Truy cập hiện tại

Đang có 93 khách và không thành viên đang online

Nhìn lại nhiệm kỳ của Obama đối với khu vực Đông Nam Á (tiếp theo)

* Quan hệ Philippines-Mỹ

Tổng thống Philippines Benigno Aquino nhậm chức vào năm 2010, khi nhiệm kỳ đầu tiên của chính quyền Obama đang tiến hành chính sách tái cân bằng châu Á nhằm tìm kiếm mối quan hệ gần gũi và công bằng hơn với các đồng minh và đối tác an ninh tại khu vực. Đó là mối quan hệ nồng ấm thể hiện trong Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Manila và Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN tại California năm 2015, hai nhà lãnh đạo đã hình thành một liên kết chặt chẽ.

Theo đó, Mỹ được tiếp cận một số căn cứ quân sự của Philippines và Philippines nhận được sự gia tăng đáng kể hỗ trợ quân sự từ Mỹ.

Vào cuối nhiệm kỳ của Aquino hồi tháng 6/2015, có tới 81% người dân Philippines bày tỏ sự tin tưởng đối với Mỹ trong khi chỉ có 9% nói ngược lại. Di sản của Tổng thống Obama và chính sách tái cân bằng của Mỹ đối với Philippines có vẻ như rất tươi sáng.

Tuy nhiên, 4 tháng sau khi ông Aquino rời nhiệm sở, đồng minh lâu đời và phụ thuộc phần lớn an ninh vào Mỹ tại Đông Á lại trở thành vấn đề lớn nhất của Mỹ.

Tổng thống Obama đã chọn cách không nói chuyện với Tổng thống Philippines mới là ông Rodrigo Duterte, hủy cuộc gặp đầu tiên đã được lên kế hoạch bên lề Hội nghị thượng đỉnh ASEAN hồi tháng 7. Cũng không chắc rằng cuộc gặp giữa hai bên có được lên kế hoạch tại Hội nghị thượng đỉnh APEC vào tháng 12 tới hay không.

Những tuyên bố của Chính phủ Mỹ bày tỏ quan ngại về cuộc chiến chống ma túy của ông Duterte đã khiến cho nhiều ngôn từ thóa mạ được đưa ra nhằm đả kích Mỹ và Tổng thống Obama.

Chính sách đối ngoại và an ninh độc lập của chính quyền Tổng thống Duterte được xác định như là sự chia tách khỏi Mỹ và thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc và Nga đã khiến Philippines từ chỗ là quốc gia ủng hộ chính sách tái cân bằng châu Á của Mỹ sang chỉ trích, phỉ báng. Hiệp định hợp tác quốc phòng tăng cường (ECDA) giữa hai nước ký kết năm 2014 cho phép lực lượng Mỹ quyền tiếp cận một số căn cứ chiến lược tại Philippines. Tổng thống Duterte đã công khai tuyên bố cân nhắc hủy bỏ thỏa thuận này. Nếu quả thực việc này xảy ra thì đó sẽ là một đòn giáng từ một đồng minh chủ chốt ở Đông Nam Á vào chính sách tái cân bằng của Mỹ mà bà Clinton ra sức bảo vệ khi giữ vị trí ngoại trưởng.

Tổng thống tiếp theo của Mỹ sẽ phải đối phó với sự phỉ báng của ông Duterte và khả năng thể hiện chúng thành chính sách hoặc phải xác định lại chính sách của Mỹ theo cách mà cách ứng xử của Philippines không gây ảnh hưởng đến mục đích của Mỹ tại Đông Nam Á. Điều đầu tiên có vẻ có khả năng hơn.

Di sản của Tổng thống Obama tại Philippines có thể biến mất trước khi ông rời Phòng Bầu dục.

* Quan hệ Mỹ-Thái Lan

Kể từ sau cuộc đảo chính năm 2014 tại Thái Lan, mối quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng. Thực tế, chính quyền sắp tới tại Washington sẽ có cơ hội phát triển mối quan hệ với Thái Lan vốn đã tồn tại nhiều năm một cách vững chắc hơn.

Mặc dù Thái Lan được coi như một đồng minh ngoài NATO của Mỹ vào năm 2003 nhưng mối quan hệ giữa hai nước đã trở nên nhàm chán và không có mục đích trong thời gian Tổng thống Obama nắm quyền vào năm 2009. Hai năm sau đó, khi Chính quyền Obama bắt đầu chính sách “xoay trục” sang châu Á, Thái Lan cũng chấp nhận một vị trí ngoài cuộc.

Cùng thời gian này, Thái Lan vẫn là nước có tòa Đại sứ Mỹ lớn nhất trên thế giới và tiếp tục tổ chức các cuộc tập trận chung với Mỹ mang tên Hổ mang vàng. Và mối quan hệ thương mại với Mỹ vẫn là quan trọng nhất đối với Thái Lan bên ngoài châu Á. Nhưng Thái Lan không tham gia đàm phán TPP, một định hướng kinh tế trong chính sách “xoay trục” của Tổng thống Obama.

Sau cuộc đảo chính năm 2014, quan hệ giữa hai nước còn trở nên tồi tệ hơn. Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ trích lãnh đạo quân sự của Hội đồng hòa bình và trật tự quốc gia Thái Lan (NCPO). Nếu như Washington cắt giảm viện trợ quân sự cho Bangkok, thì cũng chỉ là hành động mang tính tượng trưng. Trong khi đó, Bắc Kinh tỏ ý sẵn sàng xoa dịu chính quyền quân sự, đồng thời theo đuổi các cơ hội kinh tế với Thái Lan.

Tuy nhiên, các quan chức trong Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ xác định phải tiếp tục bảo vệ mối quan hệ Mỹ-Thái Lan. Do vậy, Mỹ tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận Hổ mang vàng hàng năm mặc dù quy mô giảm và giới hạn trong phạm vi các hoạt động hỗ trợ nhân đạo.

Từ tháng 10/2015, sau 11 tháng gián đoạn, Washington lại cử Đại sứ Glyn Davies, một người rất có tài ngoại giao tới Bangkok. Ba tháng sau đó, hai nước đã tổ chức một cuộc đối thoại chiến lược. Hai bên cũng tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực không liên quan đến an ninh cứng, bao gồm cả sự nóng lên toàn cầu và sức khỏe cộng đồng.

Vào tháng 2/2016, Tổng thống Obama đã tiếp đón lãnh đạo quân đội Thái Lan, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN ở California. Và Bangkok đã nhiều lần bày tỏ sự quan tâm được tham gia TPP.

Ngay cả dưới sự cầm quyền của chính quyền quân sự thì Thái Lan cho thấy muốn tìm cách cân bằng lợi ích giữa Washington và Bắc Kinh. Thái Lan có thể nỗ lực để tham gia TPP.

* Quan hệ Mỹ-Việt Nam:

Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Việt Nam vào tháng 5/2016 được xem như là thành công vang dội và đưa đến một chương mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Dưới chính quyền Obama, hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện vào năm 2013. Trong lĩnh vực kinh tế, kim ngạch thương mại song phương tăng gấp 4 lần từ mức 11,7 tỷ USD trong năm 2007 lên 41,2 tỷ USD trong năm 2015. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong khi đó, đầu tư tích lũy của Mỹ vào Việt Nam cũng tăng đáng kể, từ mức 3,5 tỷ USD năm 2007 lên 11,3 tỷ USD trong năm 2015.

Quan hệ kinh tế song phương được kỳ vọng sẽ tăng hơn nữa khi TPP chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, bất kể số phận của TPP như thế nào và kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ra sao thì động lực cho mối quan hệ Việt-Mỹ có thể được duy trì dù tốc độ có thể chậm hơn.

Vì lý do chính trị, kinh tế và chiến lược, Mỹ cần tiếp tục có mối quan hệ vững mạnh và ổn định với Việt Nam, đặc biệt trong tình hình mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh truyền thống tại Đông Nam Á như Philippines và Thái Lan đang xấu đi.

Tất nhiên, phép thử đầu tiên đối với chính quyền mới trong cam kết trở lại châu Á sẽ phải là thông qua TPP. Tuy nhiên, nếu TPP thất bại, vẫn còn nhiều biện pháp khác cho tổng thống mới của Mỹ thúc đẩy mối quan hệ với Việt Nam.

Câu hỏi không phải là “Ai sẽ trở thành Tổng thống Mỹ?” mà là “Ai sẽ có thể và mong muốn bảo vệ lợi ích của Mỹ tại khu vực?”

* Quan hệ ASEAN-Mỹ:

Quan hệ ASEAN-Mỹ đã có bước tiến đáng kể dưới thời chính quyền Tổng thống Obama, khẳng định khái niệm tái cân bằng Đông Nam Á trong chiến lược tái cân bằng châu Á của Mỹ. Nhân tố ASEAN có tính chất quan trọng trong chiến lược của Mỹ với vai trò là trụ cột trong chính sách “xoay trục” châu Á của Mỹ.

Không giống như việc quay trở lại châu Á trước đó vốn diễn ra thất thường, chính sách “xoay trục” châu Á của Obama bao gồm nhiều hướng, cả vấn đề địa lý với sự nhấn mạnh vào Đông Nam Á và sự chấp nhận nồng nhiệt hơn đối với chủ nghĩa đa phương.

Quan trọng hơn, Tổng thống Obama đã cho thấy cam kết cá nhân của mình để làm sâu sắc hơn sự hiện diện của Mỹ tại Đông Nam Á bởi các khoản đầu tư đáng kể trong quan hệ hợp tác song phương, tiểu khu vực và đa phương thông qua các thể chế do ASEAN dẫn dắt.

Điều này là động lực mạnh mẽ cho sự tham gia của Mỹ tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), giúp cho EAS có sự thay đổi mang tính chất độc quyền và bù đắp cho sự nổi trội ảnh hưởng của Trung Quốc tại Hội nghị này. Dưới thời chính quyền Obama, Mỹ đã tham gia TAC, EAS, ADMM+ và thể chế hóa Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Mỹ.

Mỹ là đối tác đối thoại đầu tiên thiết lập Đại sứ thường trực tại ASEAN và nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược.

Tổng thống Obama cũng có các chuyến thăm tới khu vực nhiều hơn gấp đôi so với bất kỳ tổng thống Mỹ nào trước đó. Ông tham gia tất cả các hội nghị EAS, ngoại trừ năm 2013. Ông cũng khởi xướng Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Mỹ trên đất Mỹ tại Sunnylands vào tháng 2/2016.

Chính sách tái cân bằng của Mỹ gặp phải trục trặc do quỹ đạo đi xuống trong mối quan hệ song phương giữa Mỹ với các đồng minh ASEAN như Philippines, Thái Lan một phần do quan điểm của Mỹ về dân chủ và nhân quyền. Philippines, chủ tịch ASEAN vào năm 2017 và hiện nay dường như đang “xoay trục” sang Trung Quốc, sẽ là một câu đố chiến lược thách thức Mỹ.

Điều này đòi hỏi một tổng thống mới cần có tầm nhìn về những lợi ích dài hạn của Mỹ tại Đông Nam Á cũng như thừa nhận sự phức tạp và đa dạng của khu vực này, để đảm bảo rằng cam kết mạnh mẽ của Mỹ với ASEAN sẽ không bị bỏ rơi mà được duy trì mạnh mẽ trong tương lai theo hướng có lợi cho cả Mỹ lẫn ASEAN./.

Nguyên Khang (Tổng hợp)


Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36573995