Truy cập hiện tại

Đang có 46 khách và không thành viên đang online

Công tác Lịch sử Đảng

Lịch sử là khoa học, không ai được xuyên tạc!

(TGAG)- Trãi qua mấy nghìn năm lịch sử dựng nước cũng là từng ấy thời gian dân tộc Việt Nam phải chống giặc giữ nước. Một lịch sử quá đậm nét sử thi từ thời Hùng Vương đến một “Điện Biên Phủ chấn động địa cầu” và cuối cùng là một “Chiến dịch Hồ Chí Minh” giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vùng lên từ đống tro tàn đổ nát, trưởng thành và vững vàng cho đến ngày nay. Người Việt Nam sẽ còn nhắc mãi và không bao giờ quên niềm tự hào cả một dân tộc “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.


Lợi dụng sự phát triển của hệ thống truyền thông như internet, báo chí tiếng Việt ở hải ngoại, họ thường xuyên tung ra các luận điệu sai trái để “bắn” vào lịch sử dân tộc, nhất là những sự kiện, những thắng lợi của cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ sử dụng nhiều luận điệu, lời lẽ khác nhau, kẻ thì “lập lờ đánh lận con đen”, lươn lẹo, tinh vi; kẻ thì hằn học, trắng trợn, bỉ ổi; lại có cả những người nêu vấn đề một cách nhẹ nhàng, tưởng như mang tính xây dựng “nên xem xét lại” sự kiện này, sự kiện kia, nhưng ẩn sau đó mưu đồ hết sức thâm hiểm. Tựu trung, mục đích không có gì khác là làm lung lạc nhận thức, tư tưởng, hạ thấp ý nghĩa lịch sử, gây nghi ngờ, chia rẽ trong nhân dân, tiến tới phủ định sạch trơn những thành quả cách mạng mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã giành được và phải trả giá bằng máu thịt của mình.

Thắng lợi vĩ đại của cách mạng Tháng Tám, có kẻ đã xuyên tạc trắng trợn sự thật và cho rằng “Cách mạng Tháng Tám chỉ là hành động nhanh tay cướp lấy chính quyền khi bộ máy chính quyền cũ đã bỏ trống”. Thực tế có phải vậy không? Họ quên hay cố tình lờ đi Lời kêu gọi của Ủy ban Quân sự Bắc kỳ ngày 01-7-1945, đã nêu vắn tắt tình hình lúc đó: “Tiếng súng du kích kháng Nhật đang nổ kịch liệt. Phong trào du kích đang lan tràn ra các tỉnh thượng du và trung du Bắc kỳ. Quân du kích của ta đã làm chủ nhiều nơi, (…). Các tầng lớp nhân dân, các dân tộc bị áp bức ở Đông Dương kề vai sát cánh đánh đuổi thù chung”[1]. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính quyền cách mạng được thành lập ở hầu hết các địa phương; nhân dân trực tiếp cử những người có uy tín, năng lực lãnh đạo cách mạng tham gia Ủy ban kháng chiến. Từ ngày 16 đến 17-8-1945, Quốc dân Đại hội ra Nghị quyết hiệu triệu nhân dân toàn quốc, các đoàn thể, tổ chức, lực lượng đoàn kết phấn đấu thi hành mười điều của cách mạng. Trong đó, Điều 1 của Nghị quyết xác định: giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập. Nghị quyết còn nhấn mạnh: “Không phải Nhật bại là nước ta tự nhiên được độc lập. Nhiều sự gay go trở ngại sẽ xảy ra. Chúng ta phải khôn khéo và kiên quyết. Khôn khéo để tránh những sự không có lợi cho ta. Kiên quyết để giành cho được nền hoàn toàn độc lập”[2]. Cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh lâu dài, đầy hy sinh, gian khổ của nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, nghệ thuật tổ chức, xây dựng lực lượng, tạo và chớp thời cơ cách mạng tài tình của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự kiện đó còn khiến Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến phải ngỡ ngàng thốt lên rằng: “Thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước thuộc địa”. Đó là sự thật lịch sử. Vậy mà theo cách nói của những kẻ chống đối thì những sự kiện trên như thể tự nhiên mà có, hiển nhiên “từ trên trời rơi xuống”, còn Đảng ta thì không hề có vai trò gì. Đó là luận điệu xuyên tạc trắng trợn, lố bịch!

Chúng ta là người Việt Nam chân chính. Chúng ta phải nói một cách dứt khoát rằng, đây lại là một luận điệu xuyên tạc lịch sử với ý đồ bôi nhọ, chà đạp trắng trợn lên thành quả cách mạng mà toàn dân tộc phải đánh đổi bằng biết bao xương máu để đổi lại độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân. Động chạm tới lịch sử là động chạm tới những vấn đề rất nhạy cảm về chính trị, những vấn đề của tình cảm nhân văn mang đặc trưng bản sắc Việt Nam, bản sắc của một dân tộc tuy không phải hiếu chiến, nhưng không bao giờ được buông lơi cây súng, ngay cả khi đất nước đã hòa bình./.

Hòa Bình

_____________
[1] Văn kiện Quân sự của Đảng (từ 1930 đến tháng 8-1945), Nxb QĐND, H. 1969, Tr. 297
[2] ĐCSVN, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H. 2000, Tập 4, Tr. 526

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37036751