Truy cập hiện tại

Đang có 76 khách và không thành viên đang online

Căn bệnh "im lặng đáng sợ"

(TGAG)- Đấu tranh chống tiêu cực là dấu ấn nổi bật của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Quá trình đầy cam go, thử thách đó làm nổi bật lên ở ông - người khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới – ý chí kiên định, hành động mạnh mẽ, quyết tâm chỉ rõ đến tận mọi ngóc ngách biểu hiện của tiêu cực đã và đang đưa đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng. Một trong số đó là cuộc đấu tranh không khoan nhượng của Tổng Bí thư trước căn bệnh "im lặng đáng sợ".

"Im lặng đáng sợ" là thuật ngữ được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nêu lên trong bài viết thứ hai đăng trên chuyên mục "Những việc cần làm ngay" của báo Nhân dân ngày 26 tháng 5 năm 1987. Trong bài viết, Tổng Bí thư miêu tả "im lặng đáng sợ" là căn bệnh vô cảm, vô trách nhiệm, phớt lờ ý kiến của nhân dân, bàng quang trước tiếng gọi cấp bách từ cuộc sống cực khổ của nhân dân trong tình cảnh khủng hoảng kinh tế - xã hội. Tổng Bí thư tỏ rõ thái độ phê phán kịch liệt căn bệnh này, kiên quyết lãnh đạo đấu tranh loại trừ "im lặng đáng sợ" đang là hòn đá tảng che lấp trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trước nhân dân, cản trở con đường đổi mới đất nước.
 

Đồng chí Nguyễn Văn Linh làm việc tại Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, ngày mùng 5 Tết Ất Mão (1975) - Ảnh: chụp lại từ tư liệu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn cán bộ, đảng viên phải là những người lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ; phải lo nỗi lo của dân, đau niềm đau của dân; phải xem cuộc sống của nhân dân là cuộc sống của mình, lấy nguyện vọng của nhân dân làm mục tiêu làm việc của mình. Hồ Chí Minh nghiêm khắc nhắc nhở thờ ơ, bàng quang với nhân dân thì không xứng đáng là người cộng sản, chứ chưa nói đến việc chăm lo được lợi ích gì cho nhân dân. Cùng với tiến trình cách mạng, chúng ta đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa hồng, vừa chuyên, đóng vai trò nòng cốt đi trước để "làng nước theo sau" kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ thắng lợi. Đó là thành tựu không thể phủ nhận. Tuy nhiên, trong thập niên đầu sau khi thống nhất nước nhà, lối làm việc quan liêu có chiều hướng lan rộng trong cán bộ, đảng viên. Tình cảnh đói nghèo khiến nhân dân ngày càng thể hiện tâm tư, nguyện vọng với Đảng và Nhà nước; ngày càng có nhiều khiếu nại, tố cáo những biểu hiện sai phạm của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Thế nhưng, số lượng không nhỏ ý kiến của nhân dân không được một bộ phận cán bộ, đảng viên tiếp thu, giải quyết. Chủ nghĩa cá nhân trỗi dậy ở họ làm nảy sinh tư tưởng mà trước đây Chủ tịch Hồ Chí Minh rất hay cảnh báo và phê bình: Cốt sao mình béo, mặc thiên hạ gầy. Sự "im lặng đáng sợ" nảy sinh từ đây.

Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh sớm thấy rõ căn bệnh "im lặng đáng sợ". "Bắt bệnh" đúng, Tổng Bí thư quyết tâm "trị bệnh" bằng ý chí mạnh mẽ và hành động kiên quyết đấu tranh loại trừ. Ông tăng cường tiếp xúc với nhân dân, sử dụng nhiều kênh để nhân dân phản hồi ý kiến với Đảng và Nhà nước, lắng nghe và chỉ đạo giải quyết mọi vấn đề cho nhân dân dù là nhỏ nhất. Ông phát động thực hiện "Những việc cần làm ngay" để công khai đấu tranh với mọi biểu hiện tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị. Trong cuộc đấu tranh đó, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thể hiện rõ quan điểm không có vùng cấm, không ngần ngại chỉ ra những khuyết điểm của cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp Trung ương. Ông tấn công thẳng vào căn bệnh "im lặng đáng sợ" bằng quan điểm "Phải quyết liệt chống tiêu cực thì nhân tố mới mới thật sự có chỗ đứng, giống như có nhổ sạch cỏ dại, diệt sâu rầy thì lúa mới mọc lên vậy".

Căn bệnh "im lặng đáng sợ" ngày nay vẫn tồn tại, không nhiều thì ít. “Sự im lặng đáng sợ” đó là sự im lặng của người có chức, có quyền câu kết, tránh né, bao che cho nhau để tham nhũng, lãng phí, tiêu cực... “Sự im lặng đáng sợ” đó còn là sự im lặng của người dân, của những người tích cực trước những tiêu cực, sai trái sờ sờ trước mắt mình và của tất cả mọi người. Tâm lý “đấu tranh, tránh đâu” đè nặng lên mỗi người dân, cán bộ và đảng viên, để rồi họ phải lặng im trước tiêu cực, trước cái sai, cái xấu. Theo ông Nguyễn Quang Minh, Trưởng ban Dân chủ-Pháp luật của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, năm 2013, có 1.968 công văn chuyển đơn, 45 công văn kiến nghị giải quyết thì chỉ nhận được 202 công văn trả lời (tỷ lệ 10%) và đó cũng là tỷ lệ chung của giai đoạn 2008-2013. Tính đến tháng 10 năm 2014, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi 10 công văn đến các cơ quan chức năng đề nghị giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân thì chỉ nhận được một công văn trả lời, 9 công văn rơi vào im lặng. Công văn của cơ quan chức năng mà còn bị rơi vào im lặng thì ý kiến, nguyện vọng trực tiếp của người dân chắc hẳn không khả quan hơn.

Martin Luther King, nhà hoạt động nhân quyền, người đoạt giải Nôbel hòa bình năm 1964, nói: “Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt”. Ngẫm câu nói này, nhớ về Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, thấy rõ quan điểm và hoạt động không mệt mỏi đấu tranh chống căn bệnh "im lặng đáng sợ" của ông đã vượt ra khỏi biên giới đất nước, hòa vào ngôi nhà chung của các tư tưởng tiến bộ. Cơ sở thuyết phục nhất cho sự khẳng định này không gì khác hơn bốn chữ: Nói và làm đúng./.

Nguyễn Phương An
Trường Chính trị Tôn Đức Thắng

__________________

Tài liệu tham khảo:

1. Ban Tuyên giáo Trung ương, Tài liệu tuyên truyền kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Hà Nội, 2015.

2. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Đồng chí Nguyễn Văn Linh, 27/02/2006.

3. Quốc Khánh, Nguyễn Văn Linh - Người cộng sản mẫu mực, sáng tạo, Báo Sài Gòn giải phóng, 26/6/2010.

4. Từ điển Bách khoa Việt Nam, Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2011.
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37028507