Truy cập hiện tại

Đang có 96 khách và không thành viên đang online

Văn hóa - Văn nghệ - Thể thao - Du lịch

Văn hóa giao thông

(TGAG)- Với chủ đề: “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết” được các cơ quan chức năng trong tỉnh thực hiện đồng bộ, chặt chẽ và đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra trong năm 2015. Dù các ngành có liên quan đã có nhiều nỗ lực trong đảm bảo an toàn giao thông (ATGT), tuy nhiên tai nạn giao thông (TNGT) vẫn xảy ra với con số ngày một gia tăng.

Theo số liệu thống kê của Sở Giao thông vận tải, năm 2015 trên địa bàn tỉnh xảy ra 115 vụ tai nạn giao thông, làm chết 110 người và bị thương 90 người. So với cùng kỳ năm 2014, tai nạn giao thông tăng cả 03 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương). Một trong những nguyên nhân tai nạn giao thông tăng là do một số người tham gia giao thông ý thức còn kém như: sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện; tránh, vượt sai quy định; đi không đúng phần đường...; tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, hành lang đường bộ sử dụng sai mục đích vẫn còn sau khi đã được giải tỏa...; một số chủ xe, lái xe vẫn cố tình vi phạm chở quá tải trọng của xe ô tô tải và có nhiều thủ đoạn đối phó, gây khó khăn cho lực lượng thi hành pháp luật. Không ai không sợ tai nạn, nhưng thói quen phóng nhanh, vượt ẩu, lấn đường... dường như luôn lấn át sự sợ hãi. Khi nỗi sợ hãi đã trở thành thứ yếu thì chuyện vi phạm pháp luật về giao thông sẽ trở thành “câu chuyện thường ngày” của không ít người.

Do vậy, vấn đề đầu tiên, cũng là vấn đề quan trọng nhất để giảm thiểu TNGT là việc nâng cao tính tự giác, ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Ngoài ra, sự phát triển hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp thời tốc độ phát triển của phương tiện cơ giới đường bộ (hiện đang quản lý 926.829 phương tiện). Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT tuy được tổ chức trên diện rộng nhưng chưa tập trung đúng đối tượng, chưa thường xuyên đến được với thanh niên, người dân ở vùng nông thôn. Mặt khác, với dân số hiện nay của tỉnh khoảng 2,1 triệu người, hằng năm An Giang đón gần 05 triệu lượt khách đến tham quan du lịch gây áp lực lớn về trật tự ATGT, nguy cơ gia tăng tai nạn giao thông là rất cao. Nhưng lực lượng tuần tra kiểm soát còn mỏng so với địa bàn, ngoài ra do ảnh hưởng từ kinh phí hoạt động nên việc bố trí, tổ chức các ca tuần tra kiểm soát gặp nhiều khó khăn, tần suất chưa cao. Hiện nay mới tập trung ở các địa bàn đông dân cư và tuyến đường trọng điểm còn để trống địa bàn, nhất là khu vực nông thôn (đường tỉnh và đường liên xã - ấp). Trong đó, công tác kiểm tra, đôn đốc, thực hiện công tác bảo đảm trật tự ATGT của một số Ban ATGT địa phương chưa được quan tâm thường xuyên, chưa nêu cao vai trò, trách nhiệm trong công tác phối hợp, chỉ đạo, điều hành - vẫn còn tư tưởng giao khoán cho lực lượng chức năng.

Với số lượng vụ tai nạn giao thông khá cao, sẽ gây thiệt hại về nhiều mặt như tính mạng, tài sản và chất lượng cuộc sống của mọi người, từ đó bản thân mỗi người trong xã hội cần thấy và nhận thức về ATGT là vô cùng quan trọng trong đời sống. Thực hiện tốt ATGT là đi đôi với việc nâng cao chất lượng cuộc sống xây dựng cộng đồng văn minh, an toàn cho mỗi chúng ta. Đó không chỉ là vấn đề chung của xã hội mà còn là sự đóng góp của mỗi cá nhân. Nếu ý thức tốt khi lưu thông thì sẽ giảm thiểu số lượng tai nạn gây ra. Với lối suy nghĩ “đường ta, ta cứ đi” đã ăn vào tiềm thức của nhiều người. Ta có thể bắt gặp trên mọi nẻo đường những hành vi phản văn hóa, thiếu ý thức và đó chính là nguyên nhân gây TNGT. Không phải ngẫu nhiên mà trên nhiều tuyến đường xuất hiện những băng rôn, biểu ngữ để tuyên truyền về ý thức chấp hành luật, về những hành vi có văn hóa của người đi đường, với nội dung: “Hãy cư xử có văn hóa khi xảy ra va quẹt”. Bởi lẽ, ý thức của người tham gia giao thông đã đến hồi báo động. Vấn đề đáng nói ở đây là cách hành xử của những người vô tình va chạm xe vào nhau mà không ai nhận là mình sai và cũng không ai nói được lời xin lỗi. Đó là nguyên nhân dẫn đến những “xô xát” ngay trên đường phố, mặc cho kẹt xe, mặc cho những cái lắc đầu ngao ngán của người đi đường. Hậu quả là hai bên đều bị tổn thương ít nhiều, hoặc phải đợi đến khi cảnh sát giao thông xuất hiện, họ mới chịu thôi.

Từ lâu việc xây dựng văn hóa giao thông đã được nhiều chuyên gia xem là biện pháp quan trọng nhất nhằm kéo giảm tai nạn giao thông. Tuy nhiên để hình thành và duy trì nếp văn hóa giao thông rất cần có sự vào cuộc của các cơ quan ban ngành, đặc biệt trước hết là người tham gia giao thông. Bởi lẽ, đa số vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ bắt nguồn từ sự tùy tiện, thiếu tự giác, cố tình vi phạm luật giao thông của người điều khiển phương tiện. Với thực trạng giao thông hiện nay, chỉ một lần vượt đèn đỏ, uống rượu, bia quá mức, lấn tuyến, chạy ngược chiều... cũng có thể dẫn đến những cái chết oan nghiệt, gây đau khổ cho bao gia đình. Có thể nói, mỗi cử chỉ “Văn hóa giao thông” làm nên nét nhân cách của mỗi con người. Nó cũng không chỉ thể hiện cho mọi người thấy bạn là người văn minh lịch sự như thế nào mà thông qua hình ảnh đó còn góp phần quảng bá hình ảnh con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Để hạn chế tình hình tai nạn giao thông trong thời gian tới, cần tập trung hơn nữa xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, triển khai chiến lược phát triển phương tiện phù hợp với kết cấu hạ tầng và tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự, ATGT... Nhất là đề ra nhiều giải pháp giáo dục, tuyên truyền, hình thức xử phạt nghiêm khắc để nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật để tai nạn giao thông không còn trở thành vấn đề nhức nhối, đáng quan tâm của xã hội hiện nay./.

QUỲNH MAI
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37146889