Truy cập hiện tại

Đang có 42 khách và không thành viên đang online

Công tác Lịch sử Đảng

Nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng bộ giai đoạn 1930 - 1931

(TGAG)- Giai đoạn 1929 - 1933, kinh tế thế giới khủng hoảng, nước Pháp điêu đứng. Thực dân Pháp trút gánh nặng lên đầu các nước thuộc địa, người dân Việt Nam đã đói khổ càng đói khổ hơn. Lúc bấy giờ, mặc dù vừa mới ra đời, Đảng ta đã phát động phong trào cách mạng rộng lớn, diễn ra đồng loạt khắp ba miền Bắc, Trung, Nam, đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tỉnh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp công nhân, nông dân kề vai sát cánh cùng với các tầng lớp khác đấu tranh chống thực dân Pháp và tay sai. Giữa lúc phong trào cách mạng dâng cao, thực dân Pháp và tay sai tiến hành khủng bố trắng hòng dập tắt phong trào cách mạng Việt Nam và tiêu diệt Đảng Cộng sản.

Nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ giai đoạn 1930 - 1931, chúng ta cần thể hiện được các nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, trình bày sự bóc lột về kinh tế, đàn áp về chính trị trong những năm 1930 - 1931 của thực dân Pháp và sự tác động của nó đến kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của địa phương. Trong đó, cần so sánh với giai đoạn trước năm 1930 để thấy rõ sự gia tăng áp bức, bóc lột của thực dân nhằm bù đắp tổn thất do khủng hoảng kinh tế thế giới gây ra.

Thứ hai, trình bày quá trình Đảng bộ địa phương tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng. Trong phần này, cần đề cập đến ba nội dung chính:

- Nội dung thứ nhất: trình bày khái quát chủ trương, đường lối của Đảng trong những năm 1930 - 1931. Trong đó cần thể hiện các nội dung chủ yếu như: năm 1930, Trung ương Đảng phát động cao trào đấu tranh toàn quốc đòi các quyền dân sinh, dân chủ, bắt đầu từ ngày 01/5/1930 (Ngày Quốc tế Lao động), thể hiện tinh thần đoàn kết với nhân dân lao động quốc tế. Tháng 10/1930, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp lần thứ nhất và thông qua Luận cương Chính trị: tên Đảng, xác định tính chất, nhiệm vụ, giai cấp lãnh đạo, lực lượng, quan hệ giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới. Ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị về vấn đề thành lập Hội phản đế Đồng Minh. Ngày 25/01/1931, Trung ương Đảng ra Thông cáo về việc đế quốc Pháp buộc dân cày ra “đầu thú”, phân tích rõ những âm mưu hiểm độc của địch và chỉ ra những biện pháp cụ thể để lãnh đạo quần chúng đấu tranh...

- Nội dung thứ hai: trình bày khái quát chủ trương của Đảng bộ An Giang trong việc thực hiện chủ trương Đảng. Cần thể hiện các sự kiện chủ yếu sau: cuối tháng 4/1930, đồng chí Phạm Hữu Lầu thay mặt Xứ ủy Nam kỳ về triển khai kế hoạch cho Đặc ủy Hậu Giang với những mục tiêu thiết thực như: hoãn đóng thuế thân, chống địa chủ, quan làng ức hiếp; đòi giảm tô, tức... Đặc ủy trực tiếp lãnh đạo phong trào đấu tranh ở Chợ Mới và Cao Lãnh, từ đó rút kinh nghiệm phát triển ra khắp miền Tây Nam kỳ... Đồng thời, nêu một số cuộc đấu tranh tiêu biểu của tỉnh như: ngày 01/5/1930, hơn 700 nông dân thuộc tổng Phong Thạnh Thượng kéo đến nhà địa chủ Cai tổng Cần. Ngày 03/5/1930, hơn 4.000 đồng bào Cao Lãnh biểu tình kéo đến quận lỵ đòi địch giải quyết yêu sách. Sáng ngày 9/5/1930, gần 7.000 quần chúng khắp các xã trong quận Chợ Mới tập trung tại khu vực Chợ Thủ và Doi Lửa tuần hành về quận lỵ Chợ Mới. Ngày 28/5/1930, hàng ngàn đồng bào các xã trong quận Chợ Mới kéo về tập trung ở khu vực cột dây thép, chợ Thủ, bến đò Doi Lửa. Tháng 6/1930, hàng ngàn quần chúng ở các xã Long Kiến, Kiến An, Long Điền, Mỹ Luông... tổ chức nhiều cuộc lễ truy điệu tưởng niệm những đảng viên, những quần chúng đã hy sinh... Tháng 7/1931, sau khi Đặc ủy Hậu Giang bị phá vỡ, Đặc ủy Long - Châu - Rạch - Hà được hình thành. Mục tiêu là liên lạc, móc nối, xây dựng lại tổ chức, lãnh đạo phong trào cách mạng ở các tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc, Rạch Giá, Hà Tiên, Sa Đéc...

- Nội dung thứ ba: trình bày cụ thể chủ trương của Đảng bộ địa phương trong việc cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Đảng bộ cấp trên vào tình hình thực tế; cần làm rõ, chi tiết quá trình chi, đảng bộ lãnh đạo quần chúng địa phương đấu tranh: thời gian, địa điểm, họ và tên người lãnh đạo, số lượng người tham gia, hình thức, yêu sách; thái độ, biện pháp của địch và tay sai; kết quả phong trào. Việc phát triển của các tổ chức Đảng. Cuộc khủng bố trắng ảnh hưởng đến các phong trào cách mạng địa phương thư thế nào: số lượng đảng viên, quần chúng hy sinh, bị bắt, chuyển địa bàn hoạt động (nêu rõ tên, chức vụ), tình hình tổ chức cơ sở Đảng, tư tưởng của đảng viên ra sao; quá trình củng cố lực lượng và chống khủng bố trắng để duy trì phong trào...; nhận xét, so sánh phong trào cách mạng trước và sau khi có Đảng (hình thức, phương pháp, nội dung, quy mô, lực lượng, tinh thần cách mạng...). Nêu ý nghĩa và bài học kinh nghiệm từ phong trào cách mạng 1930 - 1931. Khẳng định cao trào cách mạng 1930 - 1931 là cuộc tổng diễn tập lần thứ nhất của Đảng ta và quần chúng cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thắng lợi.

Để nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ giai đoạn 1930 - 1931, chúng ta phải tham khảo nhiều nguồn tài liệu. Trong đó, cần tham khảo những ấn phẩm lịch sử tiêu biểu như: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam - tập 1 (1930 - 1945) (Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương), Văn kiện Đảng toàn tập - tập 2 và tập 3 (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2001), Hồ Chí Minh toàn tập - tập 3 (1930 - 1945) (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2000)...; các ấn phẩm lịch sử địa phương: Địa chí An Giang (Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, 2013), Lịch sử Đảng bộ tỉnh An Giang - tập 1 (1927 - 1954) (Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang, 2007), Truyền thống công tác Tuyên giáo tỉnh An Giang (1930 - 2005) (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang, 2005)...; lịch sử Đảng bộ cấp trên trực tiếp và lịch sử đảng bộ các địa phương lân cận.

P.LLCT&LSĐ


Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37015492