Truy cập hiện tại

Đang có 182 khách và không thành viên đang online

Hướng dẫn tuyên truyền kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2016

(TGAG)- Ngày 18/02/2016, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành Hướng dẫn số 09-HD/BTGTU về tuyên truyền kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2016. Tuyên giáo An Giang trân trọng giới thiệu toàn văn Hướng dẫn.

Thực hiện Hướng dẫn số 170-HD/BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn tuyên truyền kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2016 như sau:

I- MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

- Giúp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức được bối cảnh trong nước và thế giới; nắm vững các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, tạo sự đồng thuận nhất trí cao về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2016. Nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, tổ chức, doanh nghiệp và người dân hiểu đúng, đầy đủ, thực chất các sự kiện hội nhập quốc tế, tính cấp bách của việc đẩy mạnh chuẩn bị trong nước cho hội nhập quốc tế, đặc biệt là hội nhập kinh tế quốc tế.

- Tạo sự phấn khởi trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân trước những thành tựu phát triển của đất nước, của tỉnh trong năm 2015; củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; cổ vũ hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân phát huy nội lực, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016.

- Công tác tuyên truyền kinh tế - xã hội cần triển khai tích cực với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo; bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, sự tham gia của các cấp, các ngành; kết hợp lồng ghép với tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đất nước theo tinh thần đổi mới, thiết thực, hiệu quả.

II- NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN

1- Kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2015: khẳng định bên cạnh những thuận lợi, đất nước ta cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp có hiệu quả của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, kinh tế - xã hội năm 2015 có những biến chuyển tích cực và đạt được những kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực, nổi bật là: kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát khoảng 2%, thấp nhất trong 15 năm qua. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được đảm bảo. Sản xuất kinh doanh tiếp tục phục hồi, tăng trưởng kinh tế đạt 6,68% vượt kế hoạch đề ra. Việc triển khai, thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được đẩy mạnh và đạt kết quả tích cực bước đầu. Văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được bảo đảm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 4,5%...

2- Phân tích bối cảnh tình hình trong nước và thế giới năm 2016, chỉ rõ cơ hội, thách thức và dự báo tác động tích cực và tiêu cực đến nền kinh tế nước ta, đáng chú ý là những tác động sau

Tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp, khó lường. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ gia tăng và quyết liệt. Xung đột vũ trang ở nhiều nơi trên thế giới tiếp tục và có xu hướng gia tăng. Khu vực đồng Euro kinh tế phục hồi chậm; khu vục châu Á - Thái Bình Dương và Trung Quốc theo nhiều dự báo tăng trưởng chậm lại. Tranh chấp chủ quyền biển, đảo trong khu vực và trên Biển Đông tiếp tục diễn biến gay gắt phức tạp.

Trong nước có nhiều thuận lợi từ thành tựu đạt được năm 2015 và thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, nhưng chúng ta vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Việc hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng sẽ mở ra cơ hội và không gian phát triển rộng lớn hơn, nhưng thách thức cũng sẽ lớn hơn nhất là cạnh tranh ngày càng gay gắt, ngay cả trên thị trường trong nước.

3- Tuyên truyền về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2016

Mục tiêu tổng quát: giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2015, chú trọng cải thiện chất lượng tăng trưởng, bảo đảm phát triển bền vững. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất) chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống Nhân dân. Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính và xã hội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tạo sự chuyển biến rõ nét về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường quốc phòng, an ninh, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Một số chỉ tiêu chủ yếu: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu dưới 5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng dưới 5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31% GDP; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,3 - 1,5% riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 53%; số giường bệnh trên một vạn dân đạt 24,5 giường; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 76%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 85%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41%.

Nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội (đã nêu trong Nghị quyết hội nghị Trung ương lần thứ 12 khóa XI, Nghị quyết số 98/2015/QH13, ngày 10/11/2015 của Quốc hội và Nghị quyết số 01/NQ-CP, ngày 07/1/2016 của Chính phủ) tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp sau:

- Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là khu vực kinh tế trong nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; quan tâm sửa đổi bổ sung, ban hành mới các luật, pháp lệnh triển khai Hiến pháp năm 2013.

- Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định pháp luật về Ngân sách Nhà nước. Tăng cường quản lý, chống thất thu, nợ đọng thuế.

- Tập trung vốn đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành chất lượng các chương trình, dự án, công trình trọng điểm. Xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn đáp ứng yêu cầu đổi mới, xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản.

- Phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống Nhân dân. Đổi mới giáo dục và đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm.

- Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội.

- Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ. Bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

- Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, Nhà nước về hội nhập quốc tế.

4- Tuyên truyền về việc Việt Nam tham gia Cộng đồng ASEAN: về các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam đã và sắp ký kết: Việt Nam và Hàn Quốc, Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu, Việt Nam và Liên minh châu Âu, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Những lợi ích mà FTA mang lại cho Việt Nam cũng như những khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt…

5- Tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 của tỉnh An Giang: tuyên truyền Nghị quyết số 09/2015/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VIII về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2016. Ghi nhận sự nỗ lực, vượt khó của các tầng lớp nhân dân, chính quyền các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2015 với kết quả có 17/24 chỉ tiêu đạt và vượt (chiếm 70,8% tổng chỉ tiêu) so với Nghị quyết đã đề ra.

Về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong Nghị quyết, cần nhấn mạnh một số nội dung: Tốc độ tăng tổng sản phẩm của tỉnh (GRDP) theo giá so sánh 2010 tăng 6,5% so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người đạt 33,985 triệu đồng (khoảng 1.584 USD); kim ngạch xuất khẩu đạt 1,05 tỷ USD; tạo việc làm cho khoảng 30.000 lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo 1,5% so năm 2015. Thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh An Giang đến năm 2020 gắn với thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và Chương trình xây dựng nông thôn mới; tăng cường mời gọi đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp; phát triển mạnh thương mại biên giới gắn với phát triển du lịch; chống thất thu thuế, chống buôn lậu, gian lận thương mại; hạn chế tình trạng bỏ học; củng cố mạng lưới y tế dự phòng; tăng cường quản lý, sử dụng đất đai; tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

6- Đẩy mạnh tuyên truyền phong trào thi đua yêu nước. Phát hiện, cổ vũ nhân tố mới và điển hình tiên tiến trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Đấu tranh phản bác luận điệu sai trái, thù địch xuyên tạc về tình hình kinh tế - xã hội nước ta, xuyên tạc quan điểm, đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước ta.

III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1- Ban Tuyên giáo các huyện, thị, thành ủy và Ban Tuyên giáo các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, tham mưu giúp cấp ủy hướng dẫn công tác triển khai quán triệt và định hướng tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội; phát động phong trào thi đua yêu nước thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2016. Nắm diễn biến và định hướng tư tưởng, tâm trạng cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, Nhân dân trên các mặt của đời sống kinh tế - xã hội; tăng cường hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; phối hợp các đơn vị quản lý nhà nước biên soạn, phát hành các ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền.

2- Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, định hướng công tác thông tin tuyên truyền, cung cấp tài liệu tuyên truyền cho các cơ quan báo chí trong tỉnh.

3- Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cấp tỉnh xây dựng kế hoạch tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước và của tỉnh; định hướng dư luận xã hội về các chương trình, dự án, sự kiện liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân; tổ chức các cuộc họp, tọa đàm về tình hình thực hiện các phong trào xây dựng nông thôn mới, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…

4- Các cơ quan báo chí trong tỉnh nâng cao chất lượng tin, bài, phóng sự phản ánh tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và khí thế thi đua lao động, sản xuất của các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh; phát hiện, biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình, tiên tiến trong lao động sản xuất; cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước; chủ động thông tin, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, doanh nghiệp, người tiêu dùng, góp phần định hướng dư luận trước các tình huống kinh tế - xã hội phức tạp, nhạy cảm.

K/T TRƯỞNG BAN
PHÓ TRƯỞNG BAN
(đã ký)      
Nguyễn Hoàng Anh Tuấn
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36704848