Truy cập hiện tại

Đang có 252 khách và không thành viên đang online

Thực tiễn - kinh nghiệm

Diện mạo mới trên quê hương cù lao Chợ Mới

(TGAG)- Năm 2016, một năm huyện Chợ Mới phải tập trung toàn lực cho cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021, quỹ thời gian dành cho công tác đặc biệt quan trọng này từ những tháng cuối năm 2015 cho đến gần hết tháng 5/2016. Nghĩa là chỉ còn lại 6 tháng, nhưng cả hệ thống chính trị và nhân dân trong huyện đã không ngừng nêu cao tinh thần đoàn kết, quyết tâm thực hiện thắng lợi hầu như tất cả chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra của năm trong điều kiện huyện phải đối mặt với những khó khăn, thiếu thốn cả về cơ sở vật chất, nguồn lực;… Bí thư Huyện ủy Chợ Mới Nguyễn Thanh Phong nói: “Thành tích đạt được trong năm qua là rất đáng tự hào, là sự phát triển hợp lý. Điều đó nói lên sự quyết tâm chính trị của Đảng bộ trong việc: Đổi mới phương thức lãnh đạo, tăng cường quán triệt các Nghị quyết của Đảng, thường xuyên kiểm tra cơ sở, kịp thời tổng kết nghị quyết, chỉ ra những định hướng mới thực hiện và tháo gỡ những khó khăn cho cơ sở làm cho diện mạo của quê hương thêm khởi sắc”.

Có dịp rảo bước trên các con đường trung tâm của huyện mới thấy sự đổi thay đến ngỡ ngàng. Con đường vòng Ông Chưởng băng qua giữa ruộng đồng của thị trấn năm nào nay trở thành đường “xương sống” của một trung tâm thị trấn mà bà con ở đây hay gọi là đường 942 (mới), dài trên 2.300 mét với tổng vốn đầu tư 70,5 tỷ đồng, chiều rộng nền đường 17 m; trong đó, chiều rộng mặt đường 14 m. Tại ngã tư giao nhau giữa đường Nguyễn Hữu Cảnh và đường Vòng cung này lần đầu tiên xuất hiện đèn tín hiệu giao thông xanh đỏ vàng và ý thức nghiêm chỉnh của người chấp hành Luật giao thông. Người tại địa phương có, người nơi khác đã đến cũng có họ đầu tư xây dựng mở mới cơ sở sản xuất kinh doanh, mua bán, dịch vụ, nhiều ngôi nhà cao tầng san sát mọc lên, xe cộ lưu thông cả ngày lẫn đêm nên đã làm cho khu vực này trở nên nhộn nhịp. Cách đó không xa, theo con đường Tỉnh lộ 942 (cũ) cũng nằm trong chu vi thị trấn Chợ Mới hằng chục công nhân ngày đêm tranh thủ nước rút để sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng cầu bắc ngang qua nhánh sông Tiền để nối liền 5 xã Cù lao Tây thuộc huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) với huyện Chợ Mới, dự kiến vào đúng kỷ niệm 42 năm ngày Giải phóng Miền Nam (30/4/2017) sẽ khánh thành. Tổng kinh phí trên 100 tỷ đồng, tải trọng 18 tấn, ngang 8m, cầu có tổng chiều dài 578m, trong đó: nhịp cầu 368m, đường dẫn 210 m (phía An Giang: 96 m; phía Đồng Tháp 114 m). Sau khi hoàn thành nhà đầu tư được áp dụng thu phí trong vòng 39 năm.

Chưa dừng lại ở đó, tìm hiểu về các xã đã được công nhận xã Nông thôn mới vào cuối năm trước, cảnh quan đường làng thật sự đổi mới, đời sống nhân dân có bước phát triển so với khi chưa công nhận. Bình quân thu nhập đầu người hiện tại khoảng 34 triệu 125 ngàn đồng, tăng trên 1 triệu 800 ngàn đồng so năm 2015. Các con đường đi qua, đường liên xã và tất cả các con đường từ ấp này sang ấp khác cũng đều trãi nhựa xanh rờn. Bất ngờ hơn là các con đường ra cánh đồng giữa ruộng màu xanh ngáy và những thảm lúa vàng rực mà lòng phơi phới niềm vui. Nhớ ngày nào phải đi bộ, hoặc bằng xuồng ghe chở phân bón, vật tư hay chở nông sản sau thu hoạch thì nay cũng được bà con bỏ ra ngày công, đóng góp tiền bạc, hiến đất để làm thành đường bê tông vững chãi góp phần cho việc đi lại dễ gấp trăm lần so trước đó. Các xã Kiến Thành, Hòa An, Mỹ Hiệp, Mỹ An .v.v… và nhiều nơi khác trong huyện như: Mỹ Hội Đông, Hội An, Tấn Mỹ, Hòa Bình việc làm cầu đường dường như không còn là chuyện quá xa vời mỗi khi bắt tay vào thực hiện mà tất cả đều đó trở thành một phong trào thi đua của mỗi người dân, một phong trào Dân vận của chính quyền - đoàn thể ở cơ sở. Điển hình như tại ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ An, chú Nguyễn Văn Đẩm bỏ tiền túi trên 200 triệu đồng cùng với sự tài trợ của nhà từ thiện TP Hồ Chí Minh, bắc chiếc cầu qua rạch trước cửa nhà trị giá trên 320 triệu đồng, hay bác sáu Trang ấp Đông Châu, xã Mỹ Hiệp trong thời buổi kinh tế thị trường đất “mắc như vàng” mà bác bàn bạc gia đình hiến 1.300 mét đất, để ấp có nơi dựng trụ sở làm việc và một phần để ấp làm nghĩa địa nhân dân chôn cất cho những người dân nghèo khi quá cố…tất cả những điều đó đã nói lên tấm lòng nhân ái, sự hào sảng của người dân cù lao Chợ Mới. 

Theo báo cáo của Huyện ủy về tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và những mục tiêu định hướng cho năm 2017, cho thấy tổng giá trị sản xuất của huyện trong năm đạt đến 16.561 tỷ đồng,  tăng 2,63% so với cùng kỳ. Trong đó: ngành nông nghiệp tăng 0,9%; ngành công nghiệp tăng 4,67%; ngành xây dựng tăng 2,74%. Kết quả đó, ngoài sự nỗ lực từ nội tại của huyện thì không thể không đề cập đến sự quan tâm đầu tư nguồn vốn kiến thiết cơ sở hạ tầng của Tỉnh, của Trung ương từ 2 chương trình lớn đó là: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Dự án Nam Vàm Nao với 19 tuyến đường nông thôn, 69 cống hở kiểm soát lũ và 280 cống dưới đê, với tổng nguồn vốn trên 1.100 tỷ đồng là chất xúc tác mạnh mẽ để Chợ Mới phát triển nhanh và bền vững.

Ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp: huyện luôn xem đây là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Song song với cây lúa để bảo đảm nguồn lương thực tiêu dùng và sản phẩm hàng hóa điều tiết các nơi khác, huyện đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng với vùng chuyên canh rau màu 700 ha ở xã Kiến An và vùng sản xuất chuyên canh cây ăn trái 4.000 ha của 3 xã: Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân. Mô hình sản xuất xoài theo tiêu chuẩn VietGAP ở Bình Phước Xuân với tổng diện tích 70 ha. Về sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp cùng với các ngành nghề sản xuất kinh doanh sắt thép, đóng tàu sắt, cơ khí thì Chợ Mới luôn chú trọng đến các làng nghề truyền thống vốn có tiếng từ lâu đời như nghề mộc dân dụng, gạch ngói, dây keo, đan đát v.v…Lĩnh vực thương mại dịch vụ, 78 chợ trên toàn địa huyện, trong đó có 50 chợ chính cũng được đầu tư nâng cấp để tạo điều kiện tốt nhất trong việc giao thương hàng hóa của người dân.

Kinh tế phát triển đã thúc đẩy cho lĩnh vực văn hóa - xã hội đi lên, 141/142 ấp được công nhận ấp văn hóa, 10 xã văn hóa, 2 thị trấn văn minh đô thị; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh được quan tâm; công tác giáo dục tỷ lệ tốt nghiệp các bậc học được duy trì; chính sách an sinh xã hội của người dân luôn được cải thiện từ việc tổ chức các lớp dạy nghề và giảm dần số hộ nghèo trong huyện - từ 6,24% theo tiêu chí mới nay chỉ còn 5,24%.

Đánh giá về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2016 của huyện Chợ Mới, đồng chí Võ Anh Kiệt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu: “…năm 2016, Chợ Mới có sự phát triển tốt và bộ mặt địa phương có sự khởi sắc. Là đơn vị luôn đi đầu với nhiều mô hình mới, cũng như tiềm năng lợi thế sẵn có. Ví dụ mô hình xoài Việt GAP ở 3 xã Cù Lao Giêng, ở đây về lâu dài còn hướng đến phát triển du lịch; mô hình trồng rau an toàn ở Kiến An; nghề mộc ở Chợ Thủ nổi tiếng từ Nam chí Bắc; nhưng chú ý Chợ Mới là nơi đất hẹp người đông do đó các nơi, người ta tăng một thì ở đây phải tăng gấp đôi để đáp ứng được việc nâng cao đời sống nhân dân. Bù lại lợi thế của Chợ Mới dân đông thì nguồn nhân lực dồi dào sẽ là điều kiện phát triển mọi mặt cho huyện và cũng chính là nguồn lao động cung cấp cho các nơi ngoài tỉnh và hơn nữa xuất khẩu lao động cho các doanh nghiệp nước ngoài khi họ có yêu cầu”.

Năm 2016 năm mở đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Huyện Đảng bộ lần thứ XI đạt những thành tựu quan trọng góp phần làm cho diện mạo quê hương thêm khởi sắc. Đây cũng là tiền đề để huyện tiếp tục chủ động tranh thủ nguồn vốn Trung ương, Tỉnh và mời gọi đầu tư bằng những công trình liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh. Tin tưởng rằng với quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ và sự “chung sức, chung lòng” của nhân dân những công trình nêu trên trở thành hiện thực để đúng nghĩa với tên gọi của một cù lao Chợ Mới luôn luôn mới./.

Thái Sơn
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36730455