Truy cập hiện tại

Đang có 189 khách và không thành viên đang online

Hoạt động khoa giáo

Dịch tả heo Châu Phi - không gây bệnh trên người

Sơ lược về dịch tả heo Châu Phi

Dịch tả heo Châu Phi là một bệnh truyền nhiễm ở heo do virus được mô tả đầu tiên vào năm 1921 ở Kenya, sau đó nhanh chóng lây lan, trở thành dịch bệnh địa phương tại nhiều nước Châu Phi, hiện nay nó đã lan đến 59 quốc gia và vùng lãnh thổ, gây bệnh xuất huyết ở heo, rất dễ lây lan ở heo nhà và heo hoang, bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại heo, tỉ lệ chết cao, lên đến 100%, gây thiệt hại to lớn đến sản xuất chăn nuôi và nền kinh tế các nước.

Dịch tả heo Châu Phi gây ra bởi một loại virus DNA lớn thuộc họ Asfarviridae. Virus có 1 Serotype (típ huyết thanh), nhưng phát hiện tới 16 Genotypes (kiểu gen) và nhiều chủng khác nhau có độc lực khác nhau. Virus dịch tả heo Châu Phi được tìm thấy trong máu, cơ quan, dịch bài tiết từ heo nhiễm bệnh và chết bởi bệnh này. Virus gây ra bệnh dịch tả heo Châu Phi có sức đề kháng cao trong môi trường. Sau khi khỏi bệnh lâm sàng, heo vẫn có khả năng mang virus trong thời gian dài và có thể trở thành vật chủ mang trùng suốt đời, do vậy nếu để xảy ra bệnh sẽ rất khó để loại trừ được mầm bệnh. Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), "siêu" virus này có khả năng kháng khuẩn và khử trùng. Nó tồn tại trong thời gian 2 - 4 tháng trong một cơ sở bị nhiễm bệnh và 5-6 tháng trong thịt bị nhiễm bệnh. Virus này có thể sống sót trong xúc xích hun khói hoặc một phần xúc xích và các sản phẩm thịt heo khác. Virus có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 56°C trong 70 phút hoặc ở 60°C trong 20 phút.

Bệnh dịch tả heo Châu Phi có thời gian ủ bệnh từ 3 - 15 ngày, ở thể cấp tính thời gian ủ bệnh chỉ từ 3-4 ngày. Loại virus này lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm virus như: chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm virus và ăn thức ăn thừa heo nhiễm bệnh hoặc bị ve mềm cắn.
Heo nhiễm bệnh có thể bị sốt cao, nhưng không có triệu chứng đáng chú ý nào trong vài ngày đầu, sau đó heo dần dần mất đi sự thèm ăn. Ở những con heo da trắng, các chi có thể chuyển sang màu xanh tím và xuất huyết trở nên rõ ràng trên tai và bụng. Các nhóm heo bị nhiễm bệnh nằm chung nhau run rẩy, thở bất thường, ho. Nếu buộc phải đứng, heo đứng không vững. Trong vòng vài ngày sau khi nhiễm trùng, heo sẽ bị hôn mê, sau đó chết. Ở heo nái mang thai, sẩy thai tự phát xảy ra. Đối với heo nhiễm trùng nhẹ hơn, heo bị bệnh giảm cân và phát triển các dấu hiệu viêm phổi, loét da và sưng khớp.

Đáng lo ngại là hiện nay, chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu dịch tả Châu Phi. Do đó, giải pháp phòng bệnh là chính, phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan (theo khuyến cáo của ngành thú y và y tế).

Dịch tả heo Châu Phi với sức khỏe con người và cộng đồng

Nói đến từ “Dịch tả heo” làm người ta liên tưởng đến bệnh dịch gây tiêu chảy và gây chết hàng loạt ở heo, nhưng đó là dịch tả heo cổ điển (Classical swine fever - CSF) gây ra bởi một loại virus chi Pestachus thuộc họ Flaviviridae. Dịch tả heo Châu Phi khác hoàn toàn với dịch tả heo cổ điển. Dịch tả heo Châu Phi hay còn gọi là Sốt heo Châu Phi (Africa swine fever - ASF) có tác nhân gây bệnh là virus, gây xuất huyết trên heo, khác hoàn toàn với bệnh tả ở người (Cholera) là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn gây ra (Vibrio cholerae), có thể gây dịch bệnh ở người.

Dịch tả heo Châu Phi không lây sang người, không có mối đe dọa trực tiếp nào đối với sức khỏe con người. Tả heo không gây bệnh trên người nhưng lây truyền sang ruồi, muỗi, chuột, mèo, gà, vịt… Heo bị tả có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác như tai xanh, cúm, thương hàn... Những bệnh này mới gây nguy hiểm cho người bởi làm rối loạn hệ tiêu hóa, đặc biệt khi con người ăn tiết canh, ăn thịt heo bệnh chưa nấu chín kỹ.

Dịch bệnh này không gây bệnh trên người, do đó người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt heo an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh. Bộ Y tế cũng khuyến cáo: Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng cần sử dụng thịt heo có nguồn gốc rõ ràng và phải nấu chín kỹ trước khi dùng. Không tham gia mua bán, vận chuyển, tiêu thụ bất kỳ heo bệnh, heo nghi bị bệnh, các loại sản phẩm từ thịt heo bệnh. Hạn chế đi vào vùng dịch, nếu phát hiện heo chết thì phải báo ngay cho cơ quan chức năng xử lý kịp thời./.

Bs. CKI  VÕ VĂN ĐƯỜNG
Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Y - Sở Y tế

Tài liệu tham khảo

1. Tổ chức Thú y thế giới - OIE (2019), African swine fever, http://www.oie.int
2. Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế (2019), Dịch tả lợn Châu Phi không gây bệnh trên người, http://vncdc.gov.vn
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36724351