Truy cập hiện tại

Đang có 282 khách và không thành viên đang online

Văn hóa - Văn nghệ - Thể thao - Du lịch

An Giang qua 10 năm thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội

(TGAG)- Cụ thể hóa Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) “Về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội”, ngày 25/11/2005 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ra đời, tạo tiền đề, động lực mạnh mẽ giúp cho công cuộc xây dựng đời sống văn hóa thêm khởi sắc.

An Giang là tỉnh biên giới đa dân tộc, đa tôn giáo. 4 dân tộc cùng cộng cư trên địa bàn: Kinh, Chăm, Hoa và Khmer đã tạo nên sắc thái đa dạng và phong phú của đời sống văn hóa. Tuy nhiên, trong sự đa dạng phong phú ấy của đời sống văn hóa tinh thần, tồn tại không ít phong tục tập quán truyền thống lạc hậu, đặc biệt là trong việc cưới, tang và lễ hội. Những tồn tại đó không chỉ ảnh hưởng tới quá trình hình thành những giá trị đạo đức mới, mà nặng nề hơn, có những trường hợp trở thành gánh nặng, cản trở sự phát triển chung của xã hội.  

Nhận thức rõ quan điểm: văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đảng bộ, chính quyền, quân và dân An Giang đã tập trung chỉ đạo, triển khai và tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với lĩnh vực xây dựng đời sống văn hóa, trong đó có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Qua 10 năm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần không nhỏ trong xây dựng đời sống văn hóa xây dựng và phát triển quê hương. Trong việc cưới, nhiều tục lệ truyền thống lạc hậu đã từng bước được xóa bỏ. Tình trạng tảo hôn trong hôn nhân đã không còn, những tập tục thách cưới, quan niệm lạc hậu về môn đăng hộ đối, tình trạng vướng mắc trong hôn nhân do khác biệt về dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, vấn đề lấy chồng nước ngoài... đã dần được khắc phục.

Trong việc tang, thực trạng tổ chức lễ tang cho người chết kéo dài ngày ảnh hưởng tới tâm lý cũng như mất vệ sinh, ảnh hưởng môi trường... đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều địa phương từ thành thị tới nông thôn đã tiến hành quy hoạch, thành lập các khu nghĩa trang nhân dân. Hình thức hỏa táng đã trở nên phổ biến ở một vài nơi... tất cả những đổi thay đó đã giúp cho việc tang trên địa bàn có thêm nhiều nét văn minh, tiến bộ. Các nghi lễ tang chế truyền thống như 49 ngày, 100 ngày, giỗ đầu, cải táng được tổ chức gọn trong nội bộ gia đình, họ tộc, bạn thân; tang phục đơn giản và bài trí theo phong tục truyền thống của từng dân tộc và tôn giáo; ăn uống trong việc tang được giản tiện, tiết kiệm, gọn nhẹ, việc thăm viếng, phúng điếu diễn ra nghiêm túc, nhiều gia đình không nhận phúng điếu hoặc có nhận nhưng gửi lại cho quỹ vì người nghèo của địa phương...

Các lễ hội từng bước tổ chức theo hướng trang trọng, tiết kiệm, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Các sinh hoạt văn hóa dân gian của các dân tộc từng bước được nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, góp phần làm cho lễ hội truyền thống phong phú, tạo được không khí vui tươi, phấn khởi đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân và khách du lịch; đồng thời giúp các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc về những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc. Công tác tổ chức và quản lý lễ hội có nhiều tiến bộ. Việc cấp giấy phép mở hội, kế hoạch tổ chức được thực hiện căn cứ theo Quy chế tổ chức lễ hội của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ về nội dung, hình thức, thời gian, quy mô tổ chức, an toàn trật tự. Kinh phí tổ chức lễ hội dân gian được xã hội hóa.

Thời gian qua đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả như huyện Tịnh biên, Tri Tôn đã tích cực vận động đồng bào Khmer bỏ dần tập tục tổ chức đám cưới kéo dài nhiều ngày, gây tốn kém; các tổ chức đoàn thể huyện Thoại Sơn hình thành những Câu lạc bộ Thanh niên sinh hoạt tìm hiểu Luật Hôn nhân và Gia đình; tuyên truyền, vận động các đôi bạn trẻ tổ chức đám cưới đơn giản, tiết kiệm với sự hỗ trợ các hoạt động văn nghệ vui tươi và lành mạnh; thị trấn Long Bình, huyện An Phú có mô hình vận động Nhân dân không rải vàng mã trong các đám tang. Các tín đồ theo đạo phật giáo Hòa Hảo thực hiện khá tốt việc “tử” là “táng” trong vòng 24 giờ và không nhận phúng điếu...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, qua 10 năm thực hiện việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh còn đó nhiều vấn đề cần được quan tâm xem xét. Nhiều tập tục cũ kỹ lạc hậu và cả những vấn đề mới phát sinh trong quá trình phát triển, hội nhập mà chúng ta cần phải quan tâm, khắc phục, đó là: tình trạng tổ chức tiệc cưới lấn chiếm lòng đường, vỉa hè gây ách tắc giao thông, sử dụng âm thanh quá lớn làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của những người xung quanh, gây bất bình trong dư luận. Tổ chức tiệc cưới phô trương tốn kém thậm chí mang màu sắc vụ lợi vẫn còn diễn ra, ăn uống linh đình, nhậu nhẹt say sưa dẫn tới nhiều hệ lụy cho xã hội. Việc chôn cất người chết trong khuôn viên nơi ở, trước cửa nhà còn phổ biến nhiều ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc. Tình trạng người có điều kiện, tìm mua đất, lập các phủ thờ của dòng tộc ngay trong khu thị tứ, khu đông dân cư, vấn đề rải vàng mã, đốt vàng mã... ảnh hưởng không nhỏ tới cảnh quan, môi trường sống cũng như quy hoạch phát triển sau này của địa phương. Trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội, vẫn còn tình trạng mua bán mất trật tự, không đúng quy định, chèo kéo, trộm cắp, móc túi, đốt đồ mã, bỏ rác không đúng quy định và thắp hương tràn lan. Ít nhiều ở các lễ hội vẫn còn hiện tượng lợi dụng để tôn giáo hóa, lợi dụng danh nghĩa tôn giáo để tuyên truyền những luận điệu xuyên tạc, gây mất an ninh trật tự công cộng, ảnh hưởng đến an toàn xã hội, gây bất an trong quần chúng nhân dân. 

Để tiếp tục thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh  trong thời gian tới, bên cạnh việc tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức, ý thức trong cộng đồng, đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cụ thể hóa các tiêu chí thực hiện việc cưới, việc tang và lễ hội theo nếp sống văn minh lồng ghép trong tiêu chí gia đình văn hóa, khóm ấp, cơ quan văn hóa. Cần vận động, xây dựng mô hình mẫu đám cưới tập thể, đám cưới chỉ tổ chức tiệc ngọt để tiết giảm chi phí, nhất là trong đối tượng thanh niên nông thôn, công nhân các khu công nghiệp. Quan tâm đầu tư, vận động các nguồn lực xã hội hình thành các nghĩa trang nhân dân tại tất cả các địa bàn, các khu dân cư. Đầu tư xây dựng mô hình nhà tang lễ; trước mắt là các nhà tang lễ tại các khu đô thị trung tâm, giúp cho việc tổ chức lễ tang được tập trung và nề nếp, quy hoạch và tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội chặt chẽ và hiệu quả hơn... Song song đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xây dựng hệ thống văn bản quản lý nhà nước, đẩy mạnh công tác xã hội hóa vận động khuyến khích các nguồn lực cộng đồng và toàn xã hội chung tay chăm lo xây dựng đời sống văn hóa nói chung trong đó có việc cưới, việc tang và lễ hội theo nếp sống mới./.

MẠNH HÀ
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36712798