Truy cập hiện tại

Đang có 74 khách và không thành viên đang online

Hoạt động khoa giáo

An Giang sau 5 năm thực hiện Kế hoạch số 27-KH/TU về phát triển giáo dục và đào tạo

(TGAG)- Qua 5 năm triển khai thực hiện Kế hoạch số 27-KH/TU, ngày 13-11-2009 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020; sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh đã có những bước chuyển biến theo hướng tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Việc phát triển quy mô trường lớp trên địa bàn tỉnh, về cơ bản vẫn được thực hiện theo “Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2008-2015 và đến năm 2020”.

Mạng lưới trường mầm non đã phủ kín đến các xã. Tất cả các nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non trong tỉnh đều quan tâm xây dựng trường học an toàn, môi trường xanh - sạch - đẹp và thân thiện. Chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ mầm non chuyển biến tích cực. Hằng năm tỷ lệ huy động học sinh mẫu giáo các độ tuổi ra lớp đạt trên 60%. Cùng với đó chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ có nhiều chuyển biến tích cực. Tỉnh đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi thời điểm tháng 12/2008 và tiếp tục duy trì đến nay (156/156 xã, phường, thị trấn).

Công tác bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên các cấp học tiếp tục được quan tâm và chú trọng, từng bước hướng giáo viên đến việc tiếp cận phương pháp dạy và học mới, lấy người học làm trung tâm, giáo viên chỉ hỗ trợ và hướng dẫn. Chính vì vậy, chất lượng học tập của học sinh được cải thiện và nâng lên đáng kể. So với năm học 2009 - 2010, học sinh lưu ban năm học 2012 - 2013 giảm lần lượt là: tiểu học 0,88%; trung học cơ sở 0,87%; trung học phổ thông 1,79%; học sinh bỏ học giảm lần lượt là: tiểu học 0,18%; trung học cơ sở  1,52%, trung học phổ thông 0,88%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông hằng năm tăng khá mạnh và ở mức trên 99 %. Số sinh viên đại học, cao đẳng đạt 201 sinh viên/vạn dân.

 

Đến nay mỗi huyện, thị, thành phố trong tỉnh đều có từ 3 đến 6 trường trung học phổ thông. Hệ giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp được sắp xếp và tổ chức theo hướng đa dạng hóa nội dung chương trình và hình thức học tập. Theo thống kê toàn tỉnh hiện có 06 trung tâm giáo dục thường xuyên, 156 trung tâm học tập cộng đồng, 03 trường trung cấp chuyên nghiệp... cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, học suốt đời của nhân dân.

Công tác giáo dục đạo đức học sinh gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được quan tâm và tổ chức thường xuyên. Thông qua các buổi chào cờ đầu tuần; sinh hoạt chủ đề, chủ điểm, sinh hoạt đoàn, đội; các hoạt động ngoại khóa; kể chuyện sách; sưu tầm những mẩu chuyện về Bác Hồ; các hoạt động du khảo về nguồn, tìm hiểu các di tích lịch sử cách mạng địa phương; thăm hỏi Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sỹ; phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”... đã có tác dụng tích cực trong việc bồi dưỡng lòng yêu nước, tự hào dân tộc, giáo dục truyền thống văn hóa tốt đẹp cho học sinh. Cùng với đó, các chương trình bồi dưỡng kỹ năng sống cho học sinh, các hoạt động giáo dục về phòng chống tội phạm, ma túy và các tệ nạn xã hội; phòng chống HIV/AIDS; phòng, chống cháy nổ; phòng, chống tai nạn thương tích, trật tự an toàn giao thông, sức khoẻ sinh sản, dân số - môi trường được quan tâm duy trì tổ chức thường xuyên, đã góp phần tạo nên những sân chơi lành mạnh, bổ ích cho em sau những giờ học trên lớp.

Việc đổi mới quản lý giáo dục tiếp tục được quan tâm, từ đổi mới cơ chế tăng quyền tự chủ đến thực hiện các biện pháp cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến quản lý, nâng cao năng lực quản lý của cán bộ. Công tác tuyên truyền, vận động xã hội hóa giáo dục đã phát huy thế mạnh, góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng hiệu quả giáo dục và đào tạo. Phong trào khuyến học, khuyến tài tiếp tục được duy trì và phát triển, tạo cơ hội cho nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường, phấn đấu học tập, rèn luyện để trở thành những người có ích cho xã hội. Việc đầu tư, phát triển cơ sở vật chất trường học tiếp tục được đẩy mạnh, số trường học khang trang, đạt tiêu chí xanh - sạch đẹp ngày càng tăng về số lượng. Việc đầu tư mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy và học tập tiếp tục được tăng cường, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Ngoài ra, tỉnh còn dành khoản kinh phí nhất định để mua sắm sách giáo khoa cho các đối tượng học sinh diện chính sách, học sinh dân tộc… để các em có điều kiện đến lớp.

 

Những kết quả đạt được trong những năm qua là rất khả quan. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh phải cố gắng nhiều hơn nữa. Đặc biệt là cần tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân các cấp, nhất sự chủ động của ngành giáo dục. Có giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, coi trọng giáo dục lý tưởng, nhân cách, đạo đức, lối sống và các kỹ năng cơ bản, đặc biệt là kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên; bồi dưỡng cho thanh thiếu niên lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Tập trung đầu tư cho các vùng khó khăn, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước giảm sự chênh lệch về phát triển giáo dục giữa các vùng, miền để đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục...

Đăng Giai

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37115508