Truy cập hiện tại

Đang có 433 khách và không thành viên đang online

Hoạt động khoa giáo

Cái tâm và cái tài của người thầy thuốc

(TGAG)- Nghề thầy thuốc là nghề liên quan đến sức khỏe thậm chí là tính mạng con người, nên người hành nghề thầy thuốc phải có chuyên môn giỏi đồng thời phải có tấm lòng thương yêu, tận tụy phục vụ người bệnh. Nói một cách ngắn gọn là người thầy thuốc phải có cả tâm và tài.

Nếu thầy thuốc giỏi mà không có tấm lòng thì e rằng chỉ là một công chức chữa bệnh, hay người thầy thuốc có lòng thương người bệnh nhưng tay nghề quá yếu, không nắm vững chuyên môn thì có khi trở thành kẻ hại người một cách vô tình, không chủ ý.

Trước hết nói về cái tâm. Có thể hiểu đơn giản cái tâm ấy chính là đạo đức nghề nghiệp của người thầy thuốc và những người làm các công việc liên quan (gọi chung là nghề y), là phẩm chất tốt đẹp, cao quý của những người hành nghề y được vận dụng để cứu giúp người bệnh. Nó được thể hiện qua thái độ ân cần khi tiếp xúc người bệnh, với tinh thần trong sáng không vụ lợi và ý thức trách nhiệm chuyên môn cao, cử chỉ dịu dàng, hòa nhã hết lòng thông cảm, thương yêu, tận tình chăm sóc người bệnh, coi sự đau đớn, khổ sở của họ như của chính mình...


Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - Lê Hồng Khâm trao Bằng khen cho các cá nhân

Cái tâm của người thầy thuốc cũng không thể chỉ đánh giá ở bề ngoài, ở thái độ phục vụ tận tâm, tận tụy với bệnh nhân mà còn phải là chuyên môn. Khi đã tự nguyện đứng trong hàng ngũ y tế phải có lương tâm và trách nhiệm cao, hết lòng yêu nghề, luôn rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức của thầy thuốc. Không ngừng học tập và tích cực nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ trong ngành Y để nâng cao trình độ chuyên môn, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Có một câu nói, đại ý rằng “Nghề bạn chọn sẽ trở nên cao quý nếu bạn muốn cao quý, nhưng nó sẽ là một nghề thấp hèn nếu bạn muốn thấp hèn”, vì thế, theo quan điểm đã là người thầy thuốc, lại nhất là người thầy thuốc giỏi thì cốt nhất phải là ở cái tâm. Nếu mỗi người thầy thuốc chữa bệnh bằng cái tâm thì chính họ đang hiến tặng “mật ngọt” cho cuộc đời... Và tin chắc rằng, mỗi người thầy thuốc đều đang nỗ lực ngày đêm để mỗi ngày “hiến tặng” nhiều hơn nữa “mật ngọt” thơm lành cho toàn xã hội.

Là thầy thuốc, ngoài cái tâm còn phải giỏi nghề. Cái tâm không thể tách rời tài năng và trí tuệ, đó chính là cái tài của người thầy thuốc. Đôi bàn tay người thầy thuốc phải khéo léo, cộng với cái đầu luôn tỉnh táo, sáng suốt trong mọi tình huống xử lý, chẩn đoán bệnh. Với điều kiện eo hẹp nhất, cũng có thể phát huy hết khả năng để đem đến sự chăm sóc y tế tốt nhất cho người bệnh. Cái tài của người thầy thuốc là vững về chuyên môn, luôn tìm cách nâng cao trình độ nghề nghiệp, luôn tìm cách cập nhật kiến thức y dược để làm chủ thông tin và trang bị thiết bị hiện đại hầu chữa trị tốt nhất đối với  người bệnh. Thầy thuốc giỏi phải luôn nhớ một câu nói liên quan đến nghề nghiệp của mình, đó là nghề y không phải là nghề chữa bệnh mà là nghề chữa người bệnh. Cùng một căn bệnh, nhưng mỗi cơ thể bệnh nhân có một đặc điểm riêng và thích hợp với một loại thuốc khác nhau. Như vậy, là thầy thuốc chữa bệnh cho một con người cụ thể, chứ không phải chữa một thứ bệnh chung chung. Vì vậy, muốn trở thành thầy thuốc giỏi không có cách nào khác là phải từng trải và tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp trong thế giới người bệnh muôn hình muôn vẻ. Hơn nữa, ngày nay khoa học phát triển như vũ bão, trong đó có nhiều thành tựu công nghệ liên quan và ứng dụng cho y học như chẩn đoán hình ảnh, nội soi, tế bào gốc... và các phương thuốc mới có tính đặc trị cao. Ngoài kinh nghiệm lâm sàng, các phương tiện hiện đại mang lại cho thầy thuốc thông tin rất chính xác về cơ thể người bệnh. Mà nếu không nắm được những kiến thức và kỹ thuật này chắc chắn sẽ rơi vào tình trạng lạc hậu, không thể cứu chữa được người bệnh.

Danh y Hải Thượng Lãn Ông đã chỉ ra rằng: “Lại như xét bệnh còn lơ mơ, sức học còn non đã cho thuốc chữa bệnh, đó là tội dốt nát”. Cái tài của người thầy thuốc còn phải biết hợp tác với đồng nghiệp, hợp tác được hiểu là học hỏi từ đồng nghiệp, không giấu dốt, giúp đỡ và chia sẻ với đồng nghiệp những kinh nghiệm tốt của bản thân, đồng thời giúp đỡ đồng nghiệp nhận ra các sai lầm trong nghề nghiệp, kịp thời phát hiện cái sai của đồng nghiệp để giúp họ không gây ra tổn thất, nhất là tính mạng của người bệnh, bởi với nghề thầy thuốc ngàn vạn cuộc đời được cứu sống không làm dịu đi nỗi đau của một sự mất mát.

Cái tâm, cái tài là hai điều kiện quan trọng cần thiết với người thầy thuốc, đòi hỏi người thầy thuốc và những người làm công việc liên quan không ngừng phấn đấu nỗ lực rèn luyện hằng giờ, hằng ngày. Tuy nhiên, chỉ kêu gọi thầy thuốc hay những người làm ngành Y nói chung phải có tâm, có tài và chỉ đơn phương hy sinh là không phù hợp. Khi đòi hỏi thầy thuốc có tâm, có tài thì người bệnh và thân nhân người bệnh cũng phải biết nhìn lại trách nhiệm của mình chứ đừng đòi hỏi những điều quá đáng đối với khả năng thầy thuốc. Bởi bị bệnh là do chính bản thân mình không ứng xử tốt với môi trường sống, chủ quan thiếu ý thức trong phòng bệnh, sai lầm trong ăn uống, sinh hoạt... tự bản thân mình gây nên chứ nào phải do thầy thuốc. Phía người nhà của bệnh nhân cần phải bình tĩnh, tôn trọng thầy thuốc và người phục vụ, đừng thiếu kiềm chế hoặc chỉ vì quá nóng ruột với bệnh tình người thân mà yêu cầu thầy thuốc phải đáp ứng những điều không thể do đã vượt ngoài khả năng và trách nhiệm của người thầy thuốc.

Sự phấn đấu của bản thân mỗi người thầy thuốc và những người làm công tác liên quan, luôn cần được sự đón nhận, sự đồng cảm, ủng hộ của xã hội, chia vui với những việc họ đã làm; rộng lòng, chia sẻ với những việc họ đang quyết tâm nỗ lực khắc phục, phấn đấu; công bằng, khách quan với những gì còn hạn chế, thiếu sót, chưa làm tròn của họ.

NGỌC HÂN
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40182018