Truy cập hiện tại

Đang có 141 khách và không thành viên đang online

Sinh hoạt tư tưởng

Phải chăng họ muốn đi ngược lại các nguyên tắc đã cam kết?

Năm 2013, Tuyên bố chung giữa Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (CHXHCN)Việt Nam và Tổng thống Mỹ có đoạn viết: "Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh các nguyên tắc trong quan hệ Ðối tác toàn diện Hoa Kỳ - Việt Nam, trong đó có tôn trọng Hiến chương Liên hiệp quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau". Song, căn cứ vào một số sự kiện diễn ra thời gian gần đây, thì dường như một bộ phận trong chính giới Mỹ đang muốn đi ngược lại các nguyên tắc đã cam kết?

Ngày 16-5, một bản tin trên RFA cho biết: Trong ba ngày từ 15 đến 17-5 tại Singapore, Ðài châu Á tự do (RFA) kết hợp tổ chức khủng bố "Việt tân" và tổ chức "hiến chương 19" (Article 19) đã tiến hành khóa huấn luyện về một công cụ truyền thông mới; đồng thời tổ chức cho người tham gia gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với các tổ chức nhân quyền. Tham dự huấn luyện có hơn 30 người đến từ Việt Nam và các tổ chức quốc tế. Ðáng chú ý là các cá nhân trực tiếp đứng ra huấn luyện gồm: giám đốc Ban tiếng Việt RFA, giám đốc chương trình của SBTN, chuyên viên kỹ thuật của tổ chức khủng bố "Việt tân", đặc trách châu Á của Article 19, đặc trách châu Á của Tổ chức phóng viên không biên giới (RSF) - đây là các tổ chức, cá nhân vốn có thái độ thù địch, hoặc rất thiếu thiện chí với Việt Nam, thường xuyên vu cáo, xuyên tạc, bịa đặt về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Sự kiện này cho thấy RFA, SBTN, RSF,... đã không chỉ ngang nhiên thách thức dư luận, mà còn công khai bắt tay với tổ chức khủng bố "Việt tân" tổ chức các hoạt động chống phá Việt Nam. Người ta không thể không đặt câu hỏi: với tiền thân là "đài phát thanh tuyên truyền của chính phủ Mỹ" và hiện nay "được tài trợ bởi một quỹ hàng năm của liên bang do Hội đồng quản trị phát thanh điều hành", liệu những người ở RFA có dám "tự tung, tự tác" đi ra ngoài phạm vi yêu cầu của nơi tài trợ cho họ hoạt động?

Nhìn trên diện rộng và trong tính quá trình, việc tổ chức huấn luyện của RFA là không đơn lẻ, đó là sự nối dài chuỗi các hoạt động mà một bộ phận trong chính giới Mỹ, cùng một số tổ chức, cá nhân có thái độ thù địch, thiếu thiện chí với Việt Nam đã tiến hành trong dịp cuối tháng 4-2015 và đầu tháng 5-2015, trong đó nổi lên là cố gắng biến một số người viết blog đã lợi dụng internet để hoạt động vi phạm pháp luật thành "nhà báo", từ đó vu cáo Việt Nam. Sơ bộ liệt kê: cuối tháng 4-2015, đề cập tới Việt Nam, Phúc trình năm 2015 của Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế Mỹ (USCIRF) đưa ra các đánh giá xuyên tạc quan điểm, chính sách của Nhà nước Việt Nam về tự do tôn giáo và khuyến cáo Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách "các nước đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo" (CPC); nhân Ngày tự do báo chí thế giới, ngày 1-5 tại Nhà trắng, Tổng thống B.Obama tiếp ba nhà báo đến từ ba nước được gọi là "vi phạm tự do báo chí", trong đó có một người Việt Nam từng phải nhận bản án 12 năm tù vì vi phạm pháp luật; cũng dịp này, Bộ Ngoại giao Mỹ mở chiến dịch đòi "trả tự do cho báo chí" và trong Thông cáo ngày 5-5, Bộ trưởng Ngoại giao J.Kerry đã kêu gọi "trả tự do ngay lập tức cho các phóng viên bị cầm tù" trong đó có Tạ Phong Tần - người viết blog đang thi hành án với tội danh "Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam"; ngày 30-4, dân biểu C.Smith (C.Xmít) thay mặt các dân biểu bảo trợ trình Tiểu ban nhân quyền (Ủy ban Ðối ngoại - Hạ viện Mỹ) cái gọi là "dự luật nhân quyền Việt Nam" (HR. 2140), và ngày 14-5, Tiểu ban nhân quyền đã thông qua "dự luật", tiếp tục trình Ủy ban Ðối ngoại. Ðáng nói là dù đã năm lần đề xuất và không được thông qua ở cấp cao hơn, nhưng các dân biểu bảo trợ HR. 2140 vẫn không từ bỏ ý định. Thậm chí, qua cái gọi là HR. 2140, họ còn đưa ra một số đòi hỏi vô lý và phản nhân quyền, như: coi nhân quyền là một điều kiện để Mỹ bán thiết bị quân sự cho Việt Nam; chương trình trao đổi giáo dục, văn hóa giữa Mỹ với Việt Nam cần thúc đẩy tự do, dân chủ; Việt Nam cần được coi là một nước phải đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo...

Về nhân quyền ở Việt Nam, trả lời phỏng vấn VOA nhân 40 năm kết thúc chiến tranh, cựu Ðại sứ P.Peterson (P.Pi-tơ-xôn) đã khẳng định: "Tôi cho điểm Việt Nam khá cao trong những thay đổi về nhân quyền và quyền tự do tôn giáo trong những năm qua. Tôi theo dõi rất chặt chẽ và nhận thấy những cải thiện lớn trong hai lĩnh vực này ở Việt Nam. Tôi nghĩ cần phải cho điểm Việt Nam vì các bước đi đó". Dù coi "nhân quyền vẫn còn là trở ngại cho quan hệ Việt Nam đối với Mỹ", thì cựu đại sứ P.Peterson cũng thừa nhận: "không mấy nước đạt được 100 điểm tuyệt đối. Sự hoàn thiện về nhân quyền là điều mong muốn nhưng không hẳn là mục tiêu. Cam kết về "nhân quyền hoàn thiện" là điều không thể, khó nước nào làm được". Ý kiến của ông P.Peterson cho thấy sự hoàn thiện về nhân quyền luôn là cái đích để các quốc gia phấn đấu đạt tới chứ không phải là thực tế hiển nhiên để quốc gia nào cũng có thể tự coi là hình mẫu để soi chiếu, áp đặt lên quốc gia khác. Ngay ở Mỹ cũng vậy, khó có thể coi đây là hình mẫu "hoàn thiện nhân quyền" khi hằng ngày ở nước này vẫn xuất hiện các tin như: "Một số cơ sở kinh doanh của người Mỹ gốc Việt ở thành phố Baltimore (Ban-ti-mo), thuộc tiểu bang Maryland (Ma-ri-len) của Hoa Kỳ, đã bị ảnh hưởng vì tình trạng bạo loạn. Tuần trước, thành phố này đã bị chìm trong hỗn loạn sau tang lễ của Freddie Gray (P.Grây). Người thanh niên 25 tuổi này đã thiệt mạng hồi tháng trước trong lúc bị cảnh sát câu lưu" (nguoi-viet, 5-5), "San Jose Mercury News cho hay, trong năm ngoái, các số liệu cho thấy cảnh sát San Jose thường chặn xe lại, lục soát, rồi còng tay hoặc bắt giữ những người da mầu và Latino với một tỷ lệ cao hơn bất cứ sắc dân nào trong thành phố" (nguoi-viet, 12-5)...

Nếu suy nghĩ chín chắn, người trong chính giới Mỹ không thể phát ngôn tự thị, kỳ quặc như bà Janet Nguyễn (thành viên Thượng viện bang Ca-li-pho-li-a) khi trả lời phỏng vấn RFA ngày 14-5 nói: "Nước Mỹ là nước tự do dân chủ nên mình phải buộc Việt Nam phải có tự do dân chủ, nếu không thì không nhận được những cái tốt đẹp từ nước Mỹ", và không cần biết thực hư ra sao chỉ cần xem mấy bức ảnh là bà đã vội vàng la lối "công an đánh dân"! Nếu quan tâm tới nhân quyền, một số dân biểu Mỹ vốn luôn lớn tiếng lên án Việt Nam nên suy nghĩ, hành động sao cho mọi người dân Mỹ được hưởng nhân quyền, để các thanh niên như F.Gray không bị cảnh sát bắn chết, để cơ sở kinh doanh của người gốc Việt không bị cướp phá, để người da mầu hay người Latin không bị kỳ thị, để tội hiếp dâm trong quân đội được xét xử công bằng... Ðáng tiếc họ không làm như vậy, mục đích của họ được dân biểu A.Lowenthal (A.lô-oen-than) nói rõ trong bài trên VOA ngày 14-5: "Một trong các lý do mà tôi có mặt tại Quốc hội, đó là tranh đấu cho quyền lợi của cộng đồng mà tôi đại diện và cho nhân quyền", vậy, thử hỏi nhân quyền ở Việt Nam liên quan gì tới "quyền lợi" của cộng đồng mà dân biểu A.Lowenthal là đại diện? Hơn nữa, tại sao tới Việt Nam, các dân biểu như A.Lowenthal không tìm hiểu nhân quyền qua bất kỳ người nào trong 90 triệu công dân mà chỉ nhắm vào mấy người như Thích Quảng Ðộ, Nguyễn Tiến Trung, Nguyễn Văn Lý,... cùng một số tổ chức không được Nhà nước công nhận, không tìm hiểu cặn kẽ để biết những người họ o bế, đỡ đầu là ai, hoạt động như thế nào? Riêng mấy người được họ o bế, đỡ đầu thì ý kiến của một "nhà dân chủ" công bố trên facebook gần đây đã nói lên tất cả: "Lực lượng đấu tranh trong nước được sự hỗ trợ tài chính từ những tổ chức, đảng phái ở hải ngoại nên chịu sự "lãnh đạo" thành văn hoặc bất thành văn của họ". Liệu các dân biểu như A.Lowenthal có biết cộng đồng họ đại diện đang một mặt hỗ trợ tài chính cho các hoạt động phá hoại Việt Nam, một mặt dùng lá phiếu để buộc các vị o bế, đỡ đầu, bảo vệ mấy kẻ đã vi phạm luật pháp Việt Nam? Về điều này, chính Nguyễn Ðình Thắng - kẻ chống cộng ở Mỹ gần đây đã nói huỵch toẹt qua bài Cộng đồng Việt có thể làm lệch cán cân rằng: "Trong vận động chính sách quốc gia Hoa Kỳ, vốn liếng quý nhất của chúng ta là tư thế cử tri của chính mình"!

Ðáng tiếc là các sự kiện trên diễn ra trong bối cảnh sau 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đã có những bước phát triển tốt đẹp, mong muốn: "mở ra một giai đoạn mới cho quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và những lợi ích chung" như Tuyên bố chung giữa lãnh đạo hai nước công bố nhân chuyến thăm Mỹ vào năm 2013 của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam. Về các sự kiện đáng tiếc này, một blogger coi là không ngẫu nhiên vì diễn ra liên tiếp đúng thời điểm "Việt Nam rầm rộ tổ chức các hoạt động kỷ niệm 40 năm giải phóng miền nam, thống nhất đất nước"? Ý kiến khác cho rằng sự xăng xái đến bất thường của một số dân biểu Mỹ vừa qua là chiều theo ý muốn cử tri nhằm kiếm phiếu bầu trong mùa bầu cử sắp tới? Dẫu xác suất hai giả thuyết đến đâu thì cũng là điều không thể chấp nhận trong bối cảnh các chuẩn mực văn minh đang trở thành nguyên tắc chi phối ứng xử giữa các quốc gia trong thế giới hiện đại. Ðó cũng là điều mà trong cuộc họp báo ngày 19-5 tại TP Hồ Chí Minh nhân chuyến thăm Việt Nam, ông Antony J.Blinken (An-tô-ni G.Blin-ken) - Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, đã nói: "Các cựu thù trong chiến tranh với nhau vẫn có thể trở thành bạn bè. Chúng ta không những chỉ có hòa bình mà còn xây dựng được quan hệ đối tác". Chẳng lẽ một bộ phận trong chính giới Mỹ lại không hướng tới điều này? Chẳng lẽ vì quyền lợi ích kỷ của mình, họ không ngần ngại "đầu cơ chính trị" trên uy tín, danh dự của một quốc gia có chủ quyền?
Theo: Nhân Dân
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36724351