Truy cập hiện tại

Đang có 108 khách và không thành viên đang online

Hoạt động khoa giáo

Thoại Sơn tăng cường phòng, phống dịch tả heo Châu Phi

(TGAG)- Tính đến thời điểm hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long có 6 địa phương xuất hiện dịch tả heo Châu phi gồm: Hậu Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Đồng Tháp, TP Cần Thơ và đặc biệt là ở An Giang vừa công bố dịch tả heo Châu phi xuất hiện ở phường Mỹ Thạnh, thành phố Long Xuyên vào ngày 22/5. Điều này cho thấy tình hình diễn biến dịch bệnh trong vùng hết sức phức tạp, trong đó huyện Thoại Sơn là địa phương giáp ranh với vùng dịch nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh là rất cao.
    
Thoại Sơn là huyện giáp ranh địa bàn thành phố Long Xuyên vừa công bố dịch tả heo Châu phi xuất hiện và giáp các huyện Vĩnh Thạnh (thành phố Cần Thơ) và huyện Tân Hiệp, Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang), đây là các tỉnh cũng đã công bố dịch tả heo Châu Phi trong thời gian gần đây. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến nhanh và phức tạp, UBND huyện Thoại Sơn đang khẩn trương chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh và đã ra quyết định thành lập các chốt  kiểm dịch liên ngành phòng chống dịch tả heo Châu phi trên địa bàn huyện với 2 chốt kiểm dịch được đặt trên địa bàn thị trấn Núi Sập và xã Phú Thuận, đây là các tuyến đường trọng điểm nhằm không để dịch tả heo Châu Phi xuất hiện và lây lan trên địa bàn huyện.  



Chốt kiểm dịch hoạt động 24/24 giờ trong ngày và tất cả các ngày trong tuần, có nhiệm vụ kiểm tra các tổ chức, cá nhân có hoạt động vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn huyện. Các thành viên chốt kiểm dịch có tiến hành kiểm tra giấy chứng nhận kiểm dịch và các giấy tờ khác có liên quan; kiểm tra số lượng, chủng loại động vật, sản phẩm động vật theo giấy chứng nhận kiểm dịch, mã số động vật, dấu kiểm soát giết mổ, tem vệ sinh thú y, dấu niêm phong phương tiện vận chuyển và các dụng cụ, bao bì chứa đựng; kiểm tra tình trạng sức khỏe động vật, thực trạng vệ sinh thú y sản phẩm động vật; kiểm tra thực trạng vệ sinh thú y phương tiện vận chuyển, tiến hành lấy mẫu trong các trường hợp cần thiết.

Đồng thời, cán bộ Trạm thú y tại các chốt kiểm dịch trực tiếp tiến hành phun xịt tiêu độc, khử trùng phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật đi qua Chốt kiểm dịch; tuyên truyền cho các chủ phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch tả heo Châu phi.
    
Ông Nguyễn Đình Nghĩa, Phó Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thoại Sơn cho biết: “Bên cạnh, việc thành lập các chốt kiểm dịch, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm huyện Thoại Sơn đã chỉ đạo Trạm Thú phối hợp các ngành có liên quan và các địa phương tăng cường giám sát dịch bệnh; tiến hành phun xịt tiêu độc khử trùng, hạn chế tối đa mầm bệnh, đồng thời cử đội kiểm dịch lưu động kiểm tra các điểm chợ. Thường xuyên kiểm soát tại các cơ sở giết mổ, khu nuôi nhốt gia súc; khuyến cáo chủ cơ sở phải tiêu độc hàng ngày. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người chăn nuôi kịp thời báo với cơ quan chức năng về những hiện tượng bất thường trên đàn heo. Bên cạnh, công tác tuyên truyền cũng được triển khai giúp người chăn nuôi hiểu rõ về dịch bệnh và chủ động ứng phó”

Ông Đỗ Văn Chức, hộ chăn nuôi heo xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn chia sẽ: “ tôi biết bệnh dịch tả heo Châu Phi rất nguy hiểm đối với lợn, tỷ lệ chết 100% nếu mắc bệnh, ảnh hưởng đến kinh tế người chăn nuôi. Cho nên gia đình tôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng, kiểm tra nguồn thức ăn để phòng bệnh.”
    
Theo ghi nhận, hiện tổng đàn heo trên địa bàn huyện Thoại Sơn có hơn 13.000 con, với hơn 700 hộ chăn nuôi, trong đó có hơn 30 trang trại lớn, nhỏ và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm khoảng 70%. Dù chưa phát hiện bệnh dịch tả heo Châu phi nhưng UBND huyện Thoại Sơn đang khẩn trương chỉ đạo quyết liệt, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp ứng phó. Các ngành chuyên môn đang tích cực phối hợp cùng các ngành liên quan và các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để người dân ý thức và đề cao cảnh giác phòng bệnh; tăng cường kiểm tra việc vận chuyển heo, các cơ sở giết mổ; triển khai việc phòng chống dịch một cách tích cực, sâu sát nhằm hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh xảy ra… Đồng thời, vận động người chăn nuôi cam kết thực hiện 5 không, như: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa nuôi heo mà không qua xử lý nhiệt./.

Cẩm Nang, Kim Cương



Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37021428