Truy cập hiện tại

Đang có 81 khách và không thành viên đang online

Làm theo gương Bác Hồ

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng theo chỉ dạy của Bác Hồ

(TGAG)- Ngay từ thời dựng Đảng, năm 1927, mở đầu cuốn “Đường Cách mệnh”, một cuốn sách “vỡ lòng cách mạng”, Bác Hồ đã đặt lên hàng đầu vấn đề “Tư cách một người cách mạng”. Trong đó, Bác nhấn mạnh phải cần, kiệm, nói thì phải làm, phải biết hy sinh, ít lòng tham muốn về vật chất.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 17-9-1945, trong “Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà” Bác viết: “Cán bộ ta nhiều người “cúc cung tận tụy”, hết sức trung thành với nhiệm vụ, với Chính phủ, với quốc dân. Nhưng cũng có người hủ hóa, lên mặt làm quan cách mạng, hoặc là độc hành, độc đoán, hoặc là dĩ công dinh tư…” (lấy của chung làm của riêng).

Trước lúc đi xa, nhân kỷ niệm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/1969), Bác viết bài báo “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Bác phê phán nghiêm khắc và vạch rõ: “Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh”. Cũng do mang nặng chủ nghĩa cá nhân, nên việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình…”. Tóm lại, do cá nhân chủ nghĩa mà phạm nhiều sai lầm.
   
Kể từ khi ra đời đã gần một thế kỷ, Đảng ta luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, bản chất cách mạng và khoa học; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn và ngày càng lớn mạnh. Đảng ta xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ và vị thế như ngày nay.

Nhưng chúng ta không bao giờ quên lời dạy của Người: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Trong rất nhiều lần, Bác đã nói với chúng ta về nguy hại của chủ nghĩa cá nhân: “Chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù nguy hiểm mà mỗi người chúng ta phải luôn luôn tỉnh táo đề phòng và kiên quyết tiêu diệt”, “Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích của riêng mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. “Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”. Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu… Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng”.
   
Trong thời gian vừa qua, Đảng ta đã nghiêm túc thừa nhận: công tác xây dựng Đảng còn không ít hạn chế, khuyết điểm. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng còn thấp, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu. Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền…Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước.

Lịch sử đã chỉ ra: Tham nhũng có mặt trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Mọi quốc gia và các tổ chức quốc tế đều quan tâm đến phòng, chống tham nhũng, nhưng kết quả vẫn chưa đạt được như mong muốn. Tham nhũng do nhiều nguyên nhân. Nhưng, dù sinh ra từ nguyên nhân nào thì nó luôn luôn gắn liền với quyền lực nhà nước và những hình thức quyền lực chính trị khác. Vì vậy, hành vi tham nhũng chỉ có thể xảy ra ở một số người có chức, có quyền lực đã thoái hóa, biến chất. Ở nước ta, đấu tranh chống tham nhũng là một bộ phận cấu thành quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp đấu tranh cách mạng. Nó góp phần giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng Đảng và bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực hiện quyền dân chủ của nhân dân…

Tại Đại hội XI, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí được đề cập trong phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong văn kiện Đại hội XII, vấn đề đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí được đề cập cả trong phần xây dựng Nhà nước và xây dựng Đảng, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Đại hội XII chỉ rõ: Nhiều cấp ủy đảng, chính quyền các cấp chưa thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt mục tiêu, yêu cầu.

Từ thực trạng đó, phải hiểu đúng: Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đồng thời là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài; là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, và của toàn bộ hệ thống chính trị. Kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí với yêu cầu chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi tham nhũng, lãng phí, can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng, lãng phí.

Đại hội XII đã đề ra một số giải pháp mới để thực hiện nội dung này là: 

Đẩy mạnh việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để bảo đảm công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí có hiệu lực, hiệu quả, nhất là trong các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao như: quản lý và sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản; thu, chi ngân sách, mua sắm công, tài chính, ngân hàng, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản; công tác cán bộ; quản lý doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; giáo dục, đào tạo và y tế.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tạo sự thống nhất, tự giác, quyết tâm cao trong hành động.

Kiên quyết xử lý và kịp thời thay thế những cán bộ lãnh đạo, quản lý tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm minh trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình trực tiếp quản lý, các cán bộ, đảng viên, công chức vi phạm về kê khai và minh bạch tài sản, thu nhập; kiên quyết thu hồi tiền, tài sản bị tham nhũng,... Đồng thời, đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, thu nhập, chính sách nhà ở bảo đảm cuộc sống cho cán bộ, đảng viên, công chức để góp phần phòng, chống tham nhũng.

Kiên quyết, kiên trì xây dựng cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; cơ chế răn đe, trừng trị để không dám tham nhũng. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan có chức năng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Xây dựng cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn quan hệ "lợi ích nhóm"; chống đặc quyền, đặc lợi, khắc phục "tư duy nhiệm kỳ"; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các phương tiện thông tin đại chúng và của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Xây dựng và thực hiện tốt cơ chế khuyến khích và bảo vệ tổ chức, cá nhân phát hiện, tố cáo tham nhũng, lãng phí

Nghị quyết Trung ương 4 đã cụ thể hóa một bước về cơ chế chính sách. Trước nhất các cấp uỷ, tổ chức đảng chỉ đạo rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, theo hướng quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó; phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm tập thể, cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc và có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Các tổ chức đảng chỉ đạo rà soát, hoàn thiện các quy định, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, điều hành bảo đảm công khai, minh bạch, góp phần xóa bỏ cơ chế "xin - cho", "duyệt - cấp"; ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, "lợi ích nhóm", "sân sau", trục lợi trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, vốn đầu tư, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, phân bổ, quản lý và sử dụng biên chế... Tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền, chuyển mạnh từ thanh toán tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt.

Thực hiện chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang và bản chất tốt đẹp của Đảng, ý thức tự giác của từng cán bộ, đảng viên, sự gương mẫu của từng người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và được nhân dân đồng tình, ủng hộ, nhất định chúng ta sẽ làm tốt hơn nhiệm vụ phòng chống tham nhũng; góp phần quan trọng vào việc xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo đưa đất nước ngày càng phát triển, xứng đáng với lòng tin yêu của nhân dân./.

Trung Thành
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36975699