Truy cập hiện tại

Đang có 46 khách và không thành viên đang online

Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc đại dịch AIDS tại Việt Nam

(TGAG)- Trên thế giới, từ những trường hợp được ghi nhận nhiễm HIV vào năm 1981 đến nay, theo báo cáo của WHO đã có 35 triệu người nhiễm HIV, 1,5 triệu người chết do AIDS và 119 quốc gia đã báo cáo kết quả có khoảng 95 triệu người đã xét nghiệm HIV.

Trong Hội nghị quốc tế lần thứ 21 về HIV/AIDS diễn ra trong 5 ngày (từ 18-22/7/2016), tại thành phố biển Durban - miền Tây Nam Phi, Tổng Thư ký Ban Ki-moon nhận định, những bước tiến trong cuộc chiến chống AIDS đã giúp kéo dài cuộc sống cho những người nhiễm HIV, khi có khoảng 15 triệu người đã được sử dụng liệu pháp kháng virus trong 15 năm qua. Số người nhiễm HIV mới hằng năm cũng giảm từ 3,1 triệu người xuống còn 2 triệu người.

Ông Ban Ki-moon cho biết, hiện nay, số người được điều trị chống lại HIV/AIDS cao hơn gấp 17 lần so với vào thời điểm diễn ra tại hội nghị năm 2000. Tuy nhiên, 20 triệu người mắc bệnh này vẫn chưa được tiếp cận với điều trị. “Một số nước hiện đã đạt được việc loại bỏ lây truyền HIV từ mẹ sang con; nhưng nhiều trẻ em sống với HIV vẫn còn chưa được điều trị”.

Để loại trừ căn bệnh thế kỷ AIDS, Liên Hiệp Quốc đã đưa ra kế hoạch 5 năm nhằm chấm dứt bệnh AIDS trước năm 2030. Kế hoạch có tên “90-90-90” hướng tới các mục tiêu: 90% những người sống với HIV phải biết về tình trạng nhiễm virus của mình, 90% những người xét nghiệm dương tính với virus HIV sẽ được chữa trị, và 90% những người đang được điều trị cho thấy dấu hiệu virus HIV nơi họ đã phần nào bị áp chế.

Nếu thành công, kế hoạch này sẽ ngăn chặn gần 28 triệu ca lây nhiễm mới HIV và 21 triệu ca tử vong có liên quan tới bệnh AIDS trên toàn cầu. Song thực hiện được kế hoạch, là cả một thách thức khi thế giới vẫn chưa tìm ra loại vaccine có thể chấm dứt căn bệnh AIDS thành công.

Tại Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2016, cả nước phát hiện 3.684 người nhiễm HIV, chuyển sang giai đoạn AIDS là 2.366 người, tử vong 862 người. Lũy tích các trường hợp nhiễm HIV, chuyển sang giai đoạn AIDS và tử vong: có 227.225 người đang nhiễm HIV, 85.735 người chuyển sang giai đoạn AIDS và đã có 89.210 người nhiễm HIV đã tử vong.

Theo nhận định của Cục Phòng, chống HIV/AIDS: số người nhiễm HIV mới phát hiện tiếp tục giảm nhưng tốc độ chậm hơn so với trước đây, số người nghiện chích ma túy giảm mạnh, số người lây nhiễm qua quan hệ tình dục có giảm nhưng không đáng kể. Mô hình lây nhiễm HIV/AIDS chuyển dịch từ nguyên nhân lây nhiễm qua đường tiêm chích ma túy sang nguyên nhân chính qua lây nhiễm đường quan hệ tình dục xảy ra ở nhóm người dễ bị tổn thương như: vợ, bạn tình người nhiễm HIV, cụ thể hơn là vợ, bạn tình người nghiện chích ma túy.

Tại An Giang, trong 8 tháng đầu năm đã phát hiện 187 trường hợp nhiễm HIV, có 142 ca chuyển sang giai đoạn AIDS và có 55 trường hợp đã tử vong. Lũy tích từ năm 1993 đến nay đã có 10.661 trường hợp nhiễm HIV, 8.451 ca đã chuyển sang giai đoạn AIDS và đã có 4.930 trường hợp tử vong. Các ca mới phát hiện nhiễm HIV quản lý được tập trung ở nhóm tuổi lao động, đường lây truyền qua quan hệ tình dục không an toàn.

Từ những nhận định trên và tình hình dịch HIV/AIDS tại Việt Nam cũng như tại An Giang trong bối cảnh hiện nay, với mong muốn kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, HIV/AIDS, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc Trung ương tiếp tục chọn chủ đề cho ngày Thế giới Phòng, chống AIDS năm 2016 là:” Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam”.

- 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình.
- 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV.
- 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp nhất để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV sang người khác.

Đây cũng chính là cam kết của Việt Nam với Liên Hiệp Quốc. Điều này đòi hỏi sự cam kết mạnh mẽ của mỗi người lãnh đạo, mỗi người dân trong việc nâng cao nhận thức về phòng, chống HIV/AIDS, vì thực hiện được sự cam kết này không chỉ là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của con người mà còn là ổn định và phát triển của quốc gia.

Trong bối cảnh dịch HIV mang tính toàn cầu và tác động đến toàn cầu, nếu Việt Nam làm tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS và thực hiện thắng lợi mục tiêu 90-90-90 thì nó không chỉ có ý nghĩa thiết thực đối với người dân Việt Nam nói chung và đối với Nhân dân An Giang nói riêng mà đó cũng chính là tiền đề để tiến tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030./.

HUỲNH THỊ NGỌC THANH
Trưởng Khoa Truyền thông và can thiệp
Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS An Giang



Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36714911