Truy cập hiện tại

Đang có 57 khách và không thành viên đang online

Đồng chí Châu Văn Liêm (1902-1930): Nhà giáo cách mạng, chiến sĩ cộng sản kiên cường

(TGAG)- Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Đà Nẵng. Đến năm 1884, triều Nguyễn ký Hiệp ước Patenôtre (Pa-tơ-nốt), thực dân Pháp chính thức đô hộ nước ta. Chúng độc quyền về kinh tế, chuyên chế về chính trị, nô dịch về văn hóa, nhằm khai thác “thuộc địa” làm giàu cho “chính quốc”. Sau chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918), thực dân Pháp tăng cường khai thác thuộc địa với quy mô lớn hơn, để bóc lột sức người, sức của bù đắp thiệt hại của chúng trong chiến tranh.

Dưới ách thống trị tàn bạo, bóc lột nặng nề của thực dân Pháp và tay sai, hàng loạt phong trào đấu tranh chống thực dân nổ ra với nhiều hình thức khác nhau. Từ các phong trào yêu nước xuất hiện nhiều cá nhân tiến bộ. Trong đó có đồng chí Châu Văn Liêm, một thầy giáo trẻ được thanh niên và trí thức đương thời tín nhiệm.

Châu Văn Liêm còn có tên là Việt, sinh ngày 29-6-1902, tại Rạch Tra, làng Thới Thạnh, quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ (nay là xã Thới Thạnh, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ), trong một gia đình Nho học, có truyền thống yêu nước. Ngay từ nhỏ, Châu Văn Liêm có tư chất thông minh, rất siêng học, được ông nội và cha dạy chữ Nho, rồi học nghề hốt thuốc Bắc. Năm lên 10 tuổi, Châu Văn Liêm bắt đầu học chữ quốc ngữ. Nhà nghèo, học giỏi nên được cấp học bổng lên Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh) học trường sư phạm, được tiếp xúc với sách báo tiến bộ và những người yêu nước, tham gia phong trào đấu tranh của sinh viên chống lại luật lệ thi cử bất công của Nha Học chính Pháp.

Thầy Châu Văn Liêm - Nhà giáo cách mạng.

 
Năm 1924, học xong, Châu Văn Liêm làm thầy giáo ở Trường nữ Long Xuyên. Thầy Châu Văn Liêm dạy học theo cách riêng: ngoài việc dạy chữ, còn giáo dục lòng yêu nước và tư tưởng cách mạng; tuyên truyền tư tưởng tự do, dân chủ, tinh thần độc lập dân tộc. Thầy đấu tranh phản đối thái độ vô trách nhiệm của các thầy giáo, Đốc học người Pháp đối với học sinh; phê phán lối giảng dạy “nhồi sọ”; chống lại những luật lệ thi cử bất công. Ngoài ra, Thầy còn làm thơ đả kích các hủ tục và lên án bọn quan lại khiến chúng rất tức tối…

Những hoạt động của Thầy Châu Văn Liêm làm cho bọn cầm quyền bực tức, bất an. Nhằm đề phòng, hạn chế ảnh hưởng của Thầy trong giới học sinh, giáo chức ở Long Xuyên, chính quyền thực dân đưa Thầy về dạy tại trường Sơ học Chợ Thủ (nay thuộc xã Long Điền A, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), xem như một hình thức kỷ luật đối với giáo viên mà chúng nhận xét là có “đầu óc chống Pháp”.

Nhưng thực dân Pháp không thể ngờ, chúng đã tạo điều kiện cho Thầy Châu Văn Liêm gần gũi với người dân lao động, hiểu sâu sắc hơn nổi thống khổ của người dân xứ thuộc địa, về với “cái nôi cách mạng” - Chợ Mới - nơi dân cư đông đúc, dân trí mở mang, kinh tế phát triển và cũng là nơi tập trung nhiều mâu thuẫn: ở vùng trung tâm là mâu thuẫn giữa các chủ xưởng với thợ thủ công; ở nông thôn là mâu thuẫn giữa tá điền với chủ đất và trên hết là mâu thuẫn giữa nhân dân lao động với thực dân và tay sai, trực tiếp là bọn hương chức, hội tề… giúp cho những hạt giống cách mạng đầu tiên gieo trên mảnh đất này đã nhanh chóng nảy mầm và lan tỏa khắp nơi.

Với lòng nhiệt huyết, lý tưởng cách mạng giải phóng dân tộc, xác định ở đâu cũng là đồng bào mình, học trò là con em lao động nghèo, cần được dạy dỗ nên Thầy Châu Văn Liêm đã mau chóng gắn bó với người dân địa phương, giảng dạy, giáo huấn cho lớp trẻ nung nấu nhiệt huyết yêu nước, biết tự hào “Tổ tiên mình là giống tiên rồng” nên “Dân Việt Nam phải biết yêu Tổ quốc Việt Nam”. Trong lớp học, Thầy kể chuyện về những anh hùng dân tộc, nhân vật yêu nước như Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu… và cả vua Hàm Nghi, Duy Tân; kể về nước Ấn Độ có thánh Ganhdi lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống ách thống trị của đế quốc Anh… Thầy còn cho học trò chép những bài thơ lấy từ quyển “Đạo Nam Kinh” (nội dung bên trong là tác phẩm Đường Kách mệnh của Nguyễn Ái Quốc) và “Hải ngoại huyết thư” của cụ Phan Bội Châu làm các bài học thuộc lòng. Thầy dạy giỏi, có tư cách, sống mẫu mực nên được dân địa phương rất yêu mến, ai cũng gọi là “Thầy Nhứt Liêm”, “Thầy vỡ lòng cho người dân hai chữ yêu nước” để bày tỏ sự thân tình, lòng quý trọng. Học trò thì nhớ mãi hình ảnh của Người Thầy trẻ trung, thường mặc áo dài trắng, quần trắng, đầu đội nón casque, chân đi đôi giày bắc, nước da trắng, mắt sáng, gương mặt xương xương, nụ cười rất đôn hậu.

Trong quá trình dạy học, thầy Châu Văn Liêm càng tích cực tham gia các hoạt động cách mạng. Những năm 1925-1926, Long Xuyên, Châu Đốc chịu ảnh hưởng của phong trào dân chủ đang sôi sục dâng lên khắp các tỉnh Nam Kỳ. Nhiều giáo viên, học sinh và người dân tham gia tích cực các phong trào đòi thả Nguyễn An Ninh, đòi ân xá Phan Bội Châu, để tang Phan Chu Trinh… Ngày 24-3-1926, thầy Châu Văn Liêm được giáo viên, trí thức trong vùng cử đi Sài Gòn dự lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh. Sau đó, về Chợ Mới, thầy cùng bạn bè tại đây tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh tại nhà ông Đoàn Thanh Thủy ở Cột dây thép (Long Điền - Chợ Mới), kêu gọi mọi người yêu nước hãy tập hợp lại cùng đấu tranh chống áp bức. Đây là cuộc tập hợp lực lượng đầu tiên có tổ chức với quy mô lớn của người dân Chợ Mới. Số người đến dự quá đông phải dời địa điểm tới sân đá banh Mỹ Luông. Sự tham dự đông đảo của quần chúng nói lên tài tổ chức, thuyết phục, tập hợp lực lượng của thầy Châu Văn Liêm trong điều kiện mật thám và làng lính luôn rình rập khắp nơi.

Lúc bấy giờ, một nhóm yêu nước được hình thành bao gồm thầy Châu Văn Liêm và các học sinh trường trung học Cần Thơ, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Cưng, Trần Văn Thạnh “bị đuổi học vì tham gia bãi khóa”. Tháng 9 năm 1926, tại Ô môn (Cần Thơ), nhóm cùng với một số giáo viên, học sinh, nhà nho, thầy thuốc lập ra tổ chức “Việt Nam phục quốc Đảng” nhằm tập hợp những người yêu nước vùng Hậu Giang.

Năm 1927, tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên cử đồng chí Nguyễn Ngọc Ba về tỉnh Long Xuyên tuyên truyền đường lối cách mạng, phát triển tổ chức. Cuối năm 1927, đồng chí Nguyễn Ngọc Ba đã kết nạp Châu Văn Liêm và Ung Văn Khiêm vào tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

Giữa năm 1928, giới giáo chức, học sinh, trí thức lấy danh nghĩa của Hội Tương trợ giáo chức đấu tranh buộc nhà cầm quyền phải đưa thầy Châu Văn Liêm về dạy ở tỉnh lỵ Long Xuyên. Địch nhượng bộ nhưng rồi sau đó lại tìm cách đổi Thầy về Sa Đéc. Tại Sa Đéc, Thầy cùng một số đồng chí lập ra trường tư thục “Sa Đéc học đường”. Qua hai khóa học, “Sa Đéc học đường” đã đào tạo, bồi dưỡng được nhiều học trò giỏi, có lòng yêu nước, thương dân, có ý thức với thời cuộc. Nhiều người sau này đã tham gia cách mạng giải phóng dân tộc. “Sa Đéc học đường” còn là điểm hẹn giữa các tổ chức hội trong và ngoài tỉnh, là nơi liên lạc của các nhà cách mạng lúc đó. Ngoài việc mở trường tư thục, thời gian này, thầy Châu Văn Liêm còn về quê nhà Ô Môn bí mật mở các lớp huấn luyện cho thanh niên ở các làng Thới Thuận, Phong Hòa, Thới An, Thới Thạnh, Thới Lai…

Những hoạt động của thầy Châu Văn Liêm đã góp phần cỗ vũ tinh thần yêu nước, truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin, khai sáng nhận thức cho người dân, hướng học trò, thanh niên yêu nước đến những ước mơ, lý tưởng cao đẹp và trách nhiệm với Tổ quốc, giúp cho họ có đủ sức mạnh tinh thần, có lý luận dẫn đường đấu tranh chống kẻ thù hung bạo. Thầy Châu Văn Liêm là một nhà giáo yêu nước, nhà giáo cách mạng.

Đồng chí Châu Văn Liêm – Chiến sĩ cộng sản kiên cường.

Bắt gặp chủ nghĩa Mác – Lênin, tìm ra con đường cứu nước mới cho dân tộc, Bác Hồ đã truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Tháng 6-1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Bác Hồ thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tổ chức nhiều lớp huấn luyện cán bộ để truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin về trong nước. Giữa năm 1927, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam Kỳ được thành lập và đưa cán bộ đi phát triển tổ chức ở các tỉnh.

Cuối năm 1927, đồng chí Nguyễn Ngọc Ba đã kết nạp Châu Văn Liêm và Ung Văn Khiêm vào tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Lễ kết nạp được tổ chức trang trọng tại nhà đồng chí Ung Văn Khiêm, xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới. Hai anh em kết nghĩa Liêm, Khiêm tuyên thệ: nguyện hoạt động hết sức mình, tuyên truyền giáo dục bà con tinh thần yêu nước, chống thực dân, từng bước xây dựng cơ sở để chờ thời cơ giải phóng dân tộc. Buổi lễ trịnh trọng kết thúc bằng hình thức “vặn cổ gà” thề sẽ suốt đời trung thành với Đảng, với lý tưởng cách mạng. Cũng trong năm này, Châu Văn Liêm kết nạp thêm hai hội viên mới là Bùi Trung Phẩm, Lâm Văn Cẩn và lập ra Chi hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đầu tiên ở Long Điền do Châu Văn Liêm làm Bí thư. Chi bộ tích cực vận động quần chúng, tổ chức các hội công khai như Hội thể thao Mỹ Luông – Long Điền, hội nhà giàng, hội cạo gió, ban cứu tế… thu hút đông đảo quần chúng tham gia, qua đó giáo dục, kết nạp những người tích cực vào Hội Thanh niên.

Tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ra đời đánh dấu bước ngoặt quan trọng trên con đường đấu tranh cách mạng của nhân dân Long Xuyên, Châu Đốc, sau hơn 60 năm chống đế quốc và tay sai, giờ đây mới có một tổ chức cách mạng có đường lối cứu nước và phương pháp đấu tranh phù hợp.

Tháng 02-1928, Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Long Xuyên được thành lập, Châu Văn Liêm được chỉ định làm Bí thư. Điểm liên lạc của Tỉnh bộ đặt tại tiệm may Mỹ Quang tỉnh lỵ Long Xuyên (nay là nhà số 14, đường Phạm Hồng Thái, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang). Các đồng chí trong Tỉnh bộ được phân công về địa bàn quen thuộc hoạt động để phát triển hội viên và tổ chức cơ sở hội. Đồng chí Châu Văn Liêm nhận nhiệm vụ đặc trách lớp huấn luyện chính trị tại tỉnh lỵ Long Xuyên, Lấp Vò, lấy cuốn “Đường kách mệnh” và Điều lệ Hội Thanh niên làm tài liệu chủ yếu. Vốn là nhà giáo cách mạng, đồng chí Châu Văn Liêm giảng chính trị rất hấp dẫn, đã truyền đạt lý luận đến người học, tạo được niềm tin đấu tranh giành độc lập dân tộc nhất định thắng lợi.

Tháng 2-1929, đồng chí Châu Văn Liêm được bổ sung vào Ban Thường vụ Kỳ bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Nam kỳ và được Kỳ bộ Nam Kỳ cử đi dự Đại hội Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Hương Cảng vào tháng 5-1929. Tại Đại hội, đã xảy ra bất đồng ý kiến xung quanh việc thành lập Đảng Cộng sản, Đoàn đại biểu Bắc kỳ bỏ về nước. Mặc dù thiếu Đoàn đại biểu Bắc kỳ, Đại hội vẫn tiếp tục hợp. Châu Văn Liêm là một trong các đại diện của hai Kỳ bộ được bầu vào Tổng bộ.

Tháng 11-1929, Châu Văn Liêm triệu tập cuộc họp các đại biểu Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên thành lập tổ chức An Nam Cộng sản Đảng tại Sài Gòn, do đồng chí làm Bí thư. Đây là một trong ba tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự ra đời của An Nam Cộng sản Đảng có ý nghĩa to lớn đối với mạng Việt Nam và đồng chí Châu Văn Liêm có vai trò rất quan trọng.

Năm 1929, nước ta có ba tổ chức Cộng sản: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Tuy nhiên, các tổ chức này hoạt động riêng lẻ, không tập hợp được sức mạnh, ảnh hưởng đến phong trào cách mạng cả nước. Năm 1930, Bác Hồ chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản thành một Đảng duy nhất. Đồng chí Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu được An Nam Cộng sản Đảng cử đi dự hội nghị hợp nhất. Ngày 03-02-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Sau hội nghị, các đại biểu được sự ủy quyền của Bác Hồ về nước tiến hành hợp nhất các tổ chức cộng sản và cử ra Ban chấp hành lâm thời, đồng chí Châu Văn Liêm đề nghị đồng chí Ngô Gia Tự làm Bí thư Xứ ủy, còn mình nhận nhiệm vụ trực tiếp phụ trách liên tỉnh Gia Định – Chợ Lớn. Đồng chí xây dựng hai tỉnh ủy và nhiều chi bộ tại các tổng, làng, phát động phong trào đấu tranh nông dân, kết hợp với phong trào công nhân và các tầng lớp xã hội khác ở nội thành.

Ở Nam kỳ lúc bấy giờ, khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng, nông sản mất giá thảm hại. Nông dân mắc nợ phải cầm hoặc bán rẻ đất cho địa chủ. Tá điền bị tô tức chồng chất không dứt nổi, đời sống cùng cực. Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo người dân đấu tranh mạnh mẽ.
 
Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Châu Văn Liêm, trên địa bàn liên tỉnh Gia Định - Chợ Lớn đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình, đấu tranh. Ngày 04-6-1930, đồng chí chỉ đạo các cuộc biểu tình của nông dân ở Bà Hom, Bến Lức (Chợ Lớn), Hốc Môn (Gia Định). Đặc biệt, trong ngày 04-6-1930, đồng chí trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh tại Đức Hòa. Từ sáng sớm, hàng nghìn quần chúng các làng Hựu Thanh, Mỹ Hạnh và các vùng xung quanh đã tập hợp hàng ngũ chỉnh tề tiến về quận lỵ. Đồng chí Châu Văn Liêm đi đầu, hô hào, kêu gọi đồng bào đòi giải phóng dân tộc, đưa yêu sách của nông dân đòi giảm sưu thuế… Lính của tỉnh và quận được điều tới, dàn hàng ngang, chĩa súng vào đoàn biểu tình. Sự hung hăng của kẻ thù không làm đoàn biểu tình nao núng vẫn kiên quyết tiến lên. Kẻ thù đã nổ súng bắn vào người dẫn đầu đoàn biểu tình. Đồng chí Châu Văn Liêm hy sinh ở tuổi 28 trong tư thế xông trận. Sự hy sinh của đồng chí Châu Văn Liêm đã để lại một nỗi đau lớn trong lòng nhân dân Nam Bộ, là một tổn thất lớn đối với Đảng và cách mạng Việt Nam.

Từ một nhà giáo yêu nước, nhà giáo cách mạng, rồi tham gia thành lập Đảng, trở thành một trong những đảng viên Đảng Cộng sản đầu tiên, giữ nhiều trọng trách to lớn trong buổi đầu xây dựng tổ chức Đảng, đồng chí Châu Văn Liêm thể hiện sự can đảm, không sợ hy sinh, hòa cùng phong trào đấu tranh của quần chúng để lãnh đạo quần chúng, đấu tranh trực diện với kẻ thù, để lại tấm gương sáng của người chiến sĩ cộng sản kiên cường cho muôn đời sau./.

P. Lý luận chính trị và Lịch sử Đảng
 
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37023045