Truy cập hiện tại

Đang có 166 khách và không thành viên đang online

Công tác Khoa giáo

An Phú: Tăng cường thực hiện công tác đào tạo nghề giải quyết việc làm năm 2017

(TGAG)- Được sự quan tâm lãnh chỉ đạo của Ủy ban nhân dân huyện An Phú về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện đã và đang tích cực triển khai các mô hình dạy nghề có hiệu quả cho lao động nông thôn và phấn đấu đạt chỉ tiêu đào tạo năm 2017 trên 880 học viên.

Năm 2016, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện An Phú đã mở 28 lớp dạy nghề cho 743 học viên, đạt 92% kế hoạch năm, với tổng kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề là trên 794 triệu đồng. Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt tỷ lệ 80% tổng số học viên, trong đó, học viên có việc làm tại huyện là 60%, ngoài huyện là 12% và lao động ngoài tỉnh là 08%. Trung tâm đã triển khai thực hiện các mô hình dạy nghề có hiệu quả gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn như: kỹ thuật sản xuất và nuôi lươn, kỹ thuật chăn nuôi heo, kỹ thuật trồng rau màu an toàn, may dân dụng, xây dựng dân dụng…

Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn còn gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Trung tâm đã phối hợp Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tổ chức rà soát số lao động địa phương, đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về vấn đề việc làm nông thôn, nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống gia đình. Do vậy, tỷ lệ lao động tham gia học nghề tăng đáng kể, nhất là tỷ lệ lao động các ngành phi nông nghiệp chiếm trên 60%, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, giảm tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh, công tác tư vấn giới thiệu việc làm được thực hiện thường xuyên, trong năm nhận và hỗ trợ kinh phí ban đầu cho 92 lao động thuộc hộ chính sách, hộ nghèo, hộ dân tộc có việc làm ổn định ngoài tỉnh, tư vấn học nghề cho 727 lao động, tư vấn việc làm cho 22 lao động qua đó, giới thiệu 7 lao động có việc làm ổn định.

Với những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như: học viên sau khi đào tạo, do không đủ vốn để sản xuất nên không áp dụng ngay vào thực tế, học viên chưa xác định được mục đích của việc tham gia học nghề nên khi học xong chưa định hướng được việc làm cho bản thân; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy chưa đáp ứng được yêu cầu, đội ngũ giáo viên của Trung tâm chưa đảm bảo về số lượng.

Năm 2017, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện đề ra mục tiêu tăng cường thực hiện công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trong, cụ thể:  tổ chức 35 lớp dạy nghề cho 882 học viên, trong đó ngành nghề nông nghiệp có 25 lớp (625 học viên) và phi nông nghiệp là 10 lớp (257 học viên), và phấn đấu giải quyết việc làm 80% cho lao động qua đào tạo; với nhiều giải pháp thực hiện như: tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, giới thiệu các danh mục nghề, chế độ và quyền, lợi ích của học viên. Đồng thời, tổ chức rà soát nhu cầu học nghề đảm bảo ngành nghề đào tạo phù hợp việc làm học viên, qua đó các địa phương cần lựa chọn nghề phù hợp với học viên, chú trọng công tác hỗ trợ vốn để học viên có việc làm sau khi hoàn thành khóa đào tạo nghề. Quan tâm đào tạo nghề cho lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ chính sách và dân tộc, góp phần tạo thêm việc làm tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho lao động nông thôn./. 

Huỳnh Như


Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36569966