Truy cập hiện tại

Đang có 236 khách và không thành viên đang online

Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020


Ngày 18-01-2013, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh 
đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Tuyên giáo An Giang trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TU, ngày 19-6-2006 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về phát triển du lịch An Giang giai đoạn 2006-2010”, những năm qua, cấp ủy, chính quyền và các thành phần kinh tế đã dành sự quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch, từng bước đáp ứng nhu cầu tham quan, thưởng ngoạn danh lam, thắng cảnh của du khách trong và ngoài nước. 

Nhiều công trình du lịch, thiết chế văn hóa lớn được đưa vào sử dụng, tạo điểm nhấn quan trọng để tỉnh tổ chức các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội gắn với các hoạt động quảng bá và phát triển du lịch của tỉnh; hầu hết di tích lịch sử văn hóa được trùng tu, tôn tạo; một số làng nghề truyền thống được khôi phục và phát triển; các khu du lịch, cơ sở lưu trú từng bước được xây dựng (toàn tỉnh hiện có 80 cơ sở lưu trú, với gần 2.025 phòng, trong đó, có 01 khách sạn chuẩn 4 sao, 03 khách sạn 3 sao, 30 khách sạn 01 sao), với 20 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đang khai thác các tuor, tuyến du lịch đến An Giang thông qua các loại hình chủ yếu, như: du lịch tâm linh, sinh thái, vùng sông nước, kết hợp về nguồn và tham quan các khu di tích lịch sử, văn hóa...; các hoạt động xúc tiến đầu tư đã thu hút được nhiều nguồn lực từ các thành phần kinh tế, góp phần giải quyết việc làm gần 20.000 lao động. 

Nhìn chung, hoạt động du lịch của tỉnh đã có nhiều chuyển biến khởi sắc gắn với nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái. Số lượng du khách tăng bình quân 8,4%/năm, doanh thu du lịch tăng 17%/năm; tỷ trọng đóng góp vào GDP của ngành Du lịch đạt 4%/năm. Hoạt động du lịch cũng góp phần đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các tỉnh, thành trong khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh Takeo, Kandal - Vương quốc Campuchia, tỉnh Champasak - Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào. 

Tuy nhiên, tình hình phát triển du lịch của địa phương còn nhiều bất cập; kết cấu hạ tầng và các dịch vụ phụ trợ chưa đồng bộ nên chưa khai thác hết lợi thế, tiềm năng du lịch của tỉnh. Số lượng du khách còn ít, thời gian lưu trú ngắn; các cơ sở lưu trú, hệ thống nhà hàng, khách sạn chưa đáp ứng cả về số lượng và chất lượng, nhất là vào những mùa cao điểm hoặc khi tổ chức những sự kiện lớn. Việc tổ chức hoạt động du lịch còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết, thiếu tính chuyên nghiệp; các loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí còn nghèo nàn, sản phẩm du lịch chưa đa dạng, chất lượng thấp và chưa đủ sức hấp dẫn du khách. Xã hội hóa hoạt động du lịch, sức cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch còn yếu.

Những hạn chế trên do nhiều nguyên nhân, song chủ yếu là do nhận thức về phát triển du lịch của các cấp, các ngành chưa toàn diện, nhiều địa phương chưa có định hướng phát triển, thiếu cơ chế và giải pháp đột phá để khuyến khích đầu tư phát triển du lịch; chưa phát huy sức mạnh tổng hợp các thành phần kinh tế trong phát triển du lịch; việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch chưa được quan tâm đúng mức, nhất là hạ tầng giao thông; nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch chưa được chú trọng, thiếu tính chuyên nghiệp; công tác quản lý nhà nước về du lịch còn nhiều bất cập, chồng chéo.

I- QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

1- Quan điểm chỉ đạo

- Triển khai “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” theo Quyết định số 2473/QĐ-TTg, ngày 30-12-2011 của Thủ tướng Chính phủ, tập trung phát triển du lịch của tỉnh trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo nền tảng đưa An Giang trở thành một trong những trung tâm văn hóa - du lịch hấp dẫn của khu vực đồng bằng Sông Cửu Long và cả nước.

- Tập trung mọi nguồn lực để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về du lịch. Đẩy mạnh thực hiện quy hoạch và đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, nhất là hạ tầng giao thông gắn với xây dựng hạ tầng đô thị. Ưu tiên thu hút một cách có chọn lọc các dự án mang tính cạnh tranh cao, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển mạnh mẽ các loại hình du lịch và dịch vụ phục vụ du lịch, tạo bước đột phá mới, căn bản và có tính chiến lược trong phát triển du lịch. Phát triển du lịch trên cơ sở bảo vệ môi trường sinh thái; gắn khai thác với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử của địa phương; đảm bảo an ninh, quốc phòng và trật tự - an toàn xã hội.

- Phát triển du lịch theo hướng bền vững, chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm. Tập trung nguồn lực phát triển tuyến du lịch trọng điểm của tỉnh là Núi Sam - Núi Cấm - Khu Siêu thị biên giới Tịnh Biên, trong đó, ưu tiên đầu tư phát triển Khu du lịch Núi Sam, nhằm tạo nền tảng đột phá, thúc đẩy các khu, điểm du lịch khác phát triển như: rừng tràm Trà Sư, Búng Bình Thiên, Núi Tô, Ba Chúc, Ô Tà Sóc… xúc tiến việc đầu tư Khu Lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Khu Di sản văn hóa Óc Eo - Thoại Sơn theo định hướng phát triển của Chính phủ.

- Phát triển du lịch là nhiệm vụ lâu dài, trách nhiệm chung của toàn Đảng bộ, các cấp, các ngành và toàn dân. Gắn phát triển du lịch với các ngành kinh tế khác để đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ tài nguyên - môi trường. Liên kết chặt chẽ với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm, vùng đồng bằng Sông Cửu Long, quốc gia và quốc tế trong phát triển kinh tế, phát triển du lịch.

2- Mục tiêu

- Xây dựng du lịch An Giang trở thành một điểm đến hấp dẫn, tạo sự khác biệt, có uy tín và sức cạnh tranh cao trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và cả nước. Đẩy nhanh tốc độ phát triển du lịch để tiến kịp các địa phương trong khu vực. Phấn đấu đưa An Giang vào vùng trọng điểm du lịch quốc gia, xây dựng và hình thành thương hiệu du lịch An Giang.

- Phấn đấu đến năm 2015, tỉnh đón hơn 5,6 triệu lượt khách đến các khu, điểm du lịch. Năm 2020 đón hơn 6,5 triệu lượt khách; hơn 682.000 lượt khách lưu trú do các doanh nghiệp du lịch phục vụ, trong đó có 75.000 lượt khách quốc tế (tăng bình quân 5%/năm). Đến năm 2020, tỷ trọng ngành Du lịch chiếm 8% GDP. 

- Huy động các nguồn lực đầu tư để tăng nhanh số lượng cơ sở lưu trú, nhà hàng, tụ điểm vui chơi giải trí, các cơ sở dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại, phục vụ chuyên nghiệp... để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách; đẩy nhanh tiến độ các dự án có quy mô lớn gắn với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Phát triển du lịch xanh, gắn hoạt động du lịch với giữ gìn, phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường. Phát triển du lịch trên cơ sở bảo vệ và sử dụng hợp lý, tiết kiệm tối đa tài nguyên du lịch, bảo vệ tốt môi trường, đảm bảo phát triển lâu dài và bền vững. Quảng bá, giới thiệu truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương An Giang. 

II- CÁC NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1- Tăng cường công tác quản lý nhà nước

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền về du lịch. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay; tạo sự đồng thuận, nhất quán về quan điểm phát triển du lịch là một trong những ngành kinh tế động lực, để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức quản lý du lịch các cấp theo hướng đủ về số lượng, đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Xây dựng và triển khai có hiệu quả Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh An Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đảm bảo phù hợp với đặc điểm, tiềm năng về tài nguyên du lịch của tỉnh.

- Đổi mới phương thức hoạt động, thực hiện cải cách hành chính và tăng cường quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, kiến trúc, môi trường, an ninh trật tự… có phân công, phân cấp rõ ràng, hướng dẫn và kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh du lịch hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, tạo động lực để phát triển du lịch bền vững.

- Thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp Du lịch An Giang; có cơ chế, chính sách khuyến khích mạnh mẽ để các doanh nghiệp và cộng đồng tham gia xây dựng các sản phẩm du lịch truyền thống và phát triển các tour, tuyến du lịch trong tỉnh, khu vực, đồng thời, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng du lịch. Xây dựng cơ chế quản lý đặc thù đối với các khu du lịch có nhiều tiềm năng phát triển như Núi Cấm, Núi Sam...

2- Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh 

- Xây dựng các sản phẩm du lịch có chất lượng, đặc sắc, đa dạng và đồng bộ, có giá trị gia tăng cao, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của khách du lịch nội địa và quốc tế. Ưu tiên tập trung phát triển 04 loại hình du lịch đặc trưng như: du lịch tâm linh; du lịch tham quan, nghỉ dưỡng; du lịch sinh thái, du lịch sông nước; tham quan di tích văn hóa lịch sử tại các khu, điểm du lịch trên toàn tỉnh, đặc biệt là 4 khu trọng điểm: Núi Sam, Núi Cấm, Khu Lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Khu Di sản văn hóa Óc Eo. Gắn Lễ hội đua bò Bảy Núi để phát triển du lịch, tổ chức hằng tuần, hoặc hằng tháng để phục vụ khách du lịch, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân trong khu vực, nhất là đồng bào dân tộc Khmer. Đồng thời, tổ chức các buổi biểu diễn văn hóa, nghệ thuật quần chúng của đồng bào dân tộc Chăm, Khmer... nhằm thu hút khách du lịch. 

- Tăng cường liên kết, khai thác có hiệu quả các khu, tuyến du lịch hiện có với các tỉnh, thành phố trong khu vực, trong nước cũng như quốc tế; mở thêm các tuyến du lịch mới, nhất là các tuyến du lịch quốc tế bằng đường bộ với các nước trong khu vực như Campuchia, Lào, Thái Lan, Trung Quốc..., nhằm khai thác triệt để lợi thế về địa lý. Mở rộng thị trường khách quốc tế đến bằng đường hàng không từ các nước Đông Á, Đông Nam Á, châu Âu, châu Mỹ... thông qua các tỉnh, thành có đường bay quốc tế. 

- Thực hiện đầy đủ các chính sách khuyến khích phát triển các hoạt động kinh doanh, dịch vụ liên quan đến du lịch, tạo cơ chế thông thoáng để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng các khu, điểm vui chơi giải trí, các loại hình hoạt động văn hóa, thể thao lành mạnh, hấp dẫn để thu hút và giữ chân du khách. Thúc đẩy phát triển dịch vụ lữ hành để tổ chức liên kết chặt chẽ với các hiệp hội du lịch và các tổ chức lữ hành trong và ngoài nước, hình thành và đa dạng hóa các tour, tuyến du lịch.

3- Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá và hợp tác phát triển du lịch

- Đẩy mạnh xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá du lịch với nhiều hình thức phong phú, đa dạng trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước nhằm giới thiệu hình ảnh du lịch An Giang. Chủ động liên kết, hợp tác với du lịch các tỉnh nhằm nâng cao vị thế và gắn An Giang vào chuỗi sản phẩm du lịch liên vùng. Phát huy vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp Du lịch trong việc liên kết quảng bá hình ảnh và sản phẩm du lịch An Giang. Tổ chức, duy trì các lễ hội truyền thống và phát triển các loại hình văn hóa, nghệ thuật của các dân tộc Kinh - Hoa - Chăm - Khmer hằng năm. 

- Tổ chức đoàn xúc tiến quảng bá, kết nối du lịch trong và ngoài nước:

+ Về du lịch tâm linh: chú trọng kết nối với các tỉnh, thành đồng bằng Sông Cửu Long, miền Trung, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh.

+ Quảng bá, kết nối với các tỉnh miền Trung, Hà Nội và các tỉnh miền Bắc để mở rộng thị trường, mở rộng hoạt động tăng cường phát triển du lịch An Giang đến các khu vực trong cả nước. Đặc biệt kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Cần Thơ để thu hút khách du lịch bằng đường hàng không.

- Tăng cường công tác quảng bá các sản phẩm du lịch An Giang vào thị trường khách du lịch quốc tế và đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch có trọng điểm vào các nước như: du lịch sinh thái, sông nước (du khách châu Âu, châu Mỹ); du lịch tâm linh, văn hóa lịch sử (du khách Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Đông Nam Á…).

- Tăng tỷ trọng ngân sách đầu tư cho hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch hàng năm, tham gia các sự kiện du lịch trong nước và quốc tế, qua đó kết nối tour, tuyến du lịch về An Giang. Đồng thời, lựa chọn và phối hợp với các đối tác truyền thông chuyên nghiệp giúp An Giang quảng bá hình ảnh và sản phẩm du lịch có sức thuyết phục, hấp dẫn trên trường quốc tế.

4- Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật du lịch

- Tập trung mời gọi đầu tư các dự án lớn, hình thành hệ thống các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu thi đấu thể thao và vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm và khu ẩm thực... tại 02 khu điểm du lịch trọng điểm của tỉnh: Khu Lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng (thành phố Long Xuyên); Bà Chúa xứ Núi Sam (thị xã Châu Đốc) để tạo nền tảng đột phá thúc đẩy phát triển các khu du lịch Núi Cấm, rừng tràm Trà Sư (huyện Tịnh Biên), Khu Di sản văn hóa Óc Eo (huyện Thoại Sơn) và một số khu, điểm vệ tinh như Búng Bình Thiên (huyện An Phú) và Nhà mồ Ba Chúc, Ô Tà Sóc, Núi Tô (huyện Tri Tôn).

- Xây dựng cơ chế chính sách, tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư phát triển du lịch. Lựa chọn để tập trung đầu tư, từng bước hình thành một số khu, điểm, cơ sở du lịch chất lượng cao, hiện đại có tính đột phá để thu hút du khách trong nước và quốc tế. Có chính sách ưu đãi các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài đến đầu tư phát triển du lịch tại An Giang.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án đầu tư phát triển du lịch, đảm bảo đúng quy hoạch được phê duyệt. Kịp thời xử lý nghiêm các sai phạm làm phá vỡ quy hoạch chung và ảnh hư¬ởng đến môi trư¬ờng, cảnh quan của tài nguyên du lịch, nhất là đối với các khu du lịch sinh thái. Huy động và khai thác có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch.

5- Phát triển du lịch đồng bộ với các ngành kinh tế khác

- Phối hợp chặt chẽ, gắn phát triển du lịch với phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, nông nghiệp, giao thông... 

- Phát triển 07 làng nghề truyền thống gắn với tour, tuyến tham quan du lịch như: tơ lụa Tân Châu, dệt thổ cẩm dân tộc Chăm - Châu Giang (thị xã Tân Châu), dệt thổ cẩm của dân tộc Khmer - Văn Giáo, làng nghề sản xuất đường thốt nốt (huyện Tịnh Biên), làng nghề mộc Chợ Thủ, mộc dân dụng Mỹ Luông (huyện Chợ Mới), làng nghề làm nhang Bình Đức (thành phố Long Xuyên).

6- Đào tạo phát triển nguồn nhân lực

- Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch đảm bảo chất lượng, số lượng, phù hợp về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, để đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch của tỉnh và hội nhập quốc tế, tạo sự chuyển dịch mạnh mẽ lao động từ nông nghiệp, nông thôn sang lĩnh vực dịch vụ du lịch.

- Đa dạng hóa phương thức đào tạo; khuyến khích đào tạo tại chỗ, tự đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp. Đưa vào các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề trên địa bàn tỉnh các loại hình đào tạo cán bộ quản lý, nhân viên chuyên trách và người lao động trong lĩnh vực du lịch. Thường xuyên mở các lớp đào tạo về nghiệp vụ du lịch.

- Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực về lĩnh vực du lịch. Có chính sách đãi ngộ, thu hút nhân lực tham gia vào các lĩnh vực du lịch từ cấp quản lý đến người lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch.

III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn và phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết cho cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị; phổ biến, tuyên truyền sâu rộng nội dung Nghị quyết trong các tổ chức đoàn thể quần chúng và nhân dân, tạo sự thống nhất cao về tư tưởng, ý chí và hành động, quyết tâm thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đề ra.

2- Các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở, căn cứ vào định hướng của Nghị quyết và chức năng, nhiệm vụ, điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị mình, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức quán triệt chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết với giải pháp, bước đi phù hợp.

3- Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh cụ thể hóa Nghị quyết bằng kế hoạch 05 năm và hằng năm với các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp cụ thể. Tiếp tục xây dựng quy hoạch phát triển ngành và triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án, các cơ chế chính sách phù hợp nhằm phát triển du lịch đạt hiệu quả cao nhất.

4- Văn phòng Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan có liên quan theo dõi tình hình triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết. Định kỳ 6 tháng, hằng năm báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
 

T/M TỈNH ỦY

 BÍ THƯ

(đã ký)

Phan Văn Sáu

____________________


Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37056640