Truy cập hiện tại

Đang có 358 khách và không thành viên đang online

Công tác Khoa giáo

An Giang 25 năm triển khai thực hiện công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình

(TGAG)- Trải qua 25 năm triển khai thực hiện, công tác DS-KHHGĐ tỉnh An Giang đã đạt được những thành tựu rất quan trọng. Từ một tỉnh có mức sinh rất cao, với số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 3,85 con vào năm 1991 đến năm 2015 đã giảm xuống chỉ còn 1,85 con (đạt mục tiêu duy trì dưới mức sinh thay thế); từ một tỉnh có tỷ lệ gia tăng dân số là 2,1% năm 1991 đến năm 2015 đã giảm xuống chỉ còn 0,93%; tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai tăng từ 45% năm 1991 lên 80,4% năm 2015.

Quy mô dân số từng bước ổn định, thời điểm Tổng điều tra dân số 01/4/1989, toàn tỉnh có 1.773.666 người, năm 2015 dân số tăng lên 2.158.320 (thấp hơn dự kiến 42.000 người), tuổi thọ trung bình đạt 73 tuổi, tỷ số giới tính khi sinh đã được kiềm chế ở mức 108,7 nam/100 nữ. Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em được chú trọng, mục tiêu duy trì mức sinh thay thế được giữ vững. Chất lượng dân số ngày càng nâng lên, số lượt người trong độ tuổi sinh đẻ, vị thanh niên, thành niên được hỗ trợ tư vấn và cung cấp dịch vụ CSSKSS ngày càng tăng. Từ năm 2011 dự án nâng cao chất lượng dân số được triển khai, đến nay đã có hơn 24.000 bà mẹ mang thai được cung cấp dịch vụ sàng lọc trước sinh (15%), 8.000 trẻ em sinh ra được cung cấp dịch vụ sàng lọc sơ sinh (5%), qua tầm soát đã phát hiện 200 trường hợp mắc bệnh (khoảng 0,6%) đưa vào quản lý, tư vấn, điều trị.

Nhận thức người dân được nâng lên, đã có sự chuyển biến tốt về hôn nhân và sinh đẻ, ngày càng có nhiều người kết hôn, sinh con phù hợp với lứa tuổi, sức khỏe, hoàn cảnh kinh tế và số lần sinh ít hơn, quy mô gia đình nhỏ 1 đến 2 con đã được đa số cặp vợ chồng chấp nhận. Công tác truyền thông nâng cao kiến thức, kỹ năng sống cho lứa tuổi vị thành niên, thanh niên được chú trọng; Hoạt động tư vấn và cung cấp dịch vụ CSSKSS, KHHGĐ cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng có mức sinh cao, đồng bào dân tộc được duy trì thực hiện thường xuyên. Ý thức và trách nhiệm của nam giới trong CSSKSS, KHHGĐ được cải thiện rõ rệt. Đó là kết quả của một quá trình tuyên truyền vận động và thực hiện công tác DS-KHHGĐ trong nhiều năm qua.

Những thành tựu của công tác DS-KHHGĐ tỉnh An Giang đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển đáng kể, thu nhập bình quân đầu người gia tăng, đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm, vấn đề bình đẳng giới được xã hội quan tâm tốt hơn. Song An Giang còn đối mặt nhiều thách thức:

- Quy mô dân số của tỉnh quá lớn, đứng hàng thứ 6 cả nước; Mật độ dân số cao nhất (610 người/km2) gấp 2 lần mật độ dân số cả nước (đứng thứ 7 cả nước); Tình trạng di dân tự do còn cao rất khó quản lý.

- Cơ cấu dân số có những biến đổi mau lẹ, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động tăng cao kể từ năm 2009, tỷ lệ thất nghiệp còn cao (2,32% trên tổng số lao động), tỷ số giới tính khi sinh còn ở mức cao (108,7), tình trạng già hóa dân số đến sớm hơn...; Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp.

- Về chất lượng dân số, hằng năm tỷ lệ các cặp nam nữ đến đăng ký kết hôn và được tư vấn, khám kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân còn thấp. Tỷ lệ khám sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh đạt thấp, chi phí khám sàng lọc khá cao, nhưng chưa được thanh toán bảo hiểm y tế, nên chưa tạo điều kiện thuận lợi trong việc khuyến khích người dân quan tâm thực hiện.

Để thực hiện tốt các mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, duy trì mức sinh hợp lý, giải quyết tốt các vấn đề về cơ cấu dân số, góp phần thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền cần thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chủ yếu sau:

1- Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ. Xác định công tác DS-KHHGĐ là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên.

2- Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục về DS-KHHGĐ, CSSKSS với nhiều hình thức phong phú, đa dạng phù hợp với từng người dân. Gắn việc thực hiện chính sách dân số với việc xây dựng gia đình, khóm, ấp, đơn vị văn hóa. Coi đây là một tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên và địa phương, đơn vị.

3- Phối hợp chặt chẽ các cấp, ngành, các tổ chức xã hội trong thực hiện công tác DS-KHHGĐ. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác DS-KHHGĐ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật về DS-KHHGĐ. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm chính sách DS-KHHGĐ. Thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp để giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên và giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở địa phương.

4- Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ. Thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, viên chức và cộng tác viên dân số để đảm đương tốt nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

5- Nâng cao chất lượng và đa dạng các loại hình dịch vụ về CSSKSS, KHHGĐ đáp ứng nhu cầu của người dân. Duy trì và mở rộng mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Thực hiện bình đẳng giới và tư vấn sức khỏe cộng đồng.

Hưởng ứng ngày Dân số Việt Nam 26/12/2016 với chủ đề “55 năm truyền thống công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, vì hạnh phúc mỗi gia đình, vì sự phát triển bền vững của đất nước”, với vai trò trách nhiệm của mình, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và những người làm công tác Dân số- KHHGĐ trong tỉnh, quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, luôn xứng đáng là niềm tự hào của tỉnh An Giang - góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh./.

VĂN KIM AN
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37123748