Truy cập hiện tại

Đang có 104 khách và không thành viên đang online

Công tác dân vận - mặt trận - đoàn thể

Công tác dân vận ở xã An Cư đạt được nhiều kết quả

(TGAG)- An Cư là xã có đông đồng bào dân tộc Khmer, chiếm 78%, toàn xã có 11 chùa Khmer. Địa bàn rộng, phức tạp về tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, mặt bằng dân trí thấp, dân cư sống rải rác trong các phum, sóc, đời sống nhân dân chủ yếu bằng nông nghiệp (trồng trọt và chăn nuôi bò). Số hộ nghèo hằng năm có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, tổng số 503 hộ, chiếm 23% so với số hộ toàn xã, từ đó việc thực hiện công tác dân vận trên địa bàn gặp những khó khăn nhất định. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, sự điều hành của chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, xã đã tập hợp được quần chúng nhân dân đoàn kết tích cực khai thác có hiệu quả những tiềm năng về đất đai, lao động, tiền vốn để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị trật tự xã hội trên địa bàn.

   Bên cạnh đó, cấp ủy luôn chú trọng chỉ đạo, triển khai quán triệt các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là công tác dân vận trong cán bộ đảng viên và nhân dân trong toàn xã. Công tác tuyên truyền được đổi mới với nhiều hình thức đa dạng, phong phú sát với đối tượng, tập trung vào những nội dung cơ bản, những vấn đề mới, trong đó tập trung vào những vấn đề về  phát triển kinh tế - xã hội của địa phương gắn với thực hiện công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo, công tác quốc phòng an ninh, tạo sự đoàn kết sâu rộng, thống nhất cao trong tư tưởng, sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của nhân dân từng bước đưa Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

    Do đặc thù xã có đông đồng bào dân tộc Khmer, nên các buổi hội nghị nhân dân được tổ chức tại các điểm chùa, bởi vì chùa là nơi bà con thường đến cúng viếng. Bên cạnh sự tham gia của bà con người dân tộc Khmer, còn có sư cả, Ban quản trị, à cha cùng tham dự. Đồng thời Khối vận xây dựng kế hoạch thường xuyên xuống địa bàn tiếp xúc gần gũi với các sư cả, à cha vào các ngày cúng tập trung của bà con để tạo sự thân thiết, gần gũi và tuyên truyền về các chủ trương, kế hoạch của địa phương.

    Qua triển khai thực hiện công tác Dân vận, kết quả đạt được là rất lớn, cụ thể như: Quy chế phối hợp giữa Ủy ban nhân dân với Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể được phối hợp và tăng cường, khối đại đoàn kết được củng cố, dân chủ cơ sở được phát huy; các chủ trương, chính sách, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương được công khai, minh bạch; kịp thời giải quyết các đơn thư khiếu nại trong dân; bộ phận hành chính “một cửa” tiếp nhận và giải quyết nhanh chóng công việc cho nhân dân theo đúng quy định, không để xảy ra phiền hà...         

    Bên cạnh đó, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể phát động nhiều phong trào thi đua, thành lập được nhiều mô hình dân vận khéo được đa số đoàn viên, hội viên đồng tình hưởng ứng tích cực. Hội Nông dân thành lập câu lạc bộ nông dân với kiến thức pháp luật; Hội Phụ nữ thành lập tổ trợ giúp pháp lý, các tổ phụ nữ giúp nhau làm kinh tế (hùn vốn giúp nhau không tính lãi có 187 hội viên tham gia hằng tháng giúp nhau từ 1 triệu đến 2 triệu đồng/hội viên); Mặt trận Tổ quốc phối hợp vận động Quỹ Vì người nghèo - xã hội từ thiện giúp cho 11.050 lượt các hộ nghèo, khó khăn trong 03 năm qua được 2.647 triệu đồng. Ngoài ra, Hội Khuyến học thành lập mô hình khuyến học, khuyến tài vận động được 112 chiếc xe đạp, dụng cụ học tập hỗ trợ cho các em học sinh nghèo, tổng trị giá 429 triệu đồng... Các tuyến đường nội bộ trong phum, sóc được nhân dân đóng góp để nâng cấp, sửa chữa giúp cho việc đi lại dễ dàng (trong năm 2014, nhân dân đóng góp nâng cấp được 07 đoạn đường trong phum sóc với tổng số tiền là 317 triệu đồng)...

    Có thể nói, từ những cách làm hay, sáng tạo và có hiệu quả như thế đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm từ 3 - 5%. Bên cạnh đó, các đơn vị công an, quân sự đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng triển khai công tác vận động trong hệ thống chính trị, nâng cao nhận thức chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong nhân dân. Từ đó nhân dân thấy được chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước luôn chăm lo đối với đồng bào dân tộc Khmer, đa số bà con đã chuyển biến về nhận thức một cách rõ nét, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý điều hành của Nhà nước, việc khiếu nại đất đai của đồng bào dân tộc trong những năm gần đây không còn, tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội được ổn định.

    Kết quả làm được là rất lớn nhưng vẫn còn một số hạn chế, khó khăn đó là: việc phối hợp thực hiện công tác Dân vận chưa đồng bộ; địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác xóa đói, giảm nghèo, các chính sách được quan tâm đầu tư cho hộ nghèo, vùng dân tộc được các ngành, các cấp quan tâm nhiều nhưng đến nay số hộ nghèo, cận nghèo vẫn còn ở mức cao. Nguyên nhân là do công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện Quy chế công tác dân vận đôi lúc chưa được chặt chẽ. Công tác tuyên truyền nâng cao ý thức tự lực, tự cường; thực hành tiết kiệm, đẩy mạnh sản xuất, đề cao cảnh giác với âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch trong đồng bào dân tộc Khmer tuy có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

    Để khắc phục những tồn tại, hiện xã An Cư đang thực hiện một số giải pháp như tiếp tục quán triệt và thực hiện Quyết định số 290 của Bộ Chính trị, Quy chế về công tác dân vận trong hệ thống chính trị, Chương trình hành động của Tỉnh ủy về tăng cường và đổi mới công tác Dân vận trong tình hình mới. Theo đó, cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ thường xuyên quán triệt các quan điểm, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân vận, kịp thời đề ra các giải pháp  phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, qua đó làm cho cán bộ, đảng viên  ngày càng hiểu sâu sắc hơn về công tác dân vận; tăng cường sự đoàn kết thống nhất về tư tưởng, hành động trong toàn Đảng bộ và sự đồng thuận trong nhân dân; nắm vững và vận dụng tốt đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, phát sinh trong nhân dân; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đa dạng hóa hình thức tập hợp các tầng lớp nhân dân trong việc tham gia các phong trào hoạt động của Mặt trận, đoàn thể; phát huy vai trò của các vị chức sắc, các cá nhân có uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo. Đồng thời, thực hiện tốt hơn nữa quy chế dân chủ ở cơ sở để phát huy sức mạnh của nhân dân trong việc xây dựng nông thôn mới gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” để đưa cuộc sống của đồng bào dân tộc Khmer ngày càng phát triển, khởi sắc hơn./.

Nguyễn Hùng
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36572719