Truy cập hiện tại

Đang có 50 khách và không thành viên đang online

Công tác Khoa giáo

Nghề y - Nghề của lòng nhân ái

(TGAG)- Lẳng lặng nhìn cách anh hỏi han người bệnh, cách mà anh thuyết phục người bệnh chấp nhận phương pháp điều trị,… dưới lớp kính ấy là đôi mắt đã thâm quầng vì những ca trực cả đêm lẫn ngày, là nỗi suy tư cho nỗi đau của người bệnh. Đôi mắt ấy biết cảm thông, thấu hiểu và sẻ chia những mất mát, khó khăn, vật vã của người bệnh; giúp họ có thêm động lực, niềm tin và sức khỏe để chống chọi với bệnh tật…

Thông thường sau hai mươi bốn tiếng trực ở bệnh viện, các y bác sĩ được về với gia đình. Thế nhưng, do tính chất công việc là chuyên khoa, bệnh nhân lại đông, nên nhiều lần ra trực, anh vẫn ở lại để làm tiếp công việc của phòng khám hoặc phải lên phòng mổ, để bệnh nhân không phải chờ đợi. Anh luôn túc trực theo dõi các ca bệnh mà trước đó anh điều trị. Thậm chí gần 15 năm gắn bó với nghề, anh cũng không nghỉ phép năm để lo việc cá nhân hay thực hiện các chuyến du lịch cùng với gia đình. Ngày ngày anh đều đặn đến bệnh viện, nơi đó còn rất nhiều những cô chú bác… đang cần đến anh và kể cả những đồng nghiệp trong đại gia đình bệnh viện có tên là Đa Khoa tỉnh An Giang - các bác sĩ trẻ ấy đang rất cần anh truyền nghề cũng như truyền lửa yêu nghề, các y tá điều dưỡng đang cần sự có mặt của anh để yên tâm hơn trong mọi tình huống chuyên môn, khẩn cấp. Thế là thời gian anh dành cho gia đình nhỏ quả thật rất hiếm hoi. Mỗi khi nhắc đến ngành y, nhiều người đều cho rằng đây là một ngành rất thường xuyên không có được giấc ngủ ngon, khó có được bữa cơm đầm ấm bên gia đình, dễ gặp nhiều sự rủi ro trong nghề nghiệp và phải đối mặt với chất thải y tế, với thái độ của bệnh nhân và thân nhân… Đối với anh còn được cống hiến sức mình cho nghề là điều quý giá không gì bằng. Bồi hồi nhớ lại, số lần anh đưa vợ con đi dạo chơi chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Hậu phương” của anh lúc nào cũng phải gánh vác, đỡ đần và san sẻ vì anh không thể chu toàn việc gia đình. Thời gian gần như anh dành nhiều cho công việc, học sau đại học (tại Trường Đại học Y dược TP HCM) và nghiên cứu, cải tiến phương thức làm việc hiệu quả, khoa học; đặc biệt là mang những cái mới, cái hay ở các bệnh viện tuyến trên về áp dụng tại nơi mình công tác, phục vụ bà con mình... Mỗi khi thấy ba sửa soạn chiếc áo blouse trắng là đứa con gái lớn lặng lẽ tự ngồi vào bàn học, vì con bé biết rằng “ba bận lắm, không có thời gian chơi đùa và dạy cho con học…”; còn bé nhỏ thì cứ quấn quýt bên chân ba mà thỏ thẻ “lâu lắm rồi, ba không chở con đi xe ngựa nghen ba”. Câu này anh cũng nghe từ lâu lắm rồi, như những nốt trầm dịu dặt của tình cha con, nhưng mà “lớn lên con sẽ hiểu cho những nỗi niềm của ba”. Bởi vì ba đã từng có một ước mơ rất đẹp…
Ngày ấy, ngôi trường cấp hai ở vùng quê Vĩnh Thuận, Kiên Giang mà anh đang theo học đột nhiên giải thể; giấc mơ thi vào ngành y từng ấp ủ trong anh tưởng chừng khó thành hiện thực. Cũng đúng khoảng thời gian này, vào một ngày mưa dầm, mẹ anh đã phải tất tả bơi xuồng vượt hàng trăm cây số ra Thị xã Vị Thanh để cứu chữa cho đứa em gái duy nhất vừa lên hai tuổi. Những tưởng ngày em ra viện sẽ ăm ắp, rộn rã tiếng cười, nào ngờ chỉ sáng hôm sau, em bỏ lại một khoảng trời tuổi thơ… Mọi hy vọng đều trở nên vô vọng. Thấm thía nỗi buồn thương của một đứa trẻ khi phải chứng kiến em mình co giật, sốt cao rồi dần tắt thở. Lúc bấy giờ do điều kiện y tế còn thiếu thốn nên căn bệnh thương hàn đã cướp đi sự sống của em và bao đứa trẻ đáng yêu khác. Biến cố gia đình đã thôi thúc anh vươn lên trong học tập, nhen nhóm ước mơ cháy bỏng “nhất định phải theo ngành y”. Đoạn đường làng lầy lội hơn năm cây số từ nhà đến Trường Phổ thông Vĩnh Thuận đã không thể ngăn trở bước chân anh. Anh chưa từng nói với gia đình về ý định tương lai của mình, nhưng anh ý thức được cần phải theo đuổi con đường học vấn cho đến cùng.  Ngày anh thi đỗ vào Trường Đại học Cần Thơ là ngày cả nhà anh mừng đến phát khóc, nhất là mẹ anh. Thế nên, dẫu gia cảnh còn chật vật nhưng lúc nào gia đình cũng luôn tự hào và ủng hộ anh đi trọn con đường mơ ước. Dẫu hàng ngày phải đối mặt với bệnh hoạn, đau đớn, chết chóc, với thuốc men máu mủ, với tình cảm yêu ghét thương giận của thân nhân,… nhưng anh vẫn cố gắng tích lũy kinh nghiệm để nâng cao tay nghề, cố gắng bằng mọi giá để các ca phẫu thuật đạt chất lượng, giúp cải thiện tích cực tình trạng sức khỏe cho bệnh nhân.

Là bác sĩ luôn đặt “cái tâm” mình lên trên hết, anh luôn tự dặn mình dù vất vả, gian nan đến mấy cũng không được nản lòng. Phải có đam mê nghề thực sự, phải hướng thiện và chấp nhận hy sinh thì mới có thể đeo đẳng được với nghề. Vậy mà mấy ai hiểu được cho nỗi lòng của những người trót mang nghiệp y học? Theo anh, ngoài việc phải vững chuyên môn, cái khó nhất trong nghề đó chính là kỹ năng giao tiếp, ứng xử với bệnh nhân và thân nhân. Nếu kỹ năng nghề nghiệp tốt thì sẽ giảm bớt nhiều lắm những phiền hà, rắc rối. Không thể đổ do áp lực, mệt mỏi nên mới “căng thẳng”, nặng lời với người bệnh được. Không thể nuôi giữ cái ý nghĩ người ta đang rất cần mình, còn mình là người ban ơn, mà hãy đóng vai là người thân, luôn đặt mình vào cương vị của bệnh nhân để cố gắng cởi mở, nhẫn nhịn và cảm thông. Anh thường động viên, khuyên nhủ các nhân viên y tế trẻ như thế, không nên và không thể đấu “tay đôi” với người bệnh, thân nhân vì đó là đạo đức nghề nghiệp. Có thể khi mới bắt đầu công việc, nhân viên y tế chưa có "cảm giác" đối với bệnh nhân và cũng chẳng thể hiểu được những gì họ nghĩ về mình. Nhưng theo thời gian gắn bó với nghề, mỗi y bác sĩ sẽ tự cảm nhận được nỗi sợ và sự lo âu của bệnh nhân và những thứ khác mà họ đã trải qua. Ai cũng vậy thôi, một khi mang đau bệnh, tâm trạng không thoải mái sẽ dễ “quạu”, bức bối. Vì vậy, với nhiệm vụ phục vụ, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người bệnh cả thể chất lẫn tinh thần, y bác sĩ nào đang cảm thấy không thoải mái, hãy lui gót và để đó cho đồng nghiệp lựa lời hay ý đẹp….

Còn anh, anh đã “quay gót” với ca bệnh nào chưa? Một vài ca được anh phẫu thuật, do tình trạng bệnh phức tạp, đã theo dõi nhiều ngày liền và tiên lượng mức độ thành công cao, nhưng diễn biến cũng như kết quả lại không được như mong đợi, anh buồn đến nao lòng. Cũng có một vài trường hợp, qua quá trình theo dõi, anh kết luận là có thể điều trị bằng thuốc, không cần can thiệp bằng dao kéo, nhưng người thân cứ nằn nì, khăng khăng đòi mổ cho nhanh và mau bình phục. Và cũng không ít trường hợp anh dành ra cả buổi tư vấn, anh từ tốn đáp sau câu hỏi của một bác đã gần bảy mươi tuổi “bác tốt tướng thế này thì sống hơn mười năm nữa khỏe re”. Lời nói vui như khích lệ, động viên tinh thần để bệnh nhân lạc quan hơn chứ không mang ý khẳng định ca mổ sẽ thành công một trăm phần trăm. Vậy mà sự cố lại đến, sau khi mổ loại bỏ sỏi túi mật, bác ấy bị phản ứng mạnh, biến chứng co giật tím tái… Thân nhân gần chục người hô hoán, đủ lời lẽ xúc phạm ùn ùn kéo nhau xông vào tìm anh để “tính sổ”, để rồi khi sức khỏe của ông bác ấy dần ổn định và hồi phục, họ ái ngại nhìn vị bác sĩ của từ tâm. Và còn rất nhiều trường hợp, hầu như ngày nào cũng xảy đến, không chuyện nhỏ thì chuyện lớn, anh đều cố gắng giữ bình tĩnh, mềm mỏng ứng xử và đặt lợi ích của người bệnh lên trên hết. Có lẽ vì vậy mà các y bác sĩ thuộc Khoa ngoại tiết niệu luôn nhắc đến anh bằng thái độ niềm nở, thân thương “đứng ở cương vị quản lý, anh luôn tôn trọng và đối đãi chân thành với đồng nghiệp; đứng ở cương vị bác sĩ, anh không quản ngại khó nhọc mà tận tâm tận lực cứu chữa. Còn đối với công việc à, phải nói là anh hơi bị “tham công tiếc việc” theo nghĩa tích cực, nghĩa là rất chịu khó, chừng nào đuối lắm mới chịu nghỉ ngơi, còn không thì cứ ở bệnh viện suốt…”.

Trong suốt thời gian công tác ở bệnh viên, hầu như ngày nào bác sĩ cũng gặp “người quen”. Kia là cái vẫy tay, gật đầu và nụ cười đầy thiện cảm. Kia là câu chào hỏi mộc mạc, chân phương nhưng rất đỗi ấm lòng “bác sĩ có nhớ tôi không, hồi trước tôi là bệnh nhân của bác sĩ đó...”. Cách đây vài năm, những nhân viên y tế có mặt tại bệnh viện đã không khỏi chạnh lòng khi chứng kiến cảnh một bà lão lặn lội từ dưới quê ra bệnh viện Tỉnh chỉ để mong gặp được “đứa con” của mình. Bà cứ lay hoay, lụm khụm đi lòng vòng tìm hết phòng khoa này đến phòng khoa khác, đến khi gặp được, bà ôm chầm lấy một anh bác sĩ đeo cặp mắt kiếng dày cộm rồi khóc sướt mướt. Bà hỏi trong nghẹn ngào “bây đi đâu sao lâu quá má không gặp vậy con? ”. Bác sĩ đỡ bà lên ghế rồi phân trần “dạ, mấy tháng nay con đi học chuyên khoa ở Sài Gòn, con đi học thêm để giỏi hơn đó má”. Họ cứ má má, con con suốt… Đúng tuần sau, bà cụ quay lại tìm, bà lại lay hoay hỏi thăm có thấy một anh bác sĩ đẹp trai, cao cao, đeo mắt kiếng… không? Bà đã có tuổi rồi nên  không còn minh mẫn, bà không nhớ nỗi tên của bác sĩ – người đã cứu bà từ tay tử thần, người mà bà thương yêu như con ruột. Lần này, anh chạy ra đón bà, bà dúi vào tay anh một cái giỏ đệm nằng nặng. Bà cười, nụ cười hom hem nhưng phúc hậu vô cùng “của thằng út bắt ngoài đồng đó, mấy ký ốc lác cho con ăn đỡ nhớ quê…”. Anh đâu biết lần đó là lần cuối cùng được nắm bàn tay ấm áp của một bà má quê, một trong những bệnh nhân đã tạo thêm động lực cho anh phấn đấu vì nghề. Một tháng sau, tại khoa cấp cứu, lần nữa anh hết lòng cứu chữa nhưng lại phải ngậm ngùi, đau lòng vĩnh biệt bà…  

Người anh ấy, vị bác sĩ ấy xem nghề y là một nghề vinh quang và cao quý, suốt đời phấn đấu hết mình cho sự cao quý ấy nhưng lại khiêm tốn cho rằng “nhiều lắm những tấm gương bác sĩ đức độ, tài năng hơn; còn mình thì làm tròn bổn phận thôi, chứ chưa có thành tích gì đáng kể và đặc biệt ”. Thế nhưng rõ ràng là đối với hàng ngàn người đã được anh điều trị thì anh chính là ân nhân của họ. Trước mắt họ, rất thật hình ảnh một anh bác sĩ phải quần quật cả ngày, có khi lên đến 5 ca mổ liên tục, anh chỉ kịp chợp mắt mười phút ngay tại phòng mổ. Rất thật hình ảnh anh bác sĩ cười mãn nguyện, hạnh phúc trong ngày bệnh nhân xuất viện bình an. Và cũng rất thật hình ảnh một vị bác sĩ sẵn sàng chia sẻ, quyên góp giúp đỡ những gia cảnh bệnh tật khó khăn, cùng thân nhân đưa người bệnh ra đến tận xe để về nhà an táng. Tất cả những việc làm ấy thắm đượm tinh thần nhân văn, giàu lòng nhân ái, rất đáng được xã hội tôn vinh. Góp phần xây dựng hình ảnh đẹp cho ngành y, anh chính là Phó Trưởng Khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang – bác sĩ Đặng Tấn Mân! 

Huỳnh Cam
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37131797