chuyên môn như: Tổ Ngữ văn cho học sinh lên mượn sách đọc, để các em tái hiện lại tác phẩm nhân vật trong văn học theo chương trình học, ngoài ra các em còn được xem diễn tại sân trường, giúp học sinh nhớ lâu các bài học của mình thông qua các loại sách tham khảo, nhiều hoạt động khác ở các bộ môn Lịch sử, Lý, Hóa, Sinh hay là ngoại ngữ,... Cụ thể đối với học sinh khối 5 lên khối 6, đầu năm cho các em tham gia hoạt động thực hiện tốt mảng an toàn giao thông để các em tự chạy xe đến trường, đối với hoạt động này thư viện sẽ phối hợp với tổ Giáo dục công dân cho học sinh lên đọc sách tham khảo, xem những biển báo, xem tình huống vận động trong sách tham khảo, từ đó các em về biên kịch lại tình huống của lớp mình để các em thi với nhau, biểu diễn cho các bạn cùng khối 6 tham khảo, có sự thi đua giữa các lớp, hoạt động đó đã góp phần khai thác được kho sách, bên cạnh đó là khắc sâu kiến thức bộ môn Giáo dục công dân.

Để phong trào đọc sách trong nhà trường ngày càng phát triển, cô Xuân Tiên cho biết: “Nhà trường có thành lập một tổ công tác thư viện do hiệu trưởng phụ trách ngoài giờ  và phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn cùng làm tổ trưởng tổ công tác, các thầy cô đã phối hợp với các tổ chuyên môn, đoàn đội, thư viện, thiết bị tổ chức những hoạt động phát triển phong trào đọc sách trong nhà trường”.

Có thể thấy, đọc sách là nhu cầu của tất cả mọi người, nhu cầu cần thiết đối với mỗi em học sinh, sách không chỉ giúp các em nâng cao nhận thức, hiểu biết về kho tàng tri thức của nhân loại mà còn hình thành ở các em những kỹ năng cần thiết cho tương lai. Đối với các em học sinh ở giai đoạn đang hình thành thói quen, nhân cách thì việc đọc sách lại càng có một ý nghĩa quan trọng.

Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chợ Mới Trương Phước Công cho biết: "Công tác thư viện trường học được Phòng Giáo dục và đào tạo quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị như là sách, báo, tạp chí. Hiện nay toàn huyện có 69 nhân viên thư viện đã được bồi dưỡng nghiệp vụ, có 49/66 trường đạt chuẩn thư viện, trong đó có 50 trường đạt thư viện tiên tiến, đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Các trường tổ chức hoạt động thư viện khá tốt, đa số các trường mở sổ sách, cập nhật theo từng thời điểm giúp cho việc quản lý sách báo, trang thiết bị thư viện được thuận lợi…”.

Nhân rộng phong trào đọc sách cho các em học sinh, góp phần đưa văn hóa đọc phát triển sâu rộng trong thanh, thiếu nhi là một trong những hoạt động, điều kiện quan trọng để đổi mới phương pháp dạy - học, giúp cho giáo viên, học sinh đến với sách, hình thành thói quen đọc sách, tạo nền tảng quan trọng cho việc học tập suốt đời của mỗi người./.

Nhã Uyên - Kim Hằng
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36732095