Truy cập hiện tại

Đang có 54 khách và không thành viên đang online

Thực tiễn - kinh nghiệm

Cổng chào ấp văn hóa bằng bê tông - mô hình cần nhân rộng

(TGAG)- Như chúng ta đã biết cổng chào của xã, của ấp ngoài việc xác định ranh giới của xã, ấp, mà còn đánh dấu cả khu vực sinh sống và gắn bó của cộng đồng dân cư. Trong quá trình thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” việc xây dựng cổng chào ấp văn hóa, xã văn hóa còn là một khẩu hiệu tuyên truyền để bà con trong xóm, ấp cùng nhau thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, việc thực hiện các cổng chào này, hầu hết các nơi trên địa bàn huyện Chợ Mới đều xây dựng với vật liệu, quy mô, hình thức khác nhau, tùy theo địa bàn dân cư. Trước đây, đa số các xã đều dựng bằng vật liệu típ sắt, đổ bê tông dưới chân trụ, qua thời gian sử dụng, nhiều cổng bị hư hỏng, xuống cấp, chân trụ bị đứt do ảnh hưởng của thời tiết, dẫn đến đổ ngã bất cứ lúc nào, gây nguy hiểm cho người và phương tiện giao thông, một số lại có kích cỡ và hình thức không phù hợp, cần phải xây dựng lại.

 
Đến xã Long Điền B, là một trong hai xã đầu tiên của huyện được công nhận xã nông thôn mới vào năm 2015. Quả đúng là diện mạo của xã nông thôn mới có khác, đường làng, ngõ xóm khang trang, sạch đẹp kể cả các tuyến đường nội đồng, đường liên ấp cũng được trải nhựa phẳng phiu, ô tô có thể chạy vào tới tận xóm, ấp. Mà điều đặc biệt ấn tượng là hình ảnh các bảng pa nô ấp văn hóa được xây dựng khang trang với hình thức bê tông hóa, được đặt trang trọng theo từng khu vực ranh ấp trải dài từ địa bàn ấp Long Tân đến ấp Long Phú 2 tiếp giáp với thị trấn Chợ Mới. Mỗi panô của ấp đều có chiều cao 3m, rộng 2,5m, trên cùng là hai mái ngói như mái nhà để che nắng che mưa, khung nền màu xanh với dòng chữ trắng: “ấp văn hóa” và địa danh nơi đó được nằm gọn trong khung bao đá hoa cương nhằm tăng độ bền và làm cho panô thêm nổi bật, nhưng chi phí khoảng 4 triệu đồng. Nếu so sánh với những panô được làm trước đây bằng sắt, lợp tole sử dụng trong thời gian ngắn lại dễ hư mục, thì đây là loại hình panô chỉ làm một lần và độ bền có thể vĩnh viễn.

Trưởng ấp Long Tân - Lê Văn Ghi cho biết, với mong muốn chiếc cổng ấp văn hóa không chỉ là một địa danh mà còn phải thể hiện được nét văn hóa của địa phương, sau những chuyến đi tham quan thực tế ở nhiều nơi, ông về bàn bạc với các nhà mạnh thường quân trong ấp: một mặt tham khảo thêm khảo ý kiến của Đảng ủy, UBND xã. Ông đề ra kế hoạch và tiến hành bắt tay vào vận động nhân dân xây dựng pa nô ấp khang trang theo hình thức mới vừa mang tính truyền thống lại phù hợp với xu thế hiện đại “Nhờ đi tham quan thực tế nhiều nơi chia sẻ học tập kinh nghiệm chẳng hạn như đi xuống Phong Điền - Cần thơ, mình thấy mấy xã nông thôn mới người ta treo các pa nô tuyên truyền ấp văn hóa bằng hình thức bê tông thấy nó có hiệu quả hơn, gì làm bằng trụ, cột sắt theo thời gian thì nó cũng mụt không chắc chắn. Từ suy nghĩ đó, tôi mới chụp hình lại và cũng may mắn là khi công trình trường tiểu học Quang Trung vừa xây dựng xong có dư vật liệu là gạch không nung. Tôi liền nắm ngay cơ hội, gặp gỡ trao đổi với nhà thi công vận động được vật liệu và xây dựng luôn”.

Trưởng ấp Long Tân Lê Văn Ghi cho biết: ban đầu dự định nếu như vận động không đủ tiền mua vật liệu, mướn nhân công xây dựng thì ông sẽ lấy số tiền được trên cấp hằng năm trong việc thực hiện nâng chất phong trào “TDĐKXD ĐSVH” của ấp để bù vào. Sau đó, sẽ vận động từ nguồn khác trả lại lần lần. Và để giảm bớt chi phí, ông còn trưng dụng thêm mấy anh, mấy chú thợ hồ của ấp nữa. Tính là vậy, nhưng nhờ được bà con và các mạnh thường quân ủng hộ cùng với sự chung tay đoàn kết của Ban ấp, tận dụng tối đa các nguồn vật liệu có thể vận động được để giảm đáng kể chi phí xây dựng, ông Lê Văn Ghi chia sẻ thêm: “Nếu trừ các nguồn vật liệu vận động được là gạch nung, sắt vụn làm vỉ nền, kể cả đá 4/6 anh em trong ấp lượm nhặt được... thì tổng chi phí một cổng ấp là 4 triệu đồng”.



Với cách làm này giúp các ấp giảm chi phí thiết kế ban đầu mà vẫn bảo đảm an toàn về mặt kết cấu, toàn bộ kinh phí xây dựng cổng ấp do Ban Công tác Mặt trận ấp vận động nhân dân đóng góp, tham gia giám sát quá trình thi công. Sau khi công trình hoàn thành, đã tạo chất xúc tác mạnh giúp các ấp còn lại trên địa bàn xã nhanh chóng triển khai nhân rộng dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy xã, ông Lâm Long Phú - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Thực hiện việc xây dựng các thiết chế văn hóa pa nô, áp phích, cổng chào của xã nông thôn mới. Vừa qua, Đảng ủy, UBND xã, các ấp đã vận động các nhà mạnh thường quân để thực hiện xã hội hóa xây dựng cổng chào theo mô hình mới với hình thức bê tông hóa, thay cho hình thức cũ là các pa nô, áp phích bằng cột, trụ sắt. Mô hình này vừa đem lại vẻ mỹ quan, an toàn vừa có độ bền cao hơn so với cổng chào bằng sắt trước kia. Và xã đã nhân rộng mô hình này cho tất các các ấp trên địa bàn. Hiện xã đang bố trí, lắp đặt thêm các cụm  pa nô, áp phích về 10 tiêu chí ăn, mặc, ở của tổ tự quản cũng như các pa nô bảng ranh giới của tự quản để tạo vẻ mỹ quan cho bộ mặt của xã nông thôn mới”.

Nhìn những hàng cây xanh trải dài che rợp bóng mát hai bên đường xa xa ở mỗi ấp là hình ảnh những chiếc cổng ấp văn hóa được xây dựng giống nhau về độ cao, chiều rộng, toàn bộ phần trang trí cổng, hoa văn đều thể hiện sự sáng tạo, đồng lòng của người dân đáng để các địa phương khác học hỏi và nhân rộng. Vì đây là mô hình mới góp phần làm đẹp thêm đường làng, ngõ xóm, làm thay đổi cảnh quan môi trường nông thôn. Bởi ngoài nét đẹp thẩm mỹ thì nó còn có độ bền cao và đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông./.

Thu Trang
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37036307