Truy cập hiện tại

Đang có 332 khách và không thành viên đang online

Công tác Lịch sử Đảng

Một số vấn đề cần lưu ý khi tái bản Lịch sử Đảng bộ

(TGAG)- Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng đóng vai trò quan trọng trong việc làm rõ các chặng đường lịch sử dưới sự lãnh đạo của Đảng nhằm nêu lên những thành tựu nổi bật, giúp tổng kết thực tiễn, đúc rút những bài học kinh nghiệm quý giá cho thế hệ kế thừa; đồng thời góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, giúp thế hệ trẻ gạn đục khơi trong, ra sức học tập, công tác để xứng đáng với những cống hiến to lớn của cha ông.

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng đó, 11/11 huyện, thị, thành đã hoàn thành việc xuất bản các ấn phẩm lịch sử. Thời gian qua, các địa phương đã tái bản lịch sử đảng bộ như: Lịch sử Đảng bộ thành phố Long Xuyên, huyện Châu Thành, huyện Chợ Mới, huyện Phú Tân, huyện Tịnh Biên. Các huyện, thị còn lại đang chuẩn bị tái bản lịch sử địa phương và 5 xã được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang của huyện Tịnh Biên đang tích cực chuẩn bị bổ sung để tái bản và xem đó là công trình chào mừng Đại hội Đảng các cấp sắp tới.

Việc bổ sung và tái bản lịch sử đảng bộ cần dựa trên cơ sở sách lịch sử đã xuất bản. Việc sưu tầm, nghiên cứu và lưu trữ tư liệu rất cần thiết được duy trì ngay cả khi cuốn lịch sử đã được xuất bản. Để đảm bảo công tác tái bản đạt yêu cầu về chất lượng, các địa phương, cơ sở cần lưu ý một số vấn đề sau:

Một là, xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể. Kế hoạch xây dựng trên cơ sở xác định thời gian và kinh phí thực hiện (kể cả kinh phí xuất bản).

Hai là, công tác tổ chức và phân công cán bộ. Xây dựng và kiện toàn Ban Chỉ đạo, Ban Biên tập (hoặc hợp đồng với người có trình độ chuyên môn lịch sử, có hiểu biết về địa phương và viết lách tốt), tổ biên soạn (hoặc hợp đồng khoán kinh phí với người có năng lực thực hiện), tổ sưu tầm tài liệu. Tùy theo điều kiện địa phương phân công số thành viên phù hợp với từng bộ phận. Địa phương phân công cán bộ phụ trách, đôn đốc theo dõi xuyên suốt tiến độ thực hiện công trình để đảm bảo đúng thời gian đặt ra.

Ba là, khai thác và xử lý tư liệu. Ban Biên tập nhất thiết phải nắm được nội dung cuốn lịch sử đã được xuất bản, những vấn đề nhân chứng góp ý để liệt kê chi tiết những vấn đề cần khai thác làm rõ thêm những sự kiện lịch sử đã xảy ra; những trận đánh, các phong trào đấu tranh chính trị, lòng dân đối với cách mạng, tổ chức chi bộ Đảng... chú ý ghi nhận địa danh, con người, sự mưu trí trong chiến đấu... để tái hiện bức tranh lịch sử ở xã này khác với xã khác, tránh tình trạng chung chung, gắn với địa phương nào cũng được!

Địa phương cần lưu ý đối với việc bổ sung giai đoạn từ sau năm 2000 đến nay, tránh trường hợp sao chép y Văn kiện Đại hội. Có thể gom chung thành tựu là 10, 20 năm (phân kỳ thời gian tùy theo đặc điểm từng địa phương vì viết theo nhiệm kỳ đại hội sẽ trùng lắp, lặp đi lặp lại, nhất là mảng văn hóa - xã hội). Cần khai thác thêm những nét đặc thù, đột phá của địa phương như phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, phong trào xã hội hóa giáo dục, nhựa hóa nông thôn, xây dựng nông thôn mới... để làm nổi bật một cách đúng mức bức tranh chân thực, sinh động, phong phú mang dấu ấn của đảng bộ địa phương trong việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng với tất cả sự sáng tạo của phong trào quần chúng.

Khai thác tư liệu bao gồm tài liệu thành văn, hồi ký các nhân chứng lịch sử. Ngoài ra, còn nhiều nguồn tư liệu khác như báo chí, gia phả, hay các công trình nghiên cứu đã công bố. Nếu cần thiết có thể sử dụng các công văn, điện báo của địch để lại để tra cứu số liệu, thời gian để so sánh, đối chiếu.

Xử lý tư liệu cần phải nghiên cứu, xác minh, so sánh, đánh giá cẩn thận, nghiêm túc các nguồn sử liệu.

Công tác lưu trữ tư liệu có vai trò quan trọng trong việc biên soạn lịch sử. Rất tiếc, do chiến tranh và từ sau giải phóng đến nay do nhiều nguyên nhân công tác này không được quan tâm. Thậm chí có một số địa phương chỉ còn giữ được bản thảo Văn kiện Đại hội gần nhất! 
Bốn là, tọa đàm bổ sung, xác minh tư liệu. Bản thảo phải được gửi trước cho nhân chứng lịch sử góp ý, bổ sung. Tọa đàm tái bản cần nêu lên những vấn đề cần khai thác, sự kiện cần bổ sung hoặc còn những ý kiến khác nhau để đưa ra xin ý kiến tập thể trong cuộc tọa đàm (tránh trường hợp kể lể như đi khai thác). Nếu có tư liệu mới, Ban Biên tập thống nhất thay đổi bố cục, tựa sách, mốc giai đoạn.

Cuối cùng là thẩm định và xuất bản. Bản thảo hoàn chỉnh gửi đến Ban Tuyên giáo cấp huyện để xin ý kiến trước vì địa phương am tường “từ gốc đến ngọn” các sự kiện lịch sử. Sau đó, gửi bản thảo cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thẩm định nhằm đảm bảo tính khách quan, khoa học và thống nhất với lịch sử đảng bộ của tỉnh. Nếu đạt yêu cầu, phòng Lịch sử Đảng (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) sẽ hướng dẫn các thủ tục  xuất bản.

Công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cần được quan tâm sau khi in ấn xong. Lịch sử đảng bộ địa phương được xem là một tài liệu tuyên truyền, học tập giúp hiểu biết thêm về vùng đất mình đang sống và từ đó nâng cao lòng tự hào về địa phương. Lịch sử đảng bộ còn là một vũ khí sắc bén bồi dưỡng lòng yêu nước, tự hào dân tộc giúp thế hệ trẻ thừa nhận và vận dụng những bài học kinh nghiệm một cách sáng tạo trong lao động, học tập và công tác.

Phát hành cần xác định đối tượng là cán bộ, đảng viên địa phương, nhân chứng lịch sử, học sinh... Có thể tổ chức cuộc thi tìm hiểu lịch sử đảng bộ địa phương hoặc phát trên Đài Truyền thanh giúp cho nhân dân hiểu biết về lịch sử xã nhà.

Trên đây là các bước gợi ý về thực hiện công tác tái bản lịch sử đảng bộ. Mong các địa phương quan tâm thực hiện để trong thời gian tới hứa hẹn sẽ có nhiều ấn phẩm tái bản đạt chất lượng và mang tính giáo dục cao hơn./.

Nguyễn Thị Kim Huê
Trưởng phòng Lịch sử Đảng
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36711304