Truy cập hiện tại

Đang có 80 khách và không thành viên đang online

Công tác Lịch sử Đảng

Đường giao liên công khai một chuyến đi giữa lòng dân

 
Lời BBT: Lòng dân là nơi ẩn náu, là vật che chắn cho các hoạt động cách mạng chống địch. Lòng dân có thể làm vô hiệu hóa những biện pháp kiểm soát của đối phương, dù nó được trang bị hiện đại đến bao nhiêu. Nhờ có sự che chắn của những người dân mà lực lượng cách mạng có thể tồn tại ngay ở nội ô, có thể đi lại ngang dọc bằng các phương tiện công tác trước mắt đối phương, vượt qua mọi trạm kiểm soát khắc khe nhất... là nhờ và chỉ nhờ có Nhân dân.

Những ai từng kinh qua tháng năm gian khó, ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, không ai không từng biết đến những chuyện đi băng đồng lội nước. Gian khổ là một lẽ, đối mặt với kẻ thù là một lẽ. Khi đó, anh phải chiến đấu để bảo vệ mình và nếu cần, anh phải cùng chết với chúng bằng quả lựu đạn bên mình. Bất đắc dĩ lắm mới để lọt vào tay giặc.
Nhưng đi công khai là một chuyện khác. Đi công khai nghĩa là anh phải nghênh ngang trên đường phố với một thẻ căn cước giả mà có khi anh không nhớ nổi tên mình ghi trong đó, với một vai diễn mà anh không có điều kiện tập dượt, với một thân một mình không có đồng đội bên cạnh, không có rừng cây che chở, không có vũ khí trong tay, chìm lỉm giữa đám đông xa lạ trong đó nhan nhản bọn lính chìm lẫn nổi. Hơn nữa đó lại chuyến đi công khai đầu tiên trong cuộc đời làm cách mạng của tôi.
Đầu năm 1970, tôi được Ban Tuyên huấn khu Trung Nam Bộ (Khu 8) giao nhiệm vụ đi Bến Tre để triển khai Nghị quyết của Ban. Để tranh thủ thời gian, tôi phải đi theo con đường giao liên công khai. Phải vượt qua năm thị xã là: Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, Vĩnh Long, Trà Vinh để đi đến Bến Tre.
Đầu tiên dĩ nhiên tôi phải làm một thẻ căn cước giả. Người đưa tôi đi là chị Hai The, một cán bộ hợp pháp, cơ sở của Ban. Chị Hai The đưa tôi sang Tân Châu trên chiếc xuồng máy do chị tự lái rất thành thạo. Dẫu biết sẽ đưa tôi đến một nhà cơ sở của mình nhưng tôi vẫn hơi bất ngờ khi đó là nhà một trưởng ấp. Tôi ở nhà ông suốt năm ngày, được gia đình ông đối xử như người trong nhà. Ông không hỏi han gì đến riêng bản thân tôi, chỉ cần mẫn làm công việc của mình. Công việc của ông đã là quen thuộc, nào chụp hình, nào lăn tay... bởi vì ông đã làm cho rất nhiều người. Nhìn ông, tôi tự nghĩ không biết sau này mình có dịp gặp lại ông không. Không biết chính quyền ngụy có bao giờ ngờ một trưởng ấp trong bộ máy của chúng là cơ sở làm thẻ căn cước cho Việt Cộng. Điều đó cũng làm nảy sinh trong lòng tôi nhiều suy nghĩ. Thì ra trên đường mình đi, mình không phải là kẻ độc hành, mình không cô độc trong lớp lớp con người xung quanh. Trong rừng người thăm thẳm không rõ nông sâu ấy, vẫn có những người ủng hộ cách mạng.
Tự trong lòng tôi tưởng tượng người dẫn đường tôi sẽ là một cô gái, hay một chàng trai giao liên nhanh nhẹn tháo vát mà tôi vẫn thường đi cùng trong những chuyến đi du kích, nhưng không ngờ khi đến gặp tôi là một bà lão đứng tuổi, miệng nhỏm nhẻm nhai trầu mà sau này tôi vẫn gọi là bà Sáu Trầu, mỗi khi nhớ nghĩ về bà. Bà mặc bộ đồ bà ba, chiếc khăn rằn trên vai, trong tay là một giỏ trầu. Cùng đi với tôi có cô Tám Hà, một cán bộ ở Tiểu ban Giáo dục Khu. Trên đường đi, ba chúng tôi coi như không quen biết nhau. Tôi lẽo đẽo đi theo bà Sáu, còn Tám Hà đi theo tôi. Không gần nhau quá mà cũng không xa quá để lạc mất nhau. Tôi hồi hộp khôn xiết vừa sợ có người phát hiện ra mình, nhất là bọn chiêu hồi, lại vừa sợ lạc mất bà Sáu. Tôi mặc bộ đồ bà ba trắng, đội mũ ni lông, mang dép Thái Lan, để râu ra dáng một ông lão đi thăm con cháu. Xe đò từ Tân Châu sang Châu Đốc đến nửa đường thì bà Sáu kêu dừng lại để xuống xe. Tôi và Tám Hà người trước người sau cũng lần lượt xuống theo bà. Nhìn tới nhìn lui tôi thấy mình đang đứng ở Châu Phong. Sao bà không dẫn sang Châu Đốc luôn mà lại dừng ở đây? Thì ra ở đây có nhà cơ sở để trú ngụ. Tôi yên tâm theo bà. Nhưng sự yên tâm đó bị lung lay khi bà dẫn chúng tôi đến trước một ngôi nhà tường cao, xung quanh có hàng rào bao bọc, có vẻ rất khá giả, trước cổng nhà có căng một khẩu hiệu với hàng chữ to tướng: “Tiêu diệt Việt cộng nằm vùng”. Tôi nhìn chằm chặp vào bà, tự hỏi xem bà có nhầm lẫn gì không? Như đáp lại những thắc mắc của tôi, bà Sáu vẫn bình thản nhai trầu và dẫn chúng tôi vào nhà khi cánh cổng rộng mở với những người chủ nhân lần đầu tôi mới biết mặt. Đêm đó, tôi ngủ trong tiếng chân rầm rập của bọn dân vệ đi tuần, tiếng người gọi nhau í ới, tiếng lùa bò ầm ầm, tiếng của cuộc sống bình yên và tiếng của chiến tranh đang quyện vào nhau. Chúng tôi đã ngủ yên lành trong không khí ồn ào đó, trong căn nhà bề ngoài có vẻ “chống cộng” điên cuồng nhất với khẩu hiệu to tướng “Tiêu diệt Việt cộng nằm vùng”!
Lẽ ra ngày hôm sau chúng tôi đi một mạch đến Vĩnh Long, nhưng đến hơn ba giờ chiều chúng tôi mới đến Sa Đéc. Nếu đi thẳng xuống Vĩnh Long sẽ lỡ cỡ vì nơi đó không có cơ sở, đành phải đợi đến sập tối xuống bến phà Mỹ Thuận tìm chỗ ngủ qua đêm. Ngủ ở đâu? Không khéo lại rơi vào tay bọn lính. Bà Sáu bảo yên tâm đi, bà từng đưa khách đến ngủ ở đó rồi. Đó là một nhà trọ lụp xụp, không có phòng, chỉ có bộ ngựa gõ dài. Mỗi người được phát một cái gối, một cái mền. Nơi đó có khá đông người với đủ mọi thành phần, đủ mọi sắc áo, nào người buôn bán, khách lỡ đường và có cả những tên lính bình định. Tôi không khỏi phập phồng lo sợ khi nằm cạnh tôi là những tên lính mặc đồ rằn ri. Vẻ bình thản của bà Sáu với nụ cười đầy ý nhị khiến tôi có cảm giác bà đang nói cùng tôi: “Làm sao bọn chúng tin rằng có một Việt Cộng dám nằm cạnh chúng nhỉ”. Tự nhiên tôi thấy lòng bình tĩnh tự tin, đĩnh đạt của bà Sáu toát lên một sức mạnh vô cùng vô tận.
Sáng hôm sau, chúng tôi phải đến thị xã Vĩnh Long để kịp chuyến xe sớm đi Trà Vinh. Đây là đoạn đường gặp rất nhiều khó khăn và nguy hiểm. Vì lúc đó, đoạn đường từ Vĩnh Long đến Trà Vinh luôn luôn bị du kích mình phục kích, đắp mô, gài lựu đạn phá hoại. Vì vậy, trước các xe khách thường có xe nhà binh dẫn đường. Trên suốt chặng đường đi chúng tôi còn gặp đợt hành quân của Mỹ Ngụy mà bộ chỉ huy đặt ngay trên đường. Hai bên đường còn có những tên lính bộ nhấp nhô. Có lúc xe phải dừng lại để xét giấy. Những khi đó, bà Sáu vẫn bình thản nhai trầu. Hình như đối với bà, những cảnh này không đáng ngại.
Xuống bến xe Trà Vinh, chúng tôi đi bộ một đoạn đường đến một bến đò. Từ bến đò này chúng tôi sẽ xuôi theo một nhánh sông nhỏ thuộc địa phận Trà Vinh để ra vàm sông Cổ Chiên. Nơi đó, chỉ cần vượt qua sông Cổ Chiên là chúng tôi đến được căn cứ Bến Tre. Nhưng khi đến bến đò, chúng tôi không thấy chiếc đò mà bà Sáu đã hẹn trước đâu cả. Hỏi thăm thì biết người chủ đò nhắn lại là đợi ông đến chín giờ vì ông ấy đi lấy hột vịt. Chúng tôi đành lên bờ ngồi chờ, mỗi người ngồi một nơi thản nhiên không quen biết nhau. Lúc đó, chợ nhóm họp trên bến đò rất đông người, xen lẫn trong đó có cả bọn lính. Chúng tôi ngồi chờ, chờ mãi đến hơn mười giờ, rồi mười một giờ. Đến trưa, người thưa thớt dần, cuối cùng chỉ còn lại ba chúng tôi. Lần đầu tiên chúng tôi thấy bà Sáu lo ra mặt. Thì ra bà không thấy sợ khi đi giữa rừng người, dù trong rừng người đó có đủ bọn lính với đủ sắc áo, mà bà chỉ lo khi đứng trơ trọi một mình! Bà hết nhai miếng trầu này đến miếng trầu khác. Bất thần một trận mưa ập xuống. Đến lúc này, chúng tôi không thể mãi là người xa lạ, bèn đóng vai một gia đình. Chúng tôi chạy vào một tiệm bán và sửa đồng hồ gần đó để trú mưa. Người chủ nhà hiếu khách hơn mức bình thường, chẳng những cho chúng tôi trú mưa mà còn dọn cơm cho chúng tôi ăn, một bữa cơm rất ư thịnh soạn không thích hợp để chiêu đãi người lỡ đường, lại còn khuyên chúng tôi khi thấy trời đã về chiều, rằng phải cố gắng qua sông, hoặc tìm nơi nào khác để ngủ, dù cách nào cũng không được đến khách sạn ngủ vì nơi đó nó xét giấy rất dữ. Sao ông lại khuyên chúng tôi như thế? Sao ông lại sợ chúng tôi bị xét giấy nhỉ? Lúc đó có một ông nhà sư, thấy thế, mời chúng tôi lên chùa ngủ. Đang lúc chúng tôi còn chần chừ thì may sao đò đã trở về. Thì ra khi đi lấy hột vịt đò bị chết máy, sửa đến bây giờ mới xong. Trên đò còn có nhiều hành khách khác với hàng lô hàng đồ đạc... Chúng tôi phải chen chúc nhau trong cái đám bề bộn đó. Đêm đã buông xuống. Ban đêm con sông này được chia làm hai, một nửa dưới sự kiểm soát của ngụy, một nửa của giải phóng. Đi vào lúc này rất nguy hiểm vì trên sông còn có một cái bót của ngụy, mà đậu lại ven bờ thì cũng không xong vì bọn lính tuần tra. Vì vậy, chủ đò bèn cho đò chạy ra giữa sông rồi neo ngủ. Đêm đó, chúng tôi ngủ giữa đống hàng hóa lẫn lộn, tiếng sóng vỗ nhẹ mạn xuồng, cùng tiếng từng tưng của chiếc đầm già bay trên đầu, tiếng xình xịch của tàu tuần tiểu trên sông.
Sáng hôm sau chúng tôi ra sông Cổ Chiên đến Bến Tre. Trên chặng đường cuối cùng này chúng tôi còn gặp một cái bót, chúng xét giấy nhưng không nghi ngờ gì cả rồi cho qua. Tôi ở lại Bến Tre hơn một tháng rồi sang Mỹ Tho, rồi trở về vẫn theo con đường giao liên công khai. Từ vùng cứ xã Long Trung tôi được một nữ cán bộ đường dây hợp pháp đưa tôi đến thị trấn Cai Lậy rồi ghé một nhà cơ sở là nhà chị Năm nằm trên con đường về Mộc Hóa. Tôi đã gặp nhiều tình huống ngoài dự tính trên đường đi, mà tình huống nào cũng chứng kiến sự bình tĩnh ngoan cường của bà Sáu, nên khi đến nhà chị Năm, tuy có hơi bất ngờ, hơi sợ một chút nhưng tôi không hề mất bình tĩnh khi vừa mới bước chân vào nhà đã gặp ngay một sỹ quan quân đội cộng hòa ngồi chình ình giữa phòng khách. Hắn hỏi tôi tìm ai. Tôi bình tĩnh trả lời là tôi ở Châu Đốc, ghé thăm em Năm. Nói xong tôi đi lãng ra sau nhà, rồi hắn không hỏi gì cả. Gã sỹ quan đó đang chỉ huy một trung đội lính được phái xuống đây để phá mô du kích mình đắp trên đường lộ từ Cai Lậy đến Mộc Hóa. Tôi gặp chị Năm rồi cả gia đình quây quần quanh tôi trò chuyện y như bà con ruột thịt lâu ngày mới gặp, tên sỹ quan ngồi một lát rồi đi.
Tôi ngủ tại nhà chị Năm một đêm. Sáng hôm sau, chị đưa tôi ra bến xe. Chị đứng đợi xe chạy rồi mới quay về. Chuyến đi còn có bà Sáu, có Tám Hà, nhưng bây giờ chuyến về chỉ có mình tôi. Nhưng trong lòng tôi không có chút gì lo sợ, vì trước mặt tôi vẫn hiện lên hình ảnh bà Sáu bỏm bẻm nhai trầu mà không có gì làm xao động bà, làm bà mất bình tĩnh, vì xung quanh tôi tuy toàn những người xa lạ, nhưng tôi biết đâu đó vẫn có những tấm lòng hướng về cách mạng. Sẵn sàng chở che cho cách mạng.
Tôi từng nghe con đường đi công khai là con đường đáng ngại nhất, vì phải chường mặt ra trước quân thù. Nhưng qua chuyến đi đó, tôi mới hiểu rằng, đi công khai không có sông nước, ao hồ, rừng cây che chở, nhưng nhân dân chính là rừng cây dày đặc nhất. Họ chở che mà không để lộ mình chở che. Âm thầm đóng góp cho những thành công chung của dân tộc mà không bao giờ mong chờ Tổ quốc ghi công. Đó là những người như bà Sáu giao liên, một người phụ nữ rất bình dị như bao người phụ nữ Việt Nam khác mà vô cùng sành sỏi, ngoan cường, chỉ với giỏ trầu trong tay mà ung dung đưa hết lượt người này đến lượt người khác qua mặt quân thù, những người dân bình thường tôi không biết tên và cũng không bao giờ có thể gặp lại như ông trưởng ấp ở Tân Châu, người chủ nhà ở Châu Phong, thậm chí một nhà sư cũng muốn góp sức mình. Tôi nhớ đến bữa cơm thịnh soạn của người chủ tiệm đồng hồ, chợt ngộ ra một điều, không bao giờ người ta dọn cơm cho người trú mưa nhờ một bữa cơm như vậy trừ khi ông ấy biết chúng tôi là ai, đã thể hiện tấm lòng của mình với cách mạng, với đất nước bằng những lời khuyên và một bữa cơm? Quả là, bọn Mỹ không thể nào thắng được với những người như thế. Tôi cũng thấm thía một điều, đi công khai tôi không có vũ khí bên mình, càng không có quả lựu đạn để cùng chết với quân thù. Tôi cũng không cần phải chết cùng bọn nó, mà tôi cần phải sống, sống cùng với những người dân bên cạnh mình, song hành cùng họ, chiến đấu cùng họ và cùng họ có mặt trong ngày vui chiến thắng./.
Lý Thuận Khanh

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37036004