Truy cập hiện tại

Đang có 312 khách và không thành viên đang online

Văn hóa - Văn nghệ - Thể thao - Du lịch

Nét mới trong phong trào hát với nhau ở huyện Châu Phú

(TGAG)- Từ năm 1990 đến năm 2000, phong trào hát với nhau trên địa bàn tỉnh An Giang diễn ra rầm rộ hầu hết trên khắp các địa phương từ nông thôn đến thành thị. Đây không chỉ là loại hình văn nghệ được giới trẻ yêu thích mà còn được cả lứa tuổi trung niên, thiếu nhi tham gia và sau một thời gian phong trào này bị “thoái trào” như một quy luật thăng trầm của sự phát triển của xã hội. Nay, phong trào này được xây dựng lại với một cách làm mới ở huyện Châu Phú.

Nhạc sỹ Trương Bá Trạng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: “Hiện nay, ngoài các tụ điểm hát với nhau tự phát của tư nhân và được sự quản lý của cơ quan chức năng về nội dung lẫn hình thức, thì Trung tâm Văn hóa Thể thao (VHTT) thành phố Long Xuyên và huyện Châu Phú là hai địa phương đi đầu trong việc xây dựng lại phong trào hát với nhau trên địa bàn tỉnh; mỗi tuần tổ chức một đêm vào tối thứ năm”.


Nói đến phong trào hát với nhau thì yếu tố then chốt quyết định thành công, chính là sự tham gia ngày càng đông đảo, tích cực của các tầng lớp nhân dân, từ đó đã góp phần không nhỏ trong việc giúp ngành văn hóa phát hiện những gương mặt mới cho phong trào văn nghệ quần chúng tại địa phương. Để thu hút được nhiều người tham gia, huyện Châu phú đã quan tâm đầu tư trang thiết bị phục vụ cho phong trào như: mua sắm mới và trang bị lại âm thanh, ánh sáng, thiết kế trang trí sân khấu, sự tập luyện, phối hợp nhuần nhuyễn của nhạc công... hạn chế tối đa sự cố kỹ thuật trong đêm sinh hoạt, tạo môi trường thân thiện, vui chơi thoải mái cho người tham gia, làm cho người tham gia luôn tự tin trên sân khấu và không bị nhàm chán là yếu tố then chốt để giữ vững phong trào.

Anh Trần Thanh Phong, Trưởng phòng Văn hóa Thể thao huyện Châu Phú cho biết: “Trước mắt, ngành văn hóa huyện đã triển khai kế hoạch xây dựng lại phong trào hát với nhau tại địa bàn thị trấn Cái Dầu và xã Mỹ Đức. Từ đầu năm 2014 đến nay đã có 5/11 xã, thị trấn có phong trào hát với nhau hoạt động hằng tuần, vì đây cũng là một trong những tiêu chí trong chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở địa bàn. Về cách làm, huyện sẽ hỗ trợ 50% kinh phí tổ chức mỗi đêm bằng các chi phí cho nhạc công, kỹ thuật và trang thiết bị phục vụ, 50% kinh phí còn lại do địa phương cấp hoặc vận động xã hội hóa”.

Từ đầu năm 2013 đến nay, vào mỗi chiều thứ năm hằng tuần có đến hàng chục người đến đăng ký tập dợt, để tối được thể hiện mình trên sân khấu. Không chỉ có những bạn trẻ đăng ký mà còn có những em thiếu nhi, những người đứng tuổi cũng không ngần ngại tham gia. Có mặt tại một buổi sinh hoạt định kỳ, chúng tôi ghi nhận có trên 300 người đến để cổ vũ và tham gia sinh hoạt. Khán giả đến đây không chỉ thư giản mà còn được thưởng thức những giọng ca không chuyên đầy nhiệt tình và nghiêm túc từ phong cách biểu diễn đến nội dung bài hát. Anh Trương Thành Lợi (ngụ ấp Vĩnh Tiến, thị trấn Cái Dầu) người lớn tuổi nhất trong đêm sinh hoạt chia sẻ: “Sau một ngày làm việc mệt nhọc, đây là thời gian để chúng tôi thư giản cùng với bạn bè bằng những điệu nhạc, bài hát. Đến đây, chúng tôi cảm thấy mình như trẻ hơn, vui hơn khi thả hồn vào những bài hát trữ tình. Hát hay dở cũng chẳng quan trọng, miễn sao là được vui, được tìm lại một chút gì những kỷ niệm qua bài hát mà mình yêu thích”.

Nhạc sỹ Huỳnh Công Thưởng, Giám đốc Trung tâm VHTT, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật huyện Châu Phú cho biết: “Ngoài việc tổ chức hát với nhau vào tối thứ năm hằng tuần, chúng tôi còn phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật của các địa phương trong tỉnh tổ chức luân phiên vào tuần cuối tháng chương trình hát với nhau và giao lưu âm nhạc. Đây là cách làm mới nhằm giới thiệu những ca khúc mới của các nhạc sỹ trong tỉnh, thu hút sự tham gia của nhiều lứa tuổi, khuyến khích, động viên những bạn trẻ có năng khiếu trên lĩnh vực sáng tác tham gia và để cho những nhạc sỹ trong huyện cũng như trong tỉnh có nơi để giới thiệu những tác phẩm, đứa con tinh thần của mình đến với công chúng”.


Thật vậy, những ca khúc của các nhạc sỹ trong tỉnh được trình bày trong đêm sinh hoạt vừa qua có thể chưa thật hay lắm, hoặc do mới nghe lần đầu có thể chưa mang lại cảm nhận và cảm xúc thật sự cho khán giả. Nhưng đó là những đứa con tinh thần của các nhạc sỹ, được sáng tác bằng sự rung động của trái tim. Và tất cả đã được đón nhận bằng tấm lòng và sự cổ vũ nhiệt tình của đông đảo khán giả trong các đêm sinh hoạt.

Có thể nói phong trào hát với nhau ở huyện Châu Phú đang được xây dựng lại với một cách làm mới, điều đó phải nói đến những người đang giữ lửa cho phong trào, có nhiệt huyết và có tình yêu say mê văn nghệ để phong trào được giữ vững, góp phần tạo nên sân chơi văn hóa lành mạnh cho người dân sau những ngày lao động mệt nhọc.
Võ Quốc Tuấn
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36995437