Truy cập hiện tại

Đang có 411 khách và không thành viên đang online

Kỷ niệm 70 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến: Vang mãi “Mùa thu rồi ngày hăm ba..."

(TGAG)- Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 mở ra trong lịch sử dân tộc bước ngoặt lớn, đem lại cho cách mạng Việt Nam thế và lực mới. Song không lâu sau đó, cách mạng nước ta đứng trước những thử thách hết sức nghiêm trọng, phải đối đầu với nguy cơ đe dọa sự tồn tại của mình.

Ngày 23 tháng 9 năm 1945, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm trụ sở Ủy ban nhân dân Nam Bộ và cơ quan tự vệ thành phố Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai.

 
Trước tình hình khẩn cấp, ngay ngày 23 tháng 9 năm 1945, Xứ ủy Nam Bộ họp Hội nghị mở rộng tại Cây Mai (Chợ Lớn), đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng dự hội nghị. Hội nghị phân tích âm mưu của thực dân Pháp và chủ trương phát động nhân dân Nam Bộ kiên quyết kháng chiến chống xâm lược. Cũng trong ngày hôm đó, qua làn sóng điện, Trung ương Đảng chỉ thị cho Xứ ủy Nam Bộ về chủ trương kháng chiến chống Pháp. Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh theo dõi và cổ vũ cuộc chiến đấu của nhân dân miền Nam. Ngày 26 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư biểu dương tinh thần chiến đấu và thể hiện lòng tin của mình đối với đồng bào Nam Bộ: “Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ”1.

Với “lòng kiên quyết ái quốc”, ngay chiều cùng ngày, đồng bào Nam Bộ đã vùng lên tiến hành nhiều hoạt động đấu tranh với thực dân Pháp, tiêu biểu là cuộc đấu tranh không hợp tác với địch của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn. Chợ ngừng họp, xe cộ ngừng chạy, các hiệu buôn, nhà máy đóng cửa, điện, nước bị cắt, các kho tàng của địch bị đánh phá, tàu Pháp vừa cập bến cảng Sài Gòn bị đốt cháy. Quân giặc nhiều lần tiến ra phía cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Thị Nghè đều bị chặn lại. Không những thế, lực lượng vũ trang và bán vũ trang cùng toàn thể đồng bào đã dũng cảm chiến đấu đánh trả bọn xâm lược với tất cả vũ khí có trong tay làm cho địch lâm vào tình trạng khốn đốn, sống thiếu điện nước, không được tiếp tế, luôn bị tập kích tiêu hao, tiêu diệt và bị vây hãm. Tình trạng khốn cùng này của thực dân Pháp chỉ chấm dứt vào cuối năm 1945, khi chúng được tăng thêm viện binh và sự giúp đỡ nhiều hơn của quân Anh, quân Nhật nên đã phá vỡ vòng vây Sài Gòn - Chợ Lớn để đánh chiếm rộng ra các vùng khác.
    
Để tổng kết hơn một tháng lãnh đạo cuộc kháng chiến và đề ra những phương hướng nhiệm vụ tiếp theo, Đảng bộ Nam Bộ đã tổ chức Hội nghị cán bộ (25/10/1945) tại Thiên Hộ (Cái Bè, Mỹ Tho). Dự Hội nghị có đồng chí Hoàng Quốc Việt thay mặt Ban Thường vụ Trung ương Đảng và các đồng chí Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh. Hội nghị đã kiểm điểm và rút kinh nghiệm trong hơn 1 tháng lãnh đạo cuộc kháng chiến, biểu dương tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân và dân Nam Bộ và tỏ rõ quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh cuộc kháng chiến. Hội nghị quán triệt quan điểm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các lực lượng vũ trang, quyết định những biện pháp cấp bách nhằm xây dựng cơ sở chính trị và vũ trang bí mật trong thành phố cũng như các vùng bị tạm chiếm. Hội nghị cử đồng chí Tôn Đức Thắng phụ trách Ủy ban kháng chiến và chỉ đạo các lực lượng vũ trang.

Ngày 21 tháng 11 năm 1945, Hội nghị quân sự họp tại xã An Phú (Gia Định) quyết định việc phân chia chiến trường, xây dựng căn cứ địa, rút kinh nghiệm trong chiến đấu và bàn cách đánh địch trong tình hình mới.

Ngày 25 tháng 11 năm 1945, Trung ương Đảng ra chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc”. Chỉ thị nhận định những thay đổi căn bản của tình hình thế giới và trong nước sau chiến tranh thế giới thứ hai, nêu rõ những thuận lợi căn bản và những thử thách lớn của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc mà nhân dân ta đang tiến hành. Từ đó, Chỉ thị nêu lên các vấn đề cơ bản của cuộc kháng chiến như sau:

- Tính chất: Chỉ thị khẳng định cách mạng Đông Dương lúc này vẫn là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.
Xác định đất nước chưa hoàn toàn độc lập, kẻ thù chính, đối tượng đấu tranh chính của nhân dân ta vẫn là thực dân Pháp xâm lược.

- Nhiệm vụ:
Nhiệm vụ chiến lược: Kết hợp tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ là kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược giành độc lập dân tộc và ra sức xây dựng chế độ xã hội mới.
Nhiệm vụ trước mắt: củng cố chính quyền, chống ngoại xâm, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân.

- Khẩu hiệu đấu tranh của nhân dân ta lúc này là dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết.
Chỉ thị đề ra các biện pháp trên những mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, ngoại giao, xây dựng Đảng, mở rộng Mặt trận Việt Minh và Mặt trận thống nhất Việt Nam - Lào - Campuchia để hoàn thành các nhiệm vụ của cuộc kháng chiến.

Đảng đã dành hẳn một phần quan trọng trong Chỉ thị để nêu lên những chủ trương, đường lối tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp ở phía nam vĩ tuyến 16. Chỉ thị đánh giá những thuận lợi và khó khăn của cả ta và địch, nêu lên “nhiệm vụ chiến thuật là phải cắt đứt dây liên lạc giữa các thành phố đã lọt vào tay địch, phong tỏa những thành phố ấy về kinh tế, bao vây về chính trị, nhiễu loạn về quân sự… Phải phát động chiến tranh du kích đến triệt để và cổ động nhân dân thi hành chính sách bất hợp tác” 2  với giặc. “Điều cốt tử là phải giữ vững liên lạc giữa các chiến khu để thống nhất chỉ huy… Các vùng chiến tranh chưa lan đến cũng phải chuẩn bị đối phó… kế hoạch tiến công cũng như kế hoạch rút lui cũng phải hết sức chu đáo” 3

Như vậy, Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” (25/11/1945) đã giải quyết được các vấn đề cơ bản trước mắt cũng như lâu dài mà cuộc cách mạng đang đặt ra. Tư duy linh hoạt, sáng tạo, đúng đắn của Trung ương Đảng trong lãnh chỉ đạo cuộc đấu tranh cách mạng thể hiện rất rõ qua việc nêu cao cùng lúc hai ngọn cờ: kháng chiến và kiến quốc. Kháng chiến là chống xâm lược, bảo vệ nền độc lập của dân tộc và kiến quốc là xây dựng đất nước hưng thịnh, xây dựng chế độ xã hội mới nhằm bảo đảm mọi quyền lợi của nhân dân. Bản Chỉ thị góp phần quan trọng trong việc hình thành đường lối kháng chiến toàn quốc sau này.

Cuộc kháng chiến của đồng bào Nam Bộ được sự quan tâm và giúp đỡ rất lớn của Trung ương Đảng và nhân dân cả nước. Đảng đặc biệt chăm lo việc động viên cả nước hướng về miền Nam ruột thịt đang chiến đấu anh dũng chống thực dân Pháp xâm lược. Phong trào cả nước ủng hộ cuộc kháng chiến của đồng bào Nam Bộ trở thành một cuộc vận động chính trị rộng lớn và hết sức sôi nổi. Các Ủy ban ủng hộ kháng chiến được thành lập khắp nơi. Trong một thời gian ngắn, hầu hết các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ đã có những chi đội (tương đương trung đoàn) Nam tiến rầm tập lên đường vào Nam giết giặc.
    
Tháng 12 năm 1945, Ủy ban kháng chiến miền Nam Việt Nam được thành lập tiếp tục lãnh đạo nhân dân toàn miền kháng chiến theo phương châm toàn dân kháng chiến và kháng chiến lâu dài. Sau đó, Ủy ban kháng chiến các cấp cũng được thành lập trên khắp miền Nam. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ủy ban kháng chiến, sự ủng hộ giúp đỡ của Trung ương Đảng và nhân dân miền Bắc, đồng bào miền Nam đã anh dũng chiến đấu đánh bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp, buộc chúng phải đàm phán với chính phủ cách mạng.

Cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm to lớn:

Trước hết, nắm vững bài học vấn đề cơ bản của mỗi cuộc cách mạng là vấn đề chính quyền. Giành được chính quyền nhưng không giữ được chính quyền tức là cách mạng lâm vào thất bại. Có giữ được chính quyền, có dựa vào hiệu lực của bộ máy nhà nước và tinh thần làm chủ của nhân dân, mới có công cụ và sức mạnh để bảo vệ thành quả cách mạng, chống lại hoạt động phá hoại của kẻ thù, tiến lên thực hiện từng bước các mục tiêu của cách mạng.

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề chính quyền trong một cuộc đấu tranh cách mạng như trên, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, mặc dù lâm vào tình thế ngàn cân treo sợi tóc, cùng lúc phải đối phó với những khó khăn về mọi mặt nhưng việc lãnh đạo xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng vẫn được Đảng ta thực hiện thắng lợi với hàng loạt những chủ trương, chính sách linh hoạt, sáng tạo. Cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai là tiêu biểu cho tinh thần đó.

Thứ hai, trong mọi hoàn cảnh việc giữ vững và phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng là điều kiện quyết định cho sự thành bại của cách mạng. Đảng ta trưởng thành qua hơn 15 năm lãnh đạo cách mạng. Từ hoạt động bí mật, Đảng ta đã trở thành Đảng lãnh đạo chính quyền và có uy tín lớn trong dân tộc. Hơn thế nữa, đường lối của đảng được rọi sáng bởi học thuyết chân chính nhất thời đại, được đặt dưới sự lãnh đạo tài tình của Ban Chấp hành Trung ương đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Đảng bộ Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược là kịp thời, chặt chẽ, thống nhất, mặc dù trong điều kiện rất khó khăn về thông tin, liên lạc. Trước rất nhiều áp lực, Đảng tỏ rõ bản lĩnh vững vàng, sáng tạo, đề ra đường lối kháng chiến đúng đắn, giúp cuộc kháng chiến đạt được những mục tiêu đề ra.

Thứ ba, phát huy cao độ sức mạnh nhân dân. Thế mạnh và thuận lợi lớn nhất là do được hưởng lợi từ thành quả của Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhân dân ta trở thành người làm chủ đất nước, tin tưởng sâu sắc, thể hiện rõ tinh thần đoàn kết xung quanh Đảng, thái độ quyết tâm xây dựng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ chế độ mới và cuộc sống mới, quyết tâm chống xâm lược, bảo vệ nền độc lập, thống nhất của Tổ quốc. Trong cuộc kháng chiến ở Nam Bộ, không chỉ nhân dân miền Nam bất hợp tác với giặc, cùng với Đảng và chính quyền cách mạng kiên quyết chống ngoại xâm, mà còn có sự tham gia của nhân dân cả nước thể hiện qua các đoàn quân Nam tiến. Nam Bộ kháng chiến là một trong những biểu tượng sinh động nhất của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Thứ tư, tầm nhìn lãnh đạo. Đó là năng lực phân tích và dự đoán tình hình. Kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ là kết quả của quá trình phân tích tình hình địch - ta, sàng lọc kẻ thù, xác định thời điểm kháng chiến trong mối tương quan với cuộc đấu tranh chống những kẻ thù ngoại xâm và nội phản khác. Trước thực tế thực dân Pháp là lực lượng đầu tiên trắng trợn nổ súng xâm lược nước ta, Đảng đã xác định ngay trong chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” rằng thực dân Pháp là kẻ thù chính cần phải tập trung mũi nhọn đấu tranh vào chúng. Trên cơ sở phân tích và xác định đúng đắn tình thế của kẻ thù, để có thể chuẩn bị toàn diện cho nhiệm vụ trước mắt là kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ở miền Nam, Đảng đã chủ động hòa với Tưởng. Sự chủ động này, trước hết giúp đưa nước ta thoát khỏi gọng kềm đang khép dần của hai thế lực Pháp - Tưởng, sau đó góp phần mang lại thắng lợi bước đầu cho cuộc kháng chiến chống Pháp ở miền Nam.

Bảy mươi năm trôi qua, tinh thần ngày 23 tháng 9 vẫn âm vang mãi. Đó là âm vang của Nam Bộ thành đồng giàu lòng vì nước thề quyết chống quân ngoại xâm. Đó là tiếng chân của những đoàn quân Nam tiến nghe theo tiếng kêu sơn hà nguy biến sẵn sàng xả thân vì nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả nước đồng sức đồng lòng “xây giang san hạnh phúc muôn đời. Nền độc lập khắp nước Nam”4.

Nguyễn Phương An
Trường Chính trị Tôn Đức Thắng


______________
1- Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, Tập 4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, trang 27.
2, 3- Đảng Cộng sản Việt Nam (2000), Văn kiện Đảng, Toàn tập, Tập 8, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, trang 31.
4- Lời bài hát Nam Bộ kháng chiến của nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn.

Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37036473