Truy cập hiện tại

Đang có 197 khách và không thành viên đang online

Công tác Khoa giáo

Nghề giáo- nghề truyền lửa

(TGAG)- Trong nhà trường, giáo viên đóng vai trò chủ đạo không chỉ là người truyền đạt thông tin mà còn là người tổ chức, hướng dẫn, điều chỉnh quá trình nhận thức và quá trình hình thành nhân cách của học sinh.Nói một cách hoa mỹ, nghề giáo là nghề truyền lửa để thắp sáng con đường cho học trò của mình tìm đến với nguồn sáng tri thức, với nhân cách đẹp.

Để là người truyền lửa, đòi hỏi trong mỗi hành trang của người giáo viên dù ở bất cứ thời đại nào luôn cần có một bầu nhiệt huyết, một trái tim yêu nghề, và kiến thức chuyên môn nhất định được trao dồi theo năm tháng, bởi người giáo viên không chỉ dạy chữ mà còn dạy cho học trò biết làm người cho đúng nghĩa, người giáo viên có trách nhiệm dẫn dắt học trò của mình trở thành người có tri thức, đồng thời có phẩm chất, đạo đức cao đẹp. Mỗi người giáo viên đều là một tấm gương để học trò của mình noi theo và bất kỳ người học trò nào cũng tìm thấy trong nhân cách của mình có dấu ấn của người thầy, cô giáo.
 
Và điều này càng đúng với giai đoạn hiện nay, khi mà xu thế phát triển của thời đại đòi hỏi phải đổi mới giáo dục một cách toàn diện, giáo dục cả chữ lẫn người. Đi cùng là xu hướng chuyển từ kiểu dạy học “ lấy giáo viên làm trung tâm” sang kiểu “dạy học lấy học sinh làm trung tâm”. Nói cụ thể hơn là dạy học phải hướng vào người học. Đặt người học vào vị trí trung tâm của quá trình giáo dục – dạy học. Phương pháp dạy và học này làm cho vai trò người giáo viên trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, và cũng đòi hỏi yêu cầu giáo viên càng phải có trình độ cao về nghiệp vụ chuyên môn, có đạo đức mới có thể đóng vai trò là người cố vấn, hướng dẫn, đồng thời phát triển những cảm xúc, thái độ, hành vi ứng xử của học sinh, đảm bảo cho học sinh làm chủ và biết ứng dụng hợp lý những tri thức, những ứng xử với xã hội bên ngoài.

Đặc biệt người thầy trong thời hiện đại còn phải tôi luyện cho mình tinh thần thép để đối mặt với nhiều áp lực của nghề. Đôi khi chỉ vì ít trường hợp cá biệt mà như “con sâu làm rầu nồi canh”, làm cho xã hội có cái nhìn không đúng về người thầy. Hồ Chí Minh đã xem việc trồng người là sự nghiệp trăm năm. Trồng cây đã khó, trồng người càng khó hơn. Trong giai đoạn mới, chữ tâm và chữ đạo của nhà giáo cần phải được gìn giữ, phát huy, luyện rèn trên cơ sở nhận thức đúng đắn trước những biến động to lớn của nền kinh tế thị trường, trước những biến động của xã hội. Mỗi nhà giáo phải luôn tìm tòi, sáng tạo không ngừng để tiếp nối một cách xứng đáng thế hệ những người đi trước, không ngừng rèn luyện, hoàn thành vai trò thiêng liêng đối với xã hội. Phải có ý chí vượt khó và phải có quyết tâm với nghề mà mình đã lựa chọn.

Đối với xã hội, Nghề dạy học và Nhà giáo luôn cần được nhân dân quý trọng, cần được xã hội tôn vinh. Ở thời đại nào cũng thế, những câu chuyện về sự hy sinh thầm lặng của thầy cô giáo dường như không bao giờ đến trang cuối. Không phải ngẫu nhiên, ta trìu mến gọi thầy giáo, cô giáo của mình như người cha, người mẹ, bởi thầy, cô giáo không có công sinh ta ra nhưng là người dạy dỗ ta nên người. Chúng ta đôi khi lầm tưởng, khoa học công nghệ có thể mở ra một trời kiến thức mà không cần đến sự dẫn dắt của thầy, cô giáo. Nhưng không, những ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình giảng dạy trong thời đại hiện nay chỉ có tác dụng giảm nhẹ sức lao động, tăng thêm năng lực dạy học, giáo dục của giáo viên chứ mãi mãi không bao giờ có thể thay thế vai trò của người giáo viên, không có thầy, cô giáo, chúng ta chỉ có thể chìm trong khối kiến thức ấy mà chẳng biết đâu là con đường ra, chẳng biết thông tin, kiến thức nào có thể dung nạp, thông tin nào là sai lệch, như đi mãi cũng chẳng thấy ánh sáng, đúng như câu tục ngữ “ không thầy đố mày làm nên”, một câu tục ngữ là câu hỏi, lời khẳng định mang một giá trị, ý nghĩa trường tồn với thời gian.

Nghề giáo cứ như thế mang trong mình những trọng trách lớn lao theo năm tháng. Có con đường nào đến thành công mà không qua những khổ công rèn luyện, phải biết bao gian lao, vất vả… trong những khó nhọc, chông gai đó, chính người thầy đã tiếp bước, đã thắp và giữ ngọn lửa niềm tin, ngọn lửa tri thức. Người thầy, với vai trò định hướng đã luôn luôn làm tròn trách nhiệm người truyền lửa của mình. Chúng ta hy vọng các thầy, cô giáo sẽ tiếp tục thắp sáng ngọn lửa niềm tin, thắp sáng lý tưởng cao đẹp mà biết bao thế hệ thầy cô đã giữ gìn. Cũng mong những thế hệ học sinh, những thế hệ tương lai của đất nước luôn xứng đáng với niềm tin mà thầy cô đã dành cho mình./
                                                                                      
Hải Lam


Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36732095