Truy cập hiện tại

Đang có 46 khách và không thành viên đang online

Vai trò của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành trong khu vực đánh giá, đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy liên kết vùng

(TGAG)- Ngày 05/11/2016, Đoàn công tác Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang do ông Đinh Công Minh, Tỉnh ủy viên - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh dẫn đầu đã tham dự Hội nghị giao ban trao đổi hoạt động Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long do Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre đăng cai tổ chức.

Với chủ đề “Vai trò của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành trong khu vực đánh giá, đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy liên kết vùng”.
 

Tham dự có đồng chí Tòng Thị Phóng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Quốc hội; các đồng chí Ủy ban Chuyên trách của Quốc hội; Chủ tịch, các Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng các Ban Hội đồng nhân dân của 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL và đại diện các bộ, ngành Trung ương.

Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích tự nhiên khoảng 3,96 triệu km2, dân số 18 triệu người. Đây là vùng trong điểm sản xuất lúa gạo, thủy hải sản và cây ăn trái của cả nước. Tuy nhiên, hiện tại ĐBSCL lại là vùng trũng về giáo dục, y tế, hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao và thu hút đầu tư, do đó nguồn lực tài chính phải lệ thuộc vào ngân sách của Trung ương. Hoạt động liên kết vùng còn nhiều bất cập, chưa có chính sách đầu tư trọng điểm, cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa tương xứng với tiềm năng, liên kết giữa các tỉnh trong khu vực còn hạn chế…

Tại hội nghị, các đại biểu còn được nghe nhiều cáo báo tham luận, các kiến nghị, đề xuất của Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh: An Giang, Cần Thơ, Cà Mau, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Tiền Giang, các bộ, ngành Trung ương, các nhà khoa học xung quanh nội dung, vai trò của HĐND các tỉnh, thành phố trong khu vực đánh giá, đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy liên kết vùng, trong xây dựng và phát triển nông nghiệp chất lượng cao.

Phát biểu tại Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang cho biết: Trong những năm qua, cùng với sự phát triển chung của cả nước, nền nông nghiệp của tỉnh An Giang đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực; tốc độ tăng trưởng luôn được duy trì liên tục; giá trị sản xuất tiếp tục tăng qua từng năm; nhiều mô hình liên kết sản xuất và mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp được hình thành và nhân rộng..., đã góp phần tăng thu nhập người dân; tạo nền tảng vững chắc cho quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Xác định nông nghiệp là bệ đỡ của ngành kinh tế của tỉnh với 02 mặt hàng chủ lực là lúa và cá; thời gian qua, tỉnh An Giang có một số chính sách đặc thù thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn đã được xây dựng và bắt đầu áp dụng, các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất sẽ tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp phát triển mạnh trong năm 2016 và giai đoạn tiếp theo. Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang cũng đã ban hành Nghị quyết về việc quy định mức chi hỗ trợ đối với chính sách khuyến khích phát triển, hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh An Giang.

Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - xã hội 05 năm 2016 – 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang cũng đã khẳng định “chú trọng thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Thủ tướng Chính phủ và của tỉnh về khuyến khích phát triển hợp tác gắn với tiêu thụ nông sản và xây dựng cánh đồng lớn”. Chủ động xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm; tập trung đầu tư hoàn chỉnh hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng, xem đây là khâu đột phá phục vụ cơ giới hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27/6/2012 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó tập trung ứng dụng, nhân rộng các mô hình tiên tiến vào sản xuất....

Tại hội nghị giao ban lần này, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang cũng đã nêu một số vấn đề cần quan tâm trong thúc đẩy liên kết vùng. Đồng thời kiến nghị Trung ương một số nội dung như sau:

Thứ nhất, nhằm giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm và giảm thời gian vận chuyển hàng hóa nông, thủy sản từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đến cảng xuất khẩu, Trung ương cần ưu tiên đầu tư tập trung hoàn thành cảng Quang chính bố; đầu tư các cầu vượt sông Tiền, sông Hậu với tốc độ nhanh và cần ưu tiên về vốn.

Thứ hai, sớm thành lập Ban Chỉ đạo Tái cơ cấu nông nghiệp toàn vùng đồng bằng Sông cửu Long để nâng cao chất lượng liên kết vùng trong việc quy hoạch diện tích sản xuất cây, con phù hợp; xây dựng đội ngũ cán bộ am hiểu trong ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao cho hợp tác xã và người nông dân. Cần quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp theo vùng, theo quy mô liên kết vùng trên cơ sở gắn với cung - cầu thị trường, nhất là công tác dự báo thị trường phù hợp với tình hình thực tế.

Thứ ba, có giải pháp xử lý nghiêm vi phạm về quy hoạch, kế hoạch cũng như tổ chức thực hiện các công việc liên kết của vùng khi được thống nhất. Đồng thời có chính sách ưu đãi, hỗ trợ thỏa đáng đối với các tổ chức, cá nhân tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị theo quy định của nhà nước.

Thứ tư, Trung ương cần có giải pháp đầu tư nhanh các công trình trọng điểm có tác động đến vùng đồng bằng sông Cửu Long theo hướng đầu tư 100% vốn./.
                           
NGUYỄN HÙNG
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37131684