Truy cập hiện tại

Đang có 227 khách và không thành viên đang online

Công tác Khoa giáo

Hướng tới sự hài lòng của người bệnh

(TGAG)- Trong cuộc sống, khi mà xã hội ngày càng phát triển thì việc có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ giúp cho con người yên tâm hơn, và khi cuộc sống hằng ngày còn nhiều tiềm ẩn những nguy cơ thì việc dự phòng rủi ro về tài chính là điều mà nhiều người quan tâm. Luật BHYT quy định bắt buộc tham gia BHYT đối với toàn dân, nhưng cơ bản vẫn là vận động tự nguyện nên vẫn còn một bộ phận người dân chưa tham gia. Quyền lợi của người có thẻ BHYT được mở rộng, thực hiện chính sách thông tuyến huyện tạo thuận lợi cho người dân đi khám, chữa bệnh. Việc tham gia BHYT đã thực sự mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, nhất là các gia đình có mức thu nhập thấp khi chẳng may ốm đau.

Thực tế hiện nay, cũng còn một số người chưa hiểu hết được giá trị của tấm thẻ BHYT. Chỉ tới khi bị bệnh tật, tai nạn, nhất là khi không may bị bệnh nặng, chi phí vượt ngoài khả năng chi trả thì lúc bấy giờ, người bệnh mới nghĩ đến giá trị của việc tham gia BHYT. Qua đó cho thấy, nhiều người còn chưa ý thức được quyền lợi được hưởng từ BHYT, hiểu được tầm quan trọng của việc tham gia BHYT.

Do đó, công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách BHYT phải được quan tâm thường xuyên. Tỉnh đã triển khai nhiều nội dung, hình thức truyền thông đổi mới, linh hoạt sáng tạo như tổ chức hội nghị tập huấn, tuyên truyền, đối thoại trực tiếp, lồng ghép nội dung tuyên truyền chế độ, chính sách BHYT trong các hội nghị kinh tế - xã hội của tỉnh, các đợt tiếp xúc cử tri, Hội thi “Tuyên truyền viên về bảo hiểm xã hội (BHXH), BHYT; tổ chức tuyên truyền lưu động, đối thoại trực tiếp, phát hành thẻ BHYT trực tiếp khi người dân tham gia, BHXH, BHYT - Ngôi nhà chung, những câu chuyện truyền thanh,…

Với nhiều giải pháp đồng bộ, kết quả trên địa tỉnh An Giang số lượng người tham gia BHYT tăng dần theo từng năm: năm 2016 số người tham gia BHYT 1.528.183 đạt 70,72%; năm 2017: 1.655.553 (76,52%) và năm 2018: số lượng người tham gia BHYT 1.662.553, đạt tỷ lệ: 83,17%; và phấn đấu đến năm 2020 đạt trên 90% người dân tham gia BHYT.

Hiện nay, ngành Bảo hiểm xã hội đã triển khai các giải pháp như xác định đối tượng và phân bổ số lượng thẻ BHYT cho các cơ sở khám chữa bệnh, tổ chức ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT đối với các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh, huyện và tương đương, các trạm y tế xã, phường, thị trấn (183 cơ sở y tế, trong đó có 06 cơ sở y tế tư nhân). Triển khai hệ thống thông tin giám định BHYT bao gồm cổng tiếp nhận dữ liệu khám, chữa bệnh BHYT, phần mềm giám định BHYT kết nối liên thông với phần mềm tại các cơ sở khám, chữa bệnh đã giúp công tác quản lý chặt chẽ, minh bạch; thực hiện cải cách hành chính; phối hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế đẩy mạnh liên thông dữ liệu, nhằm quản lý thông tuyến và giám định điện tử, kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh BHYT.

Thủ tục tham gia BHYT, cấp mới, cấp lại thẻ BHYT đã thực hiện quy trình giao dịch điện tử, điều chỉnh theo chiều hướng cải cách, tạo điều kiện thuận lợi, thời gian cho tổ chức, cá nhân khi giao dịch với cơ quan Bảo hiểm xã hội; thời gian cấp mới thẻ BHYT giảm từ ‘‘không quá 10 ngày làm việc’’ xuống còn ‘‘không quá 5 ngày làm việc’’; cấp lại, đổi thẻ BHYT giảm từ ‘‘không quá 7 ngày làm việc’’ xuống còn ‘‘không quá 03 ngày làm việc’’; trong trường hợp cấp lại thẻ BHYT (nếu không thay đổi thông tin) thì nhận thẻ BHYT cấp lại ngay trong ngày.

Ngành Y tế chú trọng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chất lượng thuốc; đầu tư đồng bộ trang thiết bị y tế, phát triển nguồn nhân lực tại trạm y tế các xã, phường, thị trấn để đảm bảo tốt việc khám, chữa bệnh ban đầu ngay tại địa phương.

Để thực hiện tốt lộ trình BHYT của Chính phủ giao đến năm 2020 đạt 90% dân số tỉnh tham gia BHYT, tỉnh tiếp tục đề ra các nhiệm vụ giải pháp cụ thể: Thực hiện tốt vai trò từng thành viên của Ban Chỉ đạo thực hiện Luật BHYT và lộ trình BHYT toàn dân tỉnh An Giang; tăng cường phát triển đối tượng tham gia BHYT tại các doanh nghiệp, các trường học và đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình trên địa bàn; giải quyết kịp thời các chế độ chính sách BHYT cho người lao động, người dân.

Tăng cường công tác tuyên truyền thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về BHYT đến tất cả các ngành, các cấp, toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Quản lý tốt đối tượng tham gia, thụ hưởng chính sách BHYT; quản lý an toàn các nguồn thu, chi tài chính; tăng cường biện pháp thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tình hình thu, chi của các đơn vị trực thuộc; tăng cường công tác giám định trên hệ thống thông tin giám định BHYT điện tử; kiểm soát, quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT; các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh nâng cao chất lượng điều trị; đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh, trân trọng, không phân biệt đối với người bệnh có hay không có thẻ BHYT… hướng tới sự hài lòng của người bệnh, tạo được niềm tin cho người bệnh, thúc đẩy người dân tham gia BHYT.

Với các hình thức, nội dung tuyên truyền phù hợp các nhóm đối tượng, sự phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp, hộ gia đình và sự đầu tư đồng bộ trang thiết bị y tế, phát triển nguồn nhân lực y tế, nhất là tại các trạm y tế các xã, phường, thị trấn thì việc triển khai thực hiện tiến tới lộ trình BHYT toàn dân sẽ được nhân dân đồng tình hưởng ứng tham gia.

CẨM ĐÍNH
Bảo hiểm xã hội tỉnh An Giang
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36720085