Truy cập hiện tại

Đang có 116 khách và không thành viên đang online

Công tác Lịch sử Đảng

Trận phục kích Lê Trì

(TGAG)- Xã Lê Trì thuộc huyện Tri Tôn nằm cặp lộ đất từ xã Ba Chúc đi núi Cấm. Phía Bắc giáp xã Lạc Quới, phía Đông giáp núi Cấm, phía Nam giáp núi Dài, phía Tây giáp xã Ba Chúc (nay là thị trấn Ba Chúc). Địa hình nơi đây được bao bọc bởi núi Cấm, núi Dài, núi Tượng tạo thành một vòng cung từ hướng Đông qua hướng Nam và Tây Nam nên việc đi lại thuận lợi cho ta có thể bí mật tiếp cận vây đồn hoặc phục kích đánh địch.

Cuối năm 1963, địch xây dựng các đồn: Tam Bửu, Phi Lai, Chợ cũ, Chợ mới, Phổ Đà (Ba Chúc). Mỗi đồn bố trí một trung đội nghĩa quân, quân số từ 15 - 20 tên. Ở Lê Trì, địch xây dựng ấp chiến lược Wath Lân để gom dân vào ấp theo dõi, khống chế, hàng đêm huy động từ 20 - 30 dân vệ canh gác.

Nhằm đối phó với âm mưu của địch, Ban chỉ huy Tỉnh đội giao đồng chí Võ Khắc Sương, Nguyễn Văn Hơn trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 364 và các đơn vị trực thuộc tỉnh tổ chức trận đánh “vây đồn, đả viện” nhằm uy hiếp, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, củng cố vùng giải phóng núi Dài.

Tiểu đoàn 364 gồm 3 đại đội: đại đội BB1 do đồng chí Tư Hận làm đại đội trưởng, đồng chí Tám Chương làm chính trị viên, đồng chí Út Dũng làm đại đội phó; đại đội BB2 do đồng chí Huỳnh Văn Điều (Ba Thành) làm đại đội trưởng, đồng chí Hai Voi làm chính trị viên; đại đội hỏa lực do đồng chí Năm Hùng làm đại đội trưởng, đồng chí Tư Quốc làm đại đội phó. Trường Quân Chính tỉnh do đồng chí Hà Minh Khá, Ba Tiến, Sáu Liêm chỉ huy.

Đêm 16/9/1964, hai đại đội bộ binh của tiểu đoàn cùng đại đội hỏa lực, học viên trường quân chính tỉnh và du kích xã Ba Chúc, Lê Trì chia làm 2 mũi chiếm lĩnh trận địa.

Mũi thứ nhất gồm 1 trung đội của đại đội bộ binh 1 và 2 tiểu đội du kích xã Ba Chúc, Lê Trì đào công sự bao vây đồn Phổ Đà, Phi Lai, Tam Bửu.

Mũi thứ hai gồm các đơn vị còn lại đào công sự cặp theo lộ núi Tượng đi Lạc Quới để đánh địch từ Vĩnh Thông, Lạc Quới vào tiếp viện.

6 giờ ngày 17/9/1964, mũi vây đồn nổ súng vào các đồn địch. Địch dựa vào lô cốt, chiến hào bắn trả lại quyết liệt. Quân ta bám công sự bắn tỉa từng tên, không cho ra khỏi đồn. Khoảng 10 giờ, khoảng 40 tên từ Lạc Quới theo trục lộ vào chi viện cho các đồn ở Ba Chúc. Khi qua khỏi cầu sắt Vĩnh Thông bị lực lượng phục kích của ta nổ súng diệt một số tên. Số còn lại tháo chạy về Lạc Quới gọi pháo bắn vào trận địa phục kích của ta. Từ đó đến chiều chúng không đưa quân vào tiếp viện nữa.

Ban chỉ huy tiểu đoàn nhận định: địch không dám đi đường Lạc Quới vào tiếp viện nữa mà có thể đi từ hướng Ba Xoài vào Lê Trì rồi đánh qua Ba Chúc và quyết định chuyển toàn bộ lực lượng phục kích qua hướng Lê Trì.

19 giờ ngày 17/9/1964, đại đội 1 triển khai ở phía Bắc ấp chiến lược Wath Lân, học viên Trường Quân Chính ở phía Đông; Đại đội 2 triển khai ở phía Nam lộ Ba Chúc - Lê Trì khu vực từ bến Bà Chi đến ô Tà Tung; Đại đội hỏa lực triển khai ở phía Tây Nam ấp chiến lược.

9 giờ ngày 18/9/1964, địch bắn pháo vào khu vực Nam ấp chiến lược và bến Bà Chi làm 4 nhà dân bị cháy, một số dân bị chết. Đúng như nhận định của Ban chỉ huy tiểu đoàn: 10 giờ, 5 đại đội bảo an hành quân từ núi Phú Cường theo hướng Đông Bắc vào Lê Trì. Đến suối Ô Chia cách ấp chiến lược Wath Lân 1.500m chúng chia thành 3 mũi: một mũi theo trục lộ đất tiến thẳng vào Lê Trì, 2 mũi đi ngoài đồng cách lộ đất về hướng Bắc đánh vào khu vực ấp chiến lược.

Mũi đi cặp mé lộ cách ấp chiến lược 70m bị học viên Trường Quân chính dùng hỏa lực và đạn nhọn bắn xối xả vào đội hình, diệt tại chỗ nhiều tên, số còn lại chạy lùi về phía sau bị đại đội 2 vận động đánh lướt sườn làm nhiều tên chết tại chỗ. Cùng lúc đó đại đội 1 ở hướng Đông Bắc ấp chiến lược vận động đánh thẳng vào đội hình địch bên sườn trái. Đồng thời cối 60 ly, ĐKZ, đại liên của đại đội hỏa lực bắn vào đội hình địch ở phía trước chính diện trận địa. Sau ít phút chiến đấu, quân địch chết la liệt trước trận địa, 40 tên địch bị bắt và ra hàng. Số còn lại chống trả yếu ớt và lùi về phía sau.

10 giờ 30 phút, pháo binh địch bắn dồn dập vào khu vực ấp chiến lược và đội hình của ta khiến một số thương vong. Đến 12 giờ địch củng cố đội hình và mở đợt tấn công mới. Tuy nhiên chúng chỉ nằm ngoài đồng xa bắn vào.

15 giờ, máy bay địch đến oanh tạc, đợt bom đầu ném vào đội hình của chúng, làm nhiều tên chết và bị thương. Sau đó, chúng điều chỉnh ném bom vào chùa và trong ấp. Sau mấy đợt bom, địch tiếp tục tấn công hòng lấy xác đồng bọn, nhưng không dám tiến vào mà chỉ ở xa bắn lung tung đến 18 giờ địch lui quân về Ba Chúc.

Qua hai ngày chiến đấu, Tiểu đoàn 364 đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 200 tên địch, bắt sống 20 tên (có tên thiếu úy Nguyễn Văn Tiếp đại đội phó đại đội 251 bảo an); giáo dục thả tại chỗ 20 lính; thu 70 súng, 5 máy thông tin. Tiêu diệt gọn đại đội 187 bảo an, đánh thiệt hại đại đội 251, đánh tiêu hao 3 đại đội bảo an khác.

Ta hy sinh 4 đồng chí và bị thương 8 đồng chí.

Chiến thắng Lê Trì đánh dấu bước trưởng thành mới của lực lượng vũ trang An Giang về trình độ chiến thuật, chỉ huy và tác chiến hiệp đồng. Chiến thắng góp phần thay đổi cán cân quân sự trên địa bàn Bảy Núi nói riêng và chiến trường An Giang nói riêng, tạo điều kiện cho Nhân dân trong vùng đứng lên đấu tranh với địch đòi trở về ruộng vườn làm ăn, góp phần đánh bại kế hoạch bình định gom dân kiểu mới của địch.

* Nguồn: Những trận đánh trong chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc của lực lượng vũ trang tỉnh An Giang, tập I, xuất bản 1991.

PHÒNG LỊCH SỬ ĐẢNG
TGAG
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37041037