Truy cập hiện tại

Đang có 237 khách và không thành viên đang online

Người con gái Nhơn Hưng kiên trung

(TGAG)- Trong một lần tìm hiểu viết bài về xã Nhơn Hưng anh hùng, cái nôi cách mạng của huyện biên giới Tịnh Biên, An Giang, tôi đã được các cán bộ hưu trí ở đây kể về tấm gương kiên cường của người con gái Nhơn Hưng Đỗ Thị Cam trước những đòn tra tấn dã man của kẻ thù nhưng vẫn giữ vững khí tiết. Và cũng chính bà là người cầm cờ cùng hai chiến sĩ nữa tiến vào tiếp quản Nhơn Hưng ngày 30-4-1975. Từ đó, trong lòng tôi có sự kính trọng kỳ lạ và luôn thôi thúc trở lại Nhơn Hưng để nghe bà Cam kể về cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.

 
Tôi đến tận nhà bà ở khóm Xuân Biên, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên. Căn nhà tình nghĩa cấp 4 khang trang. Trước mặt tôi là bà cụ tóc bạc phơ, dáng người thấp bé và ốm yếu, khuôn mặt sáng và nụ cười niềm nở. Bà đang vui khi nói về cuộc sống hiện tại, bên cạnh hai mẹ con đứa “cháu nội nuôi” hủ hỉ tuổi xế chiều.

Bà Cam sinh năm 1936 trong một gia đình có 8 anh chị em, nghèo khổ. Năm 1946, trong một trận càn của giặc, ba bà đã bị chúng bắn chết trên cánh đồng Nhơn Hưng. Khi chúng xem xét, biết ông chỉ là dân thường nên bỏ qua, không bắt bớ mấy mẹ con bà. Một cô bé mới hơn 10 tuổi, nhỏ nhắn, ngây thơ nhưng đã phải nung nấu việc trả thù cho ba. Thế rồi, nỗi đau ba mất chưa nguôi ngoai thì má của bà lại lâm trọng bệnh, cũng mất sau đó một năm. Và từ đây, 8 anh chị em đùm bọc nhau sống qua ngày. Mấy anh chị lớn thì đi làm mướn kiếm tiền, còn hai, ba chị em nhỏ tuổi thì đi giữ bò ngoài đồng. Tuổi thơ của anh chị em bà nào có được cắp sách đến trường, một chữ bẻ đôi bà cũng không biết. Gần 10 năm làm thuê làm mướn, ở đợ ở Bình Phước, bà tích lũy được số vốn kha khá, trở về quê học may để mở tiệm may. Tại đây, chú Chín Lễ đã tuyên truyền, giáo dục và bà đã giác ngộ đi theo cách mạng để trả thù cho ba. Nhiệm vụ lúc đầu chỉ thăm dò nắm thông tin, tình hình địch rồi báo lại, dần dần bà được giao nhiệm vụ phát truyền đơn tại chợ Nhà Bàng và khu vực lân cận. Đến năm 1961, bà được kết nạp vào Đoàn Thanh niên và trở thành cơ sở của cách mạng trong lòng địch. Bà nắm tình hình, truyền đơn, vận động quần chúng, thanh niên, phụ nữ để nuôi giấu và giúp đỡ cách mạng. Ngày 26-1-1962, bà được chi bộ xã Nhơn Hưng kết nạp Đảng trên Núi Dài. Bà còn nhớ rõ buổi kết nạp Đảng hôm đó chỉ có ba người, đồng chí Huỳnh Kim Cát là Bí thư, đồng chí Phạm Văn Hùng là người giới thiệu, bà đã tuyên thệ trước cờ Đảng...

Tháng 4-1962, cơ sở bị lộ và bà bị địch bắt cùng hai đồng chí khác. Chúng đánh và tra tấn dã man, bà vẫn không khai. Chúng lấy khăn nhúng nước buộc ngang mũi bà không cho thở, bóp miệng và chế nước vào, vừa ngộp thở, vừa uống nước, bà xỉu, chúng xốc nước cho tỉnh lại đánh tiếp. Cứ thế, chúng chuyển bà từ Nhà tù Châu Đốc xuống Long Xuyên, đưa lên Thủ Đức, hành hạ bà gần 2 năm trời, bà vẫn không khai nhận, đưa ra Tòa án Quân sự, không kết án được, chúng mới chịu tha cho bà vào tháng 1-1964. Về địa phương nghỉ ngơi một thời gian, cũng để tránh sự theo dõi của địch, bà bắt liên lạc lại với tổ chức và tiếp tục hoạt động. Ngày 28-4-1964, bà được phân công ở lại hoạt động trong lòng địch, với lời dặn dò của đồng chí bí thư: “Chui vào thao túng bung ra”, nghĩa là bám trong lòng dân hoạt động để lan tỏa phong trào đấu tranh. Ngày 11-9-1966, trong lúc bà đang trong hầm bí mật ở ấp Đông Hưng, xã Nhơn Hưng thì được thông báo phải dời địa điểm sang đất bạn Cam-pu-chia vì địch sắp tổ chức cuộc càn lớn. Lúc này cũng là đỉnh điểm của mùa nước lũ, đơn vị phải di dời bằng xuồng ba lá, ba đồng chí vào một xuồng, chở theo tài liệu, lương thực, vũ khí… Xuồng của bà đi trước để dọn đường, vừa qua cánh đồng Nhơn Hưng, sắp tới Bà Bài để sang Cam-pu-chia thì bị địch phục kích, bắn đạn tới tấp. Xuồng chìm, hai đồng chí cùng đi với bà bị thương và bị nước cuốn trôi, bà may mắn bơi vào một bụi tre, lấy lục bình phủ lên đầu, chỉ chừa mũi ra thở. Những chiếc xuồng đi phía sau nghe tiếng súng biết bị lộ nên tản ra tìm nơi an toàn ẩn nấp. Bọn địch vẫn điên cuồng nã súng, sau đó săn lùng, tìm bắt những người bị thương. Chúng lùng sục xung quanh, không chừa bụi rậm, bè chắp hay dề lục bình nào và bà đã bị chúng bắt. Chúng nắm tóc bà quấn vào cây sào, rồi cắm xuống đất, bà ngộp nước mà trồi lên không được, giãy giụa đến gần kiệt sức, chúng kéo lên cho thở rồi lại nhấn xuống. Chưa dừng lại ở đó, chúng buộc tóc bà vào sợi dây luộc, cuốn vào vai bà rồi buộc sợi dây vào đuôi chiếc ca-nô, chúng chạy ca-nô kéo bà trên dòng kênh Vĩnh Tế hơn 2km mới đưa bà lên bờ. Bà tiếp tục bị chúng đọa đày trong những nhà tù từ Long Xuyên xuống Cần Thơ và chuyển qua Quy Nhơn, ròng rã gần 7 năm nhưng không khai thác được gì.

Hiệp định Pa-ri được ký kết, bà Tám Cam được phía địch trao trả. Một thời gian khi thấy trong người đã khỏe, bà xin đơn vị được về địa phương tiếp tục chiến đấu cùng đồng đội đến ngày giải phóng và cũng chính bà là người cầm cờ vào tiếp quản xã Nhơn Hưng, giải giáp vũ khí của chế độ cũ... Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, bà Tám Cam được tổ chức phân công ở nhiều đơn vị công tác ở huyện và tỉnh, nhưng trên cương vị nào, bà cũng luôn giữ vững phẩm chất của người đảng viên cộng sản. Khi đã về hưu, bà vẫn miệt mài hoạt động trong Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Người tù kháng chiến…

Với những vết thương còn hằn trên cơ thể bà bởi những lần tra tấn dã man của giặc trong những năm tù đày, nó vẫn âm ĩ, nhức nhối mỗi khi trời trở lạnh. Tôi thật sự không tin nổi, một bà cụ gầy gò, ốm yếu cao chừng 1,5m đang ngồi trước mặt tôi lại có một ý chí kiên cường, một sự chịu đựng ghê gớm như thế. Tôi cúi đầu kính phục và biết ơn người con gái kiên cường của vùng đất Nhơn Hưng anh hùng. Và tôi cũng tự hỏi rằng, cuộc đời hoạt động cách mạng của bà Đỗ Thị Cam bất khuất như thế, sao tới giờ vẫn chưa được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân?

Bà Đỗ Thị Cam

Sinh năm 1936, tại xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, An Giang. Tham gia cách mạng từ năm 1958, kết nạp Đoàn thanh niên năm 1961. Năm 1962 kết nạp Đảng và chuyển Đảng chính thức ngày 28/4/1964. Trong quá trình hoạt động cách mạng, bà được Đảng - Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý:

-       Huân chương kháng chiến hạng nhất.

-       Huân chương quyết thắng hạng nhất.

-       Huy chương giải phóng hạng nhất.

-       Kỷ niệm chương chiến sĩ bị địch bắt, tù đày.

-       Huy hiệu 55 năm tuổi đảng và nhiều huy chương cao quý khác.



TRẦN SANG
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37028816