Truy cập hiện tại

Đang có 152 khách và không thành viên đang online

Văn hóa - Văn nghệ - Thể thao - Du lịch

Giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa của lễ hội

Mới đây, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 41-CT/TW về việc “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác quản lý và tổ chức lễ hội”. Với mong muốn giúp bạn đọc có một cái nhìn toàn diện, sâu sắc về những giá trị, ý nghĩa của lễ hội, cũng như những mặt tích cực, những bất cập trong việc quản lý và tổ chức lễ hội hiện nay, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý và tổ chức tốt lễ hội, Xin giới thiệu vệt bài chuyên sâu về vấn đề này nhằm thực hiện tốt Chỉ thị 41 của Ban Bí thư.

Giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa của lễ hội

“Lễ” là cử chỉ của con người để tỏ thái độ tôn trọng với nhau, cũng như với các biểu trưng của tín ngưỡng. Các cử chỉ đó tạo thành phong tục trong đời sống hoặc các nghi thức trong tín ngưỡng, tôn giáo, các nghi chế trong thiết chế xã hội. “Hội” là sự tập hợp đông người để thực hành diễn xướng, trình diễn các phong tục, tín ngưỡng, các hình thức văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật, các sinh hoạt tinh thần xã hội… Khái niệm “Lễ hội” dùng để chỉ những sinh hoạt gồm cả lễ và cả hội, điều thường thấy trong sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân. Lễ hội truyền thống là những lễ hội đã trường tồn trong lịch sử cộng đồng xã hội, được bảo lưu, phát triển, lặp lại và quảng bá không ngừng.

Bất cứ cộng đồng xã hội nào cũng tồn tại những hình thức lễ hội của mình. Những cộng đồng thị tộc tồn tại xa xưa nhất trong lịch sử đã có những hình thức nghi lễ được diễn xướng. Xã hội hiện đại, lễ hội ngày càng phát triển, ngày càng phong phú và đa dạng, ngày càng nhân văn hơn.

1. Với sự trình diễn lặp lại về mặt thời gian, với cảm hứng kỷ niệm, suy nguyên, với tâm cảm tri ân “Uống nước nhớ nguồn”… lễ hội có một giá trị bảo lưu truyền thống một cách sâu đậm, mạnh mẽ. Những thông tin về nguồn cội con người, quốc gia, dân tộc, vùng miền, làng xóm, gia tộc, gia đình… để lại dấu ấn chứa chan trong lễ hội. “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba”. Cội nguồn quốc gia, đất nước, dân tộc hòa đồng cùng cội nguồn gia tộc, gia đình khi chúng ta hướng về giỗ Tổ Hùng Vương, khi chúng ta coi nhau là “đồng bào” trên giải đất hình chữ S thân yêu. Trong lòng Tổ quốc đó, tất cả mọi ngành nghề, mọi tín ngưỡng, cả mọi cảnh quan tự nhiên, địa lý, văn hóa, mọi giống loài trên rừng, dưới biển đều được lễ hội nhận thức và trình diễn từ chiều sâu niềm tin lịch sử qua các thần thoại và truyền thuyết, cốt lõi tinh thần không thể thiếu trong sinh hoạt lễ hội.

2. Lễ hội diễn ra theo chu kỳ thời gian là dịp tập trung, gặp gỡ, giao hòa giữa con người với con người, mối dây liên hệ về mặt tinh thần luôn luôn được nối bện bền chắc. Giá trị cố kết cộng đồng là một giá trị hết sức cơ bản của lễ hội. Khi mỗi con người đều có chung một nhận thức, một niềm tin, có cùng một tình cảm trước biểu tượng thiêng liêng, chung tay tham gia vào trình diễn lễ hội, giao hòa tinh thần giữa người với người, giữa thế giới thực tại và thế giới thần thiêng… thì mối quan hệ sẽ trở nên gắn bó, kết đoàn, tạo nên sức sống mạnh mẽ của tập thể, của nhân quần. Một sự trình diễn lễ hội thành công là niềm tự hào chung của cả cộng đồng, là chủ thể của lễ hội đó. Mỗi con người sẽ có ý thức được tôn trọng hơn, vui sống hơn bên nhau và cùng nhau.

3. Với tư cách là một nghệ thuật trình diễn mang tính tổng hợp, lễ hội là nơi, là thời điểm mạnh, thời điểm bùng nổ của mọi loại hình nghệ thuật, mọi yếu tố văn hóa của cộng đồng. Màu sắc, âm thanh, mùi vị, động thái, không gian tràn ngập nơi nơi. Các thành phần nghệ thuật ngôn từ, âm nhạc nhảy múa, sân khấu, hội họa, kiến trúc…, các trò chơi dân gian, các bộ môn thể thao, các triển lãm thành quả lao động trước thần linh và trước cộng đồng được bài trí và phô diễn. Bung ra khỏi sự vất vả, lo lắng của cuộc sống thường nhật, làng quê Việt Nam như bừng lên rộn rã khác lạ, từng con người rạng rỡ tự thể hiện, tự khẳng định trong niềm vui chung của mọi người. Đông như hội và vui như hội là ở ý nghĩa đó.

4. Cộng đồng 54 dân tộc anh em cư trú trên Tổ quốc Việt Nam lưu giữ một nền lễ hội hết sức giàu có về trữ lượng. Các vùng miền khắp đất nước bảo tồn những tính chất đa dạng về lễ hội. Sự phong phú các tín ngưỡng, tôn giáo với sắc thái lễ hội muôn màu muôn vẻ. Lịch sử trường kỳ của việc dựng nước, giữ nước và phát triển dân tộc. Quá trình giao lưu văn hóa rộng rãi với nhiều quốc gia khác nhau… Tất cả những điều đó làm cho kho tàng lễ hội truyền thống Việt Nam trở nên dày dặn và vô giá. Đó chính là nguồn cảm hứng bất tận, kho tài nguyên quý báu cho mọi sáng tạo nghệ thuật đương đại. Một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc chắc chắn phải dựa trên một truyền thống dày dặn, phong phú. Lễ hội cấp cho ta nguồn tài nguyên bất tận cho mọi loại hình nghệ thuật hôm nay. Trên hiện thực quý báu đó, việc nghệ thuật Việt Nam trình diễn một tư cách đặc biệt trên thế giới tùy thuộc vào tài năng, vào ý thức của văn nghệ sĩ và đường lối văn nghệ của chính thể chúng ta.

5. Trong mỗi tâm hồn cá nhân, lễ hội luôn luôn là một miền ký ức đẹp đẽ. Có lẽ không ai trong cuộc đời không từng náo nức cùng trống hội, không từng “Chân đất đi đêm xem hội…” như nhà thơ Nguyễn Duy đã viết, không từng đứng trong cơ ngũ đồng ấu của đám rước, mặc sắc phục làm lính trong cuộc đấu cờ người, thắp nén hương trước bàn thờ tiên hiền tiên liệt, hưởng tấm bánh lộc thánh từ tay mẹ hiền. Kỷ niệm lễ hội góp phần xây dựng nhân cách từng cá thể. Để dù đi đâu về đâu, chúng ta từ hành động hoặc tâm tưởng, đến dịp hội làng lại làm một cuộc hành hương về làng quê, về cội nguồn mà từ đó, ta đã lớn lên và đi vào cuộc đời rộng lớn. Để đến khi già lão, trở về với hội lễ, chúng ta lại tiếp bước người xưa, chăm lo cho không gian linh thiêng, nối người và thần, nối âm với dương, nối trời cùng đất. Ông cha ta có câu “Lá rụng về cội”, “Sống gửi thác về”… là vậy.

6. Không một chính thể nào, không một tôn giáo nào, không một tư tưởng nào lại cắt đứt với truyền thống. Quá khứ-hiện tại-tương lai là một sự tiếp nối dĩ nhiên và bất tận. Mỗi một dân tộc, quốc gia, mỗi một nền văn hóa trên toàn cầu này đóng góp cho nhân loại những giá trị văn hóa đặc sắc của mình. Về văn hóa, nhân loại cần sự đa sắc màu. Không có bản sắc khác nhau thì không có khái niệm văn hóa. Con người đến với con người là dâng hiến cho nhau một sự khác biệt văn hóa để cho sự hòa hợp, hòa nhập chung có được sự phong phú vĩnh viễn, trường tồn. Sự giàu có của lễ hội Việt Nam đóng góp cho kho tàng nhân loại những bản sắc đặc biệt của mình. Nhiều lễ hội truyền thống đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Bảo tồn, phát huy, phát triển, truyền bá, giao lưu là nghĩa vụ, là trách nhiệm quốc gia trong việc bảo vệ một thế giới vận hành đa dạng văn hóa. Nhân loại sẽ mãi mãi tồn tại trong sự đa dạng văn hóa đó.

7. Trong đời sống văn hóa hiện đại, những lễ hội truyền thống được phục hồi mạnh mẽ từ thời kỳ đổi mới (1986) như một tín hiệu tốt đẹp của hòa bình và độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ. Những chính sách văn hóa được đổi mới, những thiết chế văn hóa được cải thiện, những hạ tầng văn hóa truyền thống được phục hồi. Cùng với sự tự nguyện góp công, góp sức của toàn xã hội, không gian lễ hội từng bước bừng lên trên khắp mọi miền đất nước, đáp ứng nhu cầu phong phú về đời sống tinh thần, nhu cầu về tự do tín ngưỡng của nhân dân.

Tuy nhiên, trong sự phát triển mạnh mẽ đó, không tránh khỏi những bồng bột, những tùy tiện, thậm chí những tiêu cực, những sai lầm làm cho lễ hội giảm đi nhiều giá trị tích cực. Ở những lễ hội lớn, bằng sự quá tải về nhân số do sự phát triển dân số, sự thuận tiện của hạ tầng giao thông, sự quảng bá rộng rãi của truyền thông đã góp phần làm cho lễ hội trở nên phức tạp. Sự phát triển kinh tế thị trường nhanh chóng có khi làm cho sự cạnh tranh quyền lợi trở nên quyết liệt. Mê tín dị đoan phát triển khiến cho tệ buôn thần bán thánh xuất hiện phổ biến… Những mặt trái đó tạo nên những thử thách không nhỏ cho việc tổ chức những lễ hội theo hướng ngày càng chân-thiện-mỹ. Điều đó làm chúng ta không khỏi trăn trở, lo lắng và càng phải cố gắng nhiều hơn trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, giá trị nhân văn, giá trị truyền thống tốt đẹp của lễ hội mà tổ tiên, ông cha ta đã bền bỉ lưu giữ, trao truyền cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian NGUYỄN HÙNG VĨ
Theo QĐND
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36726314