Truy cập hiện tại

Đang có 123 khách và không thành viên đang online

Thực tiễn - kinh nghiệm

Chuyển dịch cơ cấu nội ngành nông nghiệp hướng tới phát triển bền vững

(TGAG)- Những năm qua, mặc dù nông nghiệp tỉnh nhà tiếp tục giữ vai trò nền tảng của nền kinh tế, nhưng mức tăng trưởng đã chậm lại so với giai đoạn trước. Một trong những nguyên nhân là diện tích, năng suất, sản lượng lúa hầu như đã tiến dần tới ngưỡng; sản phẩm lúa, cá có sức cạnh tranh kém.

Do đó, trong giai đoạn 2015 - 2020, phát triển nông nghiệp phải chuyển theo tư duy mới đó là tăng chất lượng, giá trị và hiệu quả kinh tế đạt được trên một đơn vị diện tích, trên cơ sở cơ cấu lại các sản phẩm nông nghiệp theo thị trường và lợi thế so sánh. Một trong những hướng đi để giải quyết vấn đề trên là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nội ngành nông nghiệp hướng tới phát triển bền vững.

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành nông nghiệp vẫn đạt được mức tăng trưởng ổn định, lúa gạo và cá tra vẫn còn đóng góp rất lớn vào giá trị kim ngạch xuất khẩu. Sản xuất ngành nông nghiệp trong giai đoạn này đạt được mục tiêu ổn định, giữ vai trò là bệ đỡ của ngành kinh tế. Nông nghiệp đang chuyển dần từ sản xuất theo chiều rộng sang chiều sâu, bước đầu ổn định tăng trưởng, sản xuất hàng hóa có chất lượng thông qua nâng cao năng suất, hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2015 của ngành nông nghiệp đạt 2,86%. Năng suất lúa cả năm trong giai đoạn này ổn định từ 6,2 - 6,4 tấn/ha, riêng năm 2014 đạt mức kỷ lục 6,43 tấn/ha. Canh tác chủ yếu là những giống chất lượng cao để xuất khẩu. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng hằng năm, năm 2010 đạt 85,2 triệu đồng/ha, năm 2014 đạt 110 triệu đồng/ha, dự kiến năm 2015 sẽ đạt hơn 129 triệu đồng/ha. Về chăn nuôi, bước đầu tổ chức thực hiện nuôi quy mô lớn. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã tạo ra các tiền đề cho việc hình thành và phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong giai đoạn sau này. Các chuỗi giá trị lúa gạo, rau màu và thủy sản đã hình thành và phát triển cùng với các hình thức liên kết sản xuất trong chuỗi có sự tham gia của các ngân hàng. Đời sống của nông dân từng bước được cải thiện. Cư dân nông thôn có nhiều cơ hội tiếp cận với các dịch vụ, chính sách an sinh xã hội. Giao thông nông thôn và hệ thống thủy lợi tiếp tục được quan tâm đầu tư đã cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất và nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa ở nông thôn. 

Bên cạnh những thành tựu đạt được, sản xuất nông nghiệp của tỉnh cũng còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế đó là: Trong cơ cấu kinh tế khu vực 1, chủ yếu vẫn dựa vào nông nghiệp trong đó trồng trọt là chính, chiếm hơn 90%, thủy sản chỉ chiếm khoảng 8%. Trong lĩnh vực nông nghiệp, mặc dù đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực như: tỷ trọng ngành trồng trọt trong cơ cấu giá trị sản xuất mỗi năm giảm 1%; tỷ trọng ngành chăn nuôi tăng nhẹ. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành nông nghiệp vẫn còn chậm, tỷ trọng nông nghiệp còn cao, trồng trọt còn chiếm (79%) và cây lúa là cây trồng chủ yếu. Mặc dù năng suất, sản lượng không ngừng được nâng lên, giá thành hạ nhưng sức cạnh tranh yếu, thương hiệu sản phẩm chưa hình thành nên luôn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro khi thị trường có biến động. Rau màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng có tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, là những ngành hàng có tiềm năng và lợi thế so sánh nhưng chậm chuyển dịch, do sản xuất đa phần vẫn nhỏ lẻ.

Thời gian tới, trong nội ngành nông nghiệp cần chuyển dịch theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, giữ gìn sản phẩm đặc trưng của tỉnh, không chạy theo sản lượng. Trong đó, tập trung phát triển 4 nhóm sản phẩm chiến lược của tỉnh là gạo, cá, rau màu và cây dược liệu, trong đó sẽ cấu trúc lại cây lúa, con cá để thích ứng với thị trường. Ngoài ra các sản phẩm tiềm năng cũng được quan tâm, tạo điều kiện phát triển khi có nhu cầu thị trường.

Các giải pháp chủ yếu để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp là:

Thực hiện các quy hoạch sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ. Triển khai các quy hoạch sản phẩm, quy hoạch vùng sản xuất và các gói hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, thị trường cho các sản phẩm, phối hợp đưa các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của tỉnh tiếp cận thị trường thông qua đề án khung chính sách, đưa các mặt hàng chủ lực của tỉnh tiếp cận, thiết lập, xâm nhập vào các hệ thống phân phối trong và ngoài nước. Đặc biệt là triển khai 8 quy hoạch nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012 - 2020.

Tổ chức lại sản xuất. Hoàn thiện, phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để có mối liên kết bền vững; tổ chức chăn nuôi theo liên kết chuỗi giá trị... Tiếp tục nhân rộng mô hình “Cánh đồng lớn”, gắn với xây dựng thương hiệu gạo. Thực hiện các mô hình kinh tế hợp tác của hợp tác xã kiểu mới gắn kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo. Tiếp tục thực hiện chuỗi liên kết cho sản phẩm đậu nành rau và bắp non. Xây dựng các điểm bán hàng nông sản an toàn tại các chợ, siêu thị nhằm đẩy mạnh đầu ra và phục vụ nhu cầu đảm bảo chất lượng người tiêu dùng.

Giải pháp về đầu tư. Rà soát quỹ đất, ưu tiên bố trí đất để phát triển trang trại. Đầu tư thủy lợi cho các vùng sản xuất gắn với các mô hình sinh kế vào mùa nước nổi. Hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi vùng trồng hoa màu nhưng chưa ổn định hoặc trồng màu luân canh lúa chuyển sang chuyên trồng màu; vùng sản xuất lúa tôm hiện có và mở rộng diện tích toàn vùng theo quy hoạch và những nơi có điều kiện.

Đầu tư vào khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ về sản xuất những giống cải tiến sẽ tạo ra những cơ hội phát triển đột phá, nâng cao năng lực các cơ sở sản xuất giống thủy sản chất lượng, sạch bệnh...

Giải pháp về cơ chế, chính sách. Triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, người dân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đặc biệt là Quyết định số 37/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân Tỉnh An Giang về hỗ trợ  đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để thực hiện Nghị định 210 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh và các chính sách về giảm tổn thất trong nông nghiệp, phát triển các sản phẩm quốc gia.

Tóm lại, trong giai đoạn sắp tới, đặc biệt trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, nông nghiệp An Giang cần tái cơ cấu để tiếp tục phát triển. Dù còn nhiều khó khăn phía trước; trên cơ sở nền tảng đã xây dựng trong thời gian qua và các giải pháp, chính sách phù hợp; với  nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị, lực lượng nông dân và các thành phần kinh tế, tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp chắc chắn sẽ đạt mục tiêu đề ra; đưa ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế tỉnh nhà và nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân trong tỉnh./.

Sở Nông nghiệp và PTNT

(*) Trích tham luận tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ X
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37120841