Truy cập hiện tại

Đang có 66 khách và không thành viên đang online

Công tác Lịch sử Đảng

"Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" - sức sống thực tiễn của chủ nghĩa Mác

(TGAG)- Đúng vào ngày này, cách đây 170 năm, ngày 24 tháng 2 năm 1848, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản – một văn kiện mang tính cương lĩnh, có giá trị lịch sử và tràn đầy sức sống thực tiễn của chủ nghĩa Mác, một tác phẩm lý luận bất hủ do C.Mác và Ph.Ăngghen soạn thảo theo sự ủy nhiệm của Liên đoàn những người cộng sản – một tổ chức công nhân quốc tế - đã, lần đầu tiên, được xuất bản tại Luân Đôn (thủ đô nước Anh). Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản trãi qua 170 năm đã và đang được thực tế chứng minh sự tin đoán có cơ sở khoa học vững chắc của Mác về xu hướng vận động của thế giới.

Tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (02/1848) là một trong những di sản lý luận chủ yếu của chủ nghĩa xã hội khoa học, đồng thời là bản cương lĩnh chính trị đầu tiên của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Lần đầu tiên trong tác phẩm, C.Mác và Ph.Ăngghen đã hệ thống hóa những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác một cách cô đọng nhất, thể hiện rõ ràng và đầy đủ nhất thế giới quan duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, đưa ra các phân tích và khẳng định sự tất yếu diệt vong của chủ nghĩa tư bản và sự thắng lợi tất yếu của chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi thế giới, về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, lý luận về đảng... Tuyên ngôn thể hiện rõ mối quan hệ hữu cơ giữa ba bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác là triết học mácxít, kinh tế chính trị học mácxít và chủ nghĩa xã hội khoa học.

Trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại 170 năm qua, kể từ lần xuất bản đầu tiên đến nay, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” đã được thừa nhận không chỉ là tác phẩm lý luận bất hủ, một đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tạo của C.Mác và Ph.Ăngghen, nó còn là một văn kiện mang tính cương lĩnh, có giá trị lịch sử và tràn đầy sức sống thực tiễn của chủ nghĩa Mác. Phân tích và luận giải những tư tưởng cơ bản, những nguyên lý nền tảng mà C.Mác và Ph.Ăngghen đã đưa ra, trong bài viết này, một lần nữa, tác giả khẳng định ý nghĩa đó của “Tuyên ngôn”. Và, bằng những thực tiễn sinh động trong phong trào cách mạng thế giới 160 năm qua, nhất là trong những thập niên gần đây, tác giả đã khẳng định, ánh sáng và tinh thần của những tư tưởng cơ bản, những nguyên lý nền tảng trong “Tuyên ngôn” vẫn sống mãi với thời gian.

Với bản chất cách mạng và khoa học trong học thuyết của mình, C.Mác và Ph.Ăngghen đã đưa ra những dự báo thiên tài vượt thời đại và mang ý nghĩa hiện thực sâu sắc, như: về vấn đề cách mạng công nghiệp, sự phát triển của đại công nghiệp, thị trường thế giới...

Lịch sử phát triển của nhân loại đã chứng minh tính đúng đắn của sự tin đoán có cơ sở khoa học như trên, thế giới đã trải qua và phát triển từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất và hiện nay chuyển sang cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0). Đặc trưng chủ yếu của cách mạng công nghiệp lần thứ nhất là sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất; cuộc cách mạng lần hai diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt, cuộc cách mạng lần ba sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất; cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay có sự kết hợp các công nghệ với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật và sinh học và sẽ diễn ra trên ba lĩnh vực chính, gồm: kỹ thuật số, vật lý và công nghệ sinh học.

Không đầy 25 năm sau khi Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản ra đời (1848), trong lời tựa viết cho bản tiếng Đức (1872), C.Mác và Ph. Ăngghen đã khẳng định “chính Tuyên ngôn cũng đã giải thích rằng bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, việc áp dụng những nguyên lý đó cũng phải tùy theo hoàn cảnh lịch sử đương thời, và do đấy, không nên quá câu nệ vào những biện pháp cách mạng nêu ra ở cuối chương II. Các ông lý giải lý do không sửa lại là vì: “Tuyên ngôn là một tài liệu lịch sử mà chúng tôi không có quyền sửa lại”. Qua việc nêu trên, càng chứng tỏ những nhà sáng lập Chủ nghĩa Mác đã rất tôn trọng lịch sử tư tưởng chính trị, không coi luận thuyết của mình là “đại thành bất biến” mà luôn đặt tư tưởng chính trị ở trạng thái sống động, biện chứng giữa lý luận và thực tiễn cách mạng.

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản có giá trị to lớn trong việc phát minh thế giới quan và phương pháp giải quyết các vấn đề nảy sinh của thực tiễn hiện nay, đặc biệt vào những năm 90 của thế kỷ XX, sau khi Liên Xô và Đông Âu tan rã, một số người cho rằng, lịch sử phải chăng kết thúc ở CNTB, tột đỉnh của văn minh loài người. Một số lập luận khác cho rằng, CNTB đã thay đổi về chất với các hình thức mới như: “Chủ nghĩa tư bản nhân dân”, “Chủ nghĩa tư bản tự điều chỉnh”, “Xã hội hậu công nghiệp”, “Chủ nghĩa tư bản của người lao động”. Song trên thực tế, CNTB vẫn không thay đổi bản chất và mâu thuẫn cơ bản của nó gắn với chế độ chiếm hữu tư nhân TBCN về tư liệu sản xuất vẫn tồn tại. Điều này đã được khẳng định trong Tuyên ngôn. Một số trào lưu phê phán chủ nghĩa Mác và CNXH mới xuất hiện.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta tất yếu phải đi theo con đường cách mạng vô sản, “Không có con đường nào khác”. Nhờ sự lựa chọn đúng đắn đó, cách mạng Việt Nam đã liên tiếp giành được những thắng lợi to lớn. Điều đó là sự khẳng định giá trị thời đại của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã và sẽ tiếp tục được vận dụng sáng tạo vào cách mạng Việt Nam.

Nhìn lại hơn 30 năm đổi mới với những thành tựu, hạn chế và khuyết điểm, Đảng ta đã rút ra một số bài học có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thiện mô hình CNXH ở Việt Nam, trong đó bài học đầu tiên là: “Trong quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam”. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với việc nhận thức và làm sáng tỏ sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng nền dân chủ XHCN với nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân; tất cả vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh”...

Dưới ánh sáng và tinh thần của Tuyên ngôn 170 năm qua, giờ đây, chúng ta đã có được cả cơ sở lý luận lẫn thực tiễn để khẳng định rằng, lịch sử nhân loại, phong trào cách mạng thế giới đang phải trải qua những bước quanh co, song cuối cùng, nhân loại nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội, vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử. Chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, từ những bài học thành công và thất bại trong các chặng đường lịch sử tồn tại và phát triển của nó, cũng như từ khát vọng và sự thức tỉnh của nhân dân các dân tộc yêu chuộng hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, tất có điều kiện và khả năng tạo ra bước phát triển mới.

Hòa Bình (tổng hợp)

_____________
Nguồn: BTGTW
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37126672