Truy cập hiện tại

Đang có 129 khách và không thành viên đang online

Hoạt động khoa giáo

An Giang có 146 địa chỉ tin cậy hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực gia đình

(TGAG)- Do ảnh hưởng bởi những trở ngại, khó khăn, thách thức như sự suy giảm kinh tế toàn cầu, giá cả thị trường có lúc chưa ổn định, thiên tai lũ lụt, dịch bệnh… đời sống nhân dân trong tỉnh nói chung nhất là đối với phụ nữ còn gặp nhiều khó khăn, cụ thể: toàn tỉnh có 19.840 hộ nghèo, 26.270 hộ cận nghèo, trong đó hộ nghèo có nữ làm chủ hộ khoảng 4.700 hộ, tỷ lệ thất nghiệp dưới 4%. Bình quân mỗi năm có khoảng 600 vụ bạo lực gia đình, trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em; 8 trường hợp mua bán phụ nữ và trẻ em.
Nhờ sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành chức năng và sự nhiệt tình, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức, mô hình “Địa chỉ tin cậy” (ĐCTC) được Hội LHPN tỉnh xây dựng tại cộng đồng nhằm hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời cho nạn nhân bị bạo lực gia đình (BLGĐ) đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Hiện toàn tỉnh đã xây dựng 146 địa chỉ tin cậy và 270 tổ tư vấn để hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình; có 70 khóm, ấp hình thành đường dây nóng, xử lý, ngăn chặn kịp thời những hành vi bạo lực gia đình. Thành lập 22 tổ phụ nữ trợ giúp pháp lý, với 341 thành viên tham gia. Thông qua hoạt động của tổ phụ nữ trợ giúp pháp lý đã góp phần cung cấp kiến thức pháp luật cho phụ nữ, nhất là phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình, phụ nữ vùng tôn giáo, dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Qua đó, nhận thức, tư tưởng của chị em phụ nữ được nâng cao, đặc biệt là nhận thức về Luật Bình đẳng giới; sự quan tâm, chia sẻ và cách ứng xử với phụ nữ và trẻ em gái trong mỗi gia đình, tại cộng đồng và trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã có những bước chuyển biến rõ rệt; vị thế của phụ nữ An Giang trong xã hội ngày càng được nâng cao.

Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra trên 2.700 vụ bạo lực gia đình, nạn nhân của bạo lực gia đình là phụ nữ, nam giới và trẻ em, trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Tỉnh cũng triển khai xây dựng Trung tâm kết nối đường dây nóng về phòng, chống mua bán người do tổ chức JICA Nhật Bản tài trợ (với số máy gọi miễn phí 18008077, do Trung tâm Công tác xã hội Bảo vệ trẻ em thực hiện).
 
Ngoài ra, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh việc xây dựng gia đình văn hóa, trong đó nhấn mạnh tiêu chí bình đẳng giới trong gia đình. Nhân rộng và phát triển việc xây dựng mô hình câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, bình đẳng và không có bạo lực, thu hút sự tham gia tích cực của nam giới; hiện nay toàn tỉnh có 152 câu lạc bộ, trung bình mỗi câu lạc bộ có 25-30 thành viên tham gia. Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên,... cũng thành lập nhiều câu lạc bộ liên quan đến việc thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới. Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết Liên tịch 01/2002/NQLT về “Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”, toàn tỉnh hiện có 2.370 tổ, nhóm, câu lạc bộ “Gia đình không có tệ nạn xã hội” với 47.345 thành viên tham gia.

Nhờ đó, đã rút ngắn khoảng cách về thời gian tham gia công việc gia đình của nữ so với nam;  số nạn nhân của bạo lực gia đình được phát hiện, được tư vấn về pháp lý và sức khỏe, được hỗ trợ và chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình đạt 40%; đạt 70% số người gây bạo lực gia đình được phát hiện, chấn chỉnh và giáo dục tại cộng đồng; 100% số nạn nhân bị buôn bán trở về được phát hiện, được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng...Với nhiều hoạt động hỗ trợ kịp thời, vị thế của phụ nữ ngày càng được nâng cao, nhiều người đã bắt đầu lên tiếng về các hành vi bạo lực gia đình, góp phần từng bước xóa bỏ bạo lực gia đình.

Tin:  Văn Hải
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
34168212