Truy cập hiện tại

Đang có 81 khách và không thành viên đang online

Làm theo gương Bác Hồ

Người đặt trụ cầu bê tông vững chãi trên những dòng kênh quê

(TGAG)- Nếu như khoảng chục năm về trước tỉnh An Giang nổi tiếng với những cây cầu treo dây văng bắc ngang kênh rạch. Thì ngày nay, khi xây dựng nông thôn mới, rất cần những cầu đúc bê tông vững chãi để các loại xe lớn nhỏ có thể lưu thông thông suốt, tàu ghe qua lại dễ dàng, thuận lợi và công trình có thể tồn tại lâu dài với thời gian. Theo đà phát triển đó, đội thi công cầu tự nguyện của ông Tư Sang, xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn, luôn phải bận rộn với những công trình cất mới cầu bê tông ở các vùng quê.

Cách đây khoảng 5 năm, trong một lần về Vĩnh Nhuận, một xã vùng trong của huyện Châu Thành, cũng là xã vùng trũng trung tâm của Tứ giác Long Xuyên, tôi ghé lại công trình cất cầu bê tông Đông 2, nằm trên tuyến lộ giao thông liên xã, bắc ngang con kênh Hai Mỹ.

Công trình đang bước vào giai đoạn làm phần lan can cầu, đã qua công đoạn đổ bê tông cực nhọc, nhưng trên cầu vẫn có khoảng hơn chục người đang gấp rút bẻ từng thanh sắt cứng cáp, để cầu sớm hoàn thành. Dưới cái nắng trưa dịu nhẹ nhưng hanh khô vào những ngày cuối hạ, mọi người vừa làm vừa trò chuyện rôm rả, nên tôi nhận thấy ai cũng vui vẻ và không mấy gì mệt nhọc, mặc dù họ đều đã bước vào độ tuổi trung niên và có cả những người cao niên nữa.
 
Anh Lê Văn Oanh, phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Nhuận thông tin cho tôi biết thêm: “Công trình cất mới cầu bê tông Đông 2 có tổng kinh phí xây dựng hơn 1,5 tỷ đồng, cầu dài 34 m, do chính quyền xã Vĩnh Nhuận, người dân địa phương cùng đội thiết kế thi công cầu tự nguyện của chú Tư Sang, xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn thực hiện”.

Theo chỉ tay của anh Oanh thì người đàn ông đang vận bộ đồ pi-ja-ma trắng xám, đội nón tai bèo, dáng người thấp nhưng trông có vẻ rắn rỏi, vừa gỡ những tấm ván ép bê tông trên thành cầu, vừa hối thúc những người khác nhanh tay thực hiện phần việc của mình, chính là ông Nguyễn Văn Sáng, tên thường gọi là Tư Sang, đội trưởng, đảm nhận vai trò thiết kế của đội thi công cầu tự nguyện xã Vĩnh Trạch.

Lân la lại gần bắt chuyện tôi mới biết ông Tư Sang hiện đã bước qua tuổi lục tuần, những công việc từ thiện xã hội như: cất nhà, xây cầu, làm đường ông đã gắn bó từ thuở còn trung niên. Nhưng công việc mà ông tâm huyết và dành nhiều thời gian nhất đời mình chính là xây cất cầu  bê tông ở vùng nông thôn.

Tranh thủ uống ngụm nước mát lúc giải lao, ông Tư Sang tâm sự với tôi: “Trước đây Tư đã từng cất cầu ván thay cầu tre, cầu khỉ, sau đó làm đường, cất nhà tình thương. Đến năm 2006, huyện Thoại Sơn có chủ trương kêu gọi người dân ai có năng lực thì đóng góp công sức cùng chính quyền  xây dựng quê hương, vậy nên Tư liên kết anh em lập ra đội thi công cầu tự nguyện. Hơn 10 năm làm công tác xây cầu, quản bao nắng nôi mưa gió, Tư luôn tâm niệm lời dạy của Bác Hồ: “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm”, nên lúc nào cũng nguyện dốc sức cùng anh em xây dựng quê hương mình”.

Nghe vậy, anh Oanh nói thêm để tôi hiểu rõ hơn về chú Tư Sang: “Chú chỉ là người nông dân bình dị thôi, nhưng học được Bác Hồ ở tính cần kiệm, liêm chính, nói đi đôi với làm, nói được làm được nên chú Tư có thể dung hòa được mọi tầng lớp xã hội, được nhiều người mến mộ. Về phía chính quyền  địa phương thì rất tin tưởng khi mời chú Tư tham gia vào những công trình cất cầu bê tông, để xã sớm hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu  xây dựng nông thôn mới”.

         Buổi gặp gỡ và tiếp xúc ban đầu của tôi với ông Tư Sang cũng chỉ ngắn ngủi vậy thôi. Sau chuyến công tác đó, tôi có bài phản ánh về tình hình xây dựng nông thôn mới ở xã Vĩnh Nhuận, huyện Châu Thành, còn đội thi công của ông Tư Sang thì vẫn tiếp tục công việc cất cầu.

Ít lâu sau, vào năm 2015, khi có chuyến công tác về xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn, tôi lại được ông Huỳnh Công Tấn, chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Vĩnh Trạch, giới thiệu về ông Tư Sang, một trong những cá nhân đi đầu, có sự đóng góp cho phong trào cất cầu của địa phương để xã nhà sớm được công nhận là xã nông thôn mới.

Vậy là lần này tôi quyết định tìm đến nhà ông Tư Sang để tìm hiểu kĩ hơn về những việc làm mang lại ý nghĩa cho xã hội mà ông đang thực hiện. Tôi ghé nhà thăm vào lúc ông Tư Sang đang nghiên cứu bản vẽ thiết kế cất cầu. Hỏi ra mới biết thời trẻ cũng có thời gian ông học thiết kế, rồi sau này ông mài mò nghiên cứu thêm kĩ thuật xây cầu bê tông. Ông Tư Sang chia sẻ với tôi: “Để có thể xây cất thành công một cây cầu, Tư  đã dành nhiều thời gian nghiên cứu kĩ bản vẽ và điều chỉnh từng chi tiết cho phù hợp với địa hình vùng nông thôn, vừa thuận tiện giao thông đường bộ vừa có thể giúp các phương tiện đường thủy lưu thông, làm sao giảm tối đa kinh phí thi công mà vẫn đảm bảo chất lượng công trình tốt nhất”.
 
Ông Tư Sang đang nghiên cứu bản vẽ thiết kế cầu

Điều tưởng chừng mâu thuẫn ấy đã được ông chứng minh qua nhiều công trình mà ông đảm nhận thiết kế thi công. Như cây cầu bê tông Nguyễn Thị Bạo nằm ở trung tâm xã nông thôn mới Vĩnh Phú huyện Thoại Sơn, dự toán kinh phí xây dựng 2,5 tỷ đồng mà khi có sự đóng góp công sức của đội thi công của ông Tư Sang, thực hiện vào năm 2012, chỉ tốn 1,6 tỷ đồng, cầu vẫn kiên cố, đảm bảo chất lượng.

Hay như vào năm 2016, đội thi công cầu tự nguyện của ông Tư Sang nhận thi công 3 cây cầu bê tông cho huyện Châu Thành, gồm cầu Ngã Cái, cầu Mương Đình ở xã Vĩnh Lợi, và cầu HT5 của xã Cần Đăng. Theo bản thiết kế thì dự toán kinh phí tổng 3 công trình phải tốn 9,1 tỷ đồng, nhưng khi đội thi công của ông Tư Sang đứng ra nghiên cứu và bắt tay vào thực hiện chỉ tốn 4,2 tỷ đồng. Khi khánh thành, cầu vẫn đảm bảo chất lượng, mang lại niềm vui cho chính quyền và nhân dân huyện Châu Thành.

    Hỏi lý do vì sao thành công như vậy, ông Tư Sang từ tốn nói: “Trước hết thì phải biết tính toán kĩ, vận dụng và tái sử dụng mọi thứ có sẵn. Khi Tư đứng ra mua vật tư xây dựng: sắt, thép, xi măng, những chủ cửa hàng đều giảm giá, có nơi còn đóng góp vào thêm chút ít. Nguồn nhân lực thi công thì những lúc cao điểm đổ bê tông Tư liên hệ nhờ lực lượng vũ trang đóng quân ở địa phương đến tiếp sức, còn thường ngày thì bên cạnh đội thi công luôn có người dân, ban ấp, chính quyền xã túc trực để chung tay cùng làm. Thêm nữa là sự đóng góp của những mạnh thường quân, ban trị sự Phật giáo Hòa Hảo hỗ trợ những bữa cơm no dạ ấm lòng, nên anh em ai nấy đều hồ hởi làm, để công trình rút ngắn thời gian thi công, sớm hoàn thành”.

Nghe ông Tư Sang nói thì có vẻ dễ dàng vậy, nhưng tôi biết không phải ai đứng ra thi công thiện nguyện cũng có thể nhận được sự hỗ trợ về nhân lực và tài lực lớn. Phải là người có uy tín và xông xáo với phong trào lắm thì mới thành công được như vậy.

        Ngôi nhà sàn mái ngói cũ kĩ nằm cặp tuyến lộ kênh ông Cò chạy ra Ba Bần, thuộc xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn, từ hơn chục năm nay, luôn rôm rả vào mỗi sáng. Cứ sáng sớm thấy có bà con lại nhà uống nước trà bàn chuyện, là những người con ông Tư Sang biết rằng bữa đó ba mình sẽ đi cất cầu. Và đã từ lâu các con ông luôn vui vẻ lo việc nhà cửa ruộng vườn thay ông, để ông dồn sức lực, tâm trí lo việc xã hội.

Thành viên trong đội thi công cầu của ông Tư Sang đa phần đã quá tuổi xuân xanh, đầu hai thứ tóc, từng trải bao sóng gió cuộc đời. Trước đây họ là những người nông dân quanh năm lam lũ với ruộng đồng, có người thì làm mộc, người phụ hồ, lại có người chạy xe đầu, hay buôn bán nhỏ, cuộc sống gia đình họ cũng không dư dả gì. Nhưng cái chính là họ đều có cái tâm trong sáng, nhờ sự động viên của ông Tư Sang khơi dậy trong họ ý thức được trách nhiệm cộng đồng, muốn đóng góp phần nào công sức vào việc xóa cầu tre, cầu ván thay thế bằng cầu bêtông cốt thép kiên cố vững chãi hơn để diện mạo làng quê ngày một khang trang hiện đại.

Ông Nguyễn Văn Nhịn, tuổi đời đã ngoài 50, trước đây có nghề  mộc, làm cũng đủ sống thôi, nhưng hơn 5 năm nay, ông tự nguyện vào đội cất cầu bê tông, ông Nhịn cho hay: “Tôi cảm thấy thoải mái lắm vì biết công việc của mình làm có thể giúp ích cho đời, mang lại niềm vui cho bà con, nên quyết chí cùng anh Tư làm”.

 
“Mặc dù ai nấy đều có công ăn việc làm riêng, có khi còn bận rộn việc đồng áng, nhưng khi đã có tấm lòng từ thiện, đã hẹn ngày làm công tác xã hội, thì chúng tôi đều tranh thủ sắp xếp công việc gia đình để đến đây tham gia. Có người đến sớm, có người đến trễ đôi chút, nhưng không hề chi, ai nấy đều dốc sức làm, không phân tính thiệt hơn”. Ông Lê Văn Phú, thành viên đội cất cầu, quê ở xã Định Mỹ nói với tôi như vậy. Ông Phú cũng là một cá nhân nổi bật trong công tác từ thiện xã hội ở huyện Thoại Sơn, đã từng tham gia làm ở những đội thi công cầu khác, nhưng không ổn định, nên ông tìm đến với đội của ông Tư Sang làm đã được 8 năm nay.

         Đội thi công cầu từ thiện của ông Tư Sang hiện có khoảng hơn 20 thành viên, gồm những người dân đến từ nhiều nơi như: xã Vĩnh Trạch, xã Vĩnh Phú, xã Định Mỹ, xã Vĩnh Thành, xã Vĩnh Nhuận… Khi nào ông Tư Sang có công trình cất cầu huy động là họ tự nguyện đến tham gia. Làm công trình thường làm buổi đứng, có lúc làm tới tận chiều mới xong. Do đến từ nhiều xã khác nhau, nên vào những ngày thi công cầu, họ phải ở lại công trình ăn uống và nghỉ ngơi. Vậy nên ông Tư Sang luôn tìm cách huy động thêm các cô bác quanh vùng lo cơm nước ngày hai bữa cho lực lượng nhân công để họ đủ sức làm công trình.

Sự phát triển nhanh của hệ thông giao thông nông thôn góp phần rất lớn vào việc thay đổi  bộ mặt của một vùng quê. Một khi cầu, đường có thông suốt thì giao thương mới phát triển được, người dân đi lại thuận tiện dễ dàng thì cuộc sống mới ổn định.

Ông Huỳnh Công Tấn, chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Vĩnh Trạch cho chúng tôi biết, tính đến nay ông Tư Sang cùng đội thi công cầu tự nguyện của mình đã cất được khoảng 50 cây cầu bêtông ở các huyện thị trong tỉnh An Giang và có cả những cây cầu ở các tỉnh thành lân cận như: Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang.

Nhiều năm liền nhận được bằng khen của UBND tỉnh An Giang trong công tác xã hội từ thiện, an sinh xã hội, xây dựng Nông thôn mới, góp phần nhỏ vào việc nối liền các tuyến giao thông nông thôn, mang lại cuộc sống thuận tiện thoải mái hơn cho người dân. Đó là động lực để ông Tư Sang cùng những người bạn đồng chí hướng tiếp tục hành trình xây, cất mới những cây cầu bê tông ở các vùng nông thôn.

       Một ngày mới bắt đầu từ rất sớm và rất ý nghĩa với những người đã quá tuổi xuân xanh, nhưng họ vẫn còn rất nhiệt tình và năng nổ, họ đã nhín chút thời gian trong đời mình để làm việc gọi là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Mang theo đồ nghề, vui vẻ chở nhau đi qua khắp các cung đường quê trên những chiếc xe gắn máy cũ kĩ, để cất những cây cầu mới. Và niềm vui nhất như ông Tư Sang tâm sự là: “Được cùng anh em trở lại thăm những cây cầu bê tông mà đội đã cất, để thấy bà con vận chuyển hàng hóa nông sản được dễ dàng, con cháu được tung tăng đến trường học, vậy là Tư mãn nguyện lắm rồi”.

Công tác ở lĩnh vực báo chí, có điều kiện đi phản ánh tình hình xây dựng nông thôn mới ở nhiều nơi, tôi nhận thấy rằng ở khắp các vùng nông thôn trong tỉnh An Giang, không chỉ có ông Tư Sang mà còn nhiều, rất nhiều những người nông dân nhiệt tình với các phong trào xã hội, từ thiện, góp sức mình xây dựng cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn, theo như lời Bác Hồ căn dặn trước lúc Người đi xa: “Xây dựng nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Điều mong ước ấy của Bác Hồ đã được những người nông dân chân chất ở miền quê lúa An Giang đang từng ngày ta sức thực hiện. Thật đáng quý thay tấm lòng những người nông dân làm từ thiện như ông Tư Sang!

Bài, ảnh:  Khái Hưng
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37120745