Truy cập hiện tại

Đang có 66 khách và không thành viên đang online

Công tác Lịch sử Đảng

Trận đánh Đồn Tam giác Tân An

(TGAG)- Đồn Tam giác Tân An thuộc ấp Tân Phú, xã Tân An, huyện Tân Châu (nay là ấp Tân Thạnh, xã Tân An, thị xã Tân Châu). Đồn nằm cặp theo lộ đất từ vàm xáng Tân An lên Vĩnh Xương. Phía Bắc cách chi khu Tân Châu 9km, phía Nam cách biên giới Việt Nam - Campuchia tại Vĩnh Xương 7km, phía Tây cách bờ sông Tiền 1,3km.

Trước cửa đồn, qua con lộ đất là sân bóng đá của xã; cách lộ 20m có con rạch nhỏ chảy cặp theo lộ gọi là xép Cỏ Găng. Xung quanh cù lao có nhiều ao, hồ, cây cối, tre rừng che phủ rậm rạp thuận lợi cho ta hành, trú quân. Huyện ủy Tân Châu, chi bộ xã Tân An dùng nơi này là căn cứ lõm của địa phương.

Đồn Tam giác Tân An được xây dựng bằng đá hộc rất kiên cố gồm 3 lô cốt, lô cốt 1, 2 cặp đường, giữa lô cốt 1, 2 là cổng đồn, lô cốt 3 nằm trong đồng (phía Tây) khoảng cách giữa hai lô cốt 40m, tường cao 1,7m, chân tường rộng trên 1m. Phía ngoài hai bên bờ tường từ lô cốt 1 - 3 và 2 - 3 địch làm hàng rào dây thép gai đơn khoảng 3 - 4 lớp. Phía trong đồn, nhà ở cất cặp theo tường từ lô cốt 1 - 3 và 2 - 3. Hướng phòng thủ chủ yếu của đồn là về hướng Nam. Vì vậy lô cốt 2 được xây hai tầng để quan sát tầm xa. Đồn Tân An do một trung đội bảo an 36 tên đóng giữ được trang bị đầy đủ vũ khí nhưng binh lính không có tính kỷ luật, canh gác chểnh mảng, thường ra ngoài đánh bạc, nhậu nhẹt. Đồn Tam giác có nhiệm vụ kiểm soát lộ Vĩnh Xương - Tân An, bảo vệ ven bờ sông Tiền nhằm ngăn chặn quân cách mạng từ Thường Phước qua đồng thời yểm trợ cho các đồn phụ cận, ngăn chặn cách mạng tiếp xúc với nhân dân, khủng bố các gia đình có thân nhân tham gia kháng chiến.

Tỉnh ủy chủ trương đánh đồn Tân An và giao Tiểu đoàn 510 phối hợp với Huyện ủy Tân Châu thực hiện. Đây cũng là mục tiêu quan trọng trong chủ trương Đồng Khởi của huyện sau 2 lần dự kiến đánh không thành nên lần này Huyện ủy chỉ đạo phải quyết tâm đánh cho được. Trước đó, chi bộ Tân An xây dựng được nội tuyến Nguyễn Văn Hạnh, trung sỹ đồn phó1. Tiểu đoàn 510 do đồng chí Võ Tấn Phục (Tư Nam) làm Tiểu đoàn trưởng thực hiện nhiệm vụ cùng với một số chiến sỹ đã bí mật điều nghiên đồn địch và vạch kế hoạch tác chiến:

Trước hết, tiểu đoàn bố trí một lực lượng nhỏ ém quân tại cù lao Cỏ Găng. Sau đó cho cơ sở dụ binh lính ra ngoài. Khi có tín hiệu, một chiến sỹ giả làm bạn của Hạnh vào đồn, cùng Hạnh chiếm các lô cốt và toàn bộ lực lượng tại xép Cỏ Găng tiến vào chiếm đồn.

Ban chỉ huy giao đồng chí Lâm Bá Tùng làm nhiệm vụ liên lạc từ đồn vào vị trí đóng quân của ta và trực tiếp cùng với cơ sở vào “thăm” đồng chí Hạnh.

Tám giờ sáng ngày 02/7/1960,  hai tiểu đội ém quân trong đám bắp gần đồn chờ mật hiệu tấn công. Bất ngờ thiếu úy Biết (Biết là cháu gọi Trưởng đồn Tề là cậu nên  cũng vị nể đôi phần) dẫn lính ghé vào đồn nên cuộc tấn công đình lại. Hai tiếng sau, hai đồng chí Bá Tùng và Sơn Sóc giả làm công an Cần Thơ lấy cớ đến thăm trung sỹ Hạnh để vào đồn. Trước đó, Hạnh lừa được Trưởng đồn Tề cùng một số lính ra khỏi đồn. Lấy cớ đãi khách, Hạnh tiếp tục sai hai tên lính gác cổng ra ngoài mua thêm rượu thịt. Số lính còn lại trong đồn hơn 10 tên. Đúng lúc đó, du kích mật Tân An và Vĩnh Hòa nhận được lệnh đồng chí Bá Tùng và Sơn Sóc tràn vào chiếm các tháp canh, địch bất ngờ nhưng liền sau đó đánh trả quyết liệt, đồng chí Út Dũng kịp thời chiếm khẩu trung liên ở tua gác cổng chính bắn diệt ổ kháng cự. Kết quả sau gần nửa giờ nổ súng, ta chiếm gọn đồn, diệt tại chỗ 4 tên, bắt sống 1 tên, thu 19 súng (gồm 3 trung liên, 7 Thomson, 3 Garant, 3 Carbine, 3 súng trường Mát) và rất nhiều đạn dược cùng đồ quân dụng. Phía ta, toàn bộ lực lượng rút lui an toàn.

Trận đánh địch kết hợp binh vận chiếm đồn Tam giác Tân An của lực lượng vũ trang tỉnh An Giang trong những ngày đầu Đồng Khởi giành được thắng lợi trọn vẹn. Đây là trận đánh có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn cách mạng lúc bấy giờ. Thắng lợi đã cổ vũ tinh thần của lực lượng vũ trang trong tỉnh, tạo niềm tin của Nhân dân đối với cách mạng sau 6 năm dưới chế độ độc tài của Mỹ - Diệm. Sau trận đánh, làng lính quanh vùng Tân Châu hết sức hoang mang, lo sợ. Một số đồn nhỏ phải rút bỏ. Lực lượng cách mạng được bổ sung thêm vũ khí, nhiều thanh niên xung phong vào bộ đội, xây dựng tiểu đoàn lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới./.

Phòng Lịch sử Đảng
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37130205