Truy cập hiện tại

Đang có 36 khách và không thành viên đang online

Hoạt động khoa giáo

Những đánh giá bước đầu về kỳ thi THPT quốc gia "2 trong 1" đầu tiên

Sau những lo ngại, thậm chí cả ngờ vực thì cuối cùng kỳ thi THPT quốc gia đã kết thúc an toàn. Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT thì kỳ thi được thực hiện đúng kế hoạch, đúng quy chế, nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng và ủng hộ tích cực của toàn xã hội. Nhưng đó là đánh giá từ phía Bộ, hẳn kỳ thi vẫn còn một số băn khoăn, cũng như hiệu quả của kỳ thi.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 được tổ chức từ ngày 1 đến hết ngày 4/7/2015 với sự tham gia của hơn 1 triệu thí sinh tại 99 cụm thi (gồm 38 cụm thi liên tỉnh do các trường đại học chủ trì và 61 cụm thi tại tỉnh do sở GD&ĐT chủ trì). Kỳ thi THPT quốc gia năm nay nhằm đạt cùng một lúc hai mục tiêu, vừa để xét tốt nghiệp, vừa để xét đầu vào đại học, nên có thể xem đây là kỳ thi “2 trong 1”. Một thay đổi mang tính bước ngoặt đổi mới thi cử.
 
Ngay khi Bộ GD&ĐT công bố năm 2015 chỉ có một kỳ thi THPT quốc gia đã không nhận được sự ủng hộ nhiều từ xã hội, thậm chí cả các thầy cô trong ngành. Tuy vậy, Bộ vẫn quyết tâm thực hiện đến cùng, vừa làm vừa quyết tâm thực hiện tốt nhất.
 
Trong khi dư luận lên tiếng phản đối việc bỏ kỳ thi đại học, cao đẳng vì cho rằng đây là kỳ thi công bằng, nghiêm túc, chọn được người tài, thì Bộ lên tiếng không bỏ kỳ thi nào cả. Phải thấy rằng, Bộ GD&ĐT đã rất “khéo” khi lồng ghép “2 trong 1” kỳ thi này, kết hợp sự nghiêm túc của kỳ thi ĐH và sự nhẹ nhàng của kỳ thi tốt nghiệp, bằng cách vừa “kéo” được các trường đại học vào cuộc (đây là nhân tố tạo sự nghiêm túc của kỳ thi), đồng thời cũng không để các Sở GD&ĐT đứng ngoài cuộc cùng phải có trách nhiệm vào kỳ thi này.
 
Về phía học sinh – những người chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự thay đổi này lúc đầu cũng bày tỏ hoang mang, lo ngại tính công bằng của kỳ thi.Tuy vậy, càng giai đoạn về sau, từ những góp ý của xã hội, Bộ GD&ĐT đã có những điều chỉnh thích hợp nhằm bảo đảm không gây sốc cho học sinh, phụ huynh, thầy cô giáo từ sự đổi mới thi cử. Chẳng hạn, những học sinh chỉ nhu cầu tốt nghiệp có thể dự cụm do Sở GD&ĐT chủ trì. Học sinh mừng vì thấy mình tăng thêm cơ hội vào đại học vì vừa có thêm thời gian ôn tập trung vào những môn sẽ thi đại học, vừa có nhiều cơ hội được xét tuyển sau chỉ một lần thi.
 
Gia đình mừng vì không phải đưa con đi lại xa để lần lượt dự thi kỳ thi đại học, cao đẳng sau khi thi xong THPT, đỡ tốn kém công sức, tiền bạc, thời gian như mọi năm. Xã hội mừng vì bớt căng thẳng về giao thông, chỗ trọ, tiết kiệm chi phí đáng kể.
 
 Nhiều thí sinh tỏ ra vui vẻ sau khi hoàn thành bài thi.
 
Có 2 điều khiến dư luận xã hội bận tâm về kỳ thi này, một là đề thi có thể giải quyết được 2 mục đích vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển ĐH, CĐ không?; hai là công tác coi thi ở 99 cụm thi cả nước có thực sự nghiêm túc để đảm bảo chất lượng thi cử hay không?
Nhìn lại đề thi chính thức 4 ngày vừa qua cho thấy, Bộ GD&ĐT đã phần nào giải quyết khéo léo sự phân hóa trong từng môn thi, giảm thiểu tình trạng học thuộc lòng. Bộ cho rằng, theo đánh giá ban đầu của dư luận trong và ngoài ngành giáo dục, đề thi đã đáp ứng được yêu cầu đề ra của kỳ thi, với các câu hỏi ở mức độ cơ bản đảm bảo các thí sinh đủ điều kiện dự thi và ôn tập tốt sẽ làm được để đủ điều kiện tốt nghiệp THPT và các câu hỏi ở mức độ nâng cao để phân loại học sinh giúp cho việc tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ thuận lợi.
 
Thế nhưng nhiều người đánh giá đề thi năm nay hơi khó với tốt nghiệp, nhưng hơi dễ so với thi đại học mọi năm, thậm chí còn cho rằng đề thi quá “an toàn”, khi đó mức điểm tập trung ở quãng 5, 6, 7 điểm như nhiều người dự đoán sẽ gây khó khăn cho các trường ĐH trong việc xét tuyển. Trước băn khoăn này, tại buổi họp báo kết thúc kỳ thi, Bộ cứng rắn tuyên bố kết quả cuối cùng sẽ được nhìn nhận khi công bố điểm thi.
 
Về sự nghiêm túc của kỳ thi – đây là thành tố quan trọng để bảo đảm sự công bằng chất lượng kỳ thi, cho đến thời điểm này chưa có sự cố nào cho thấy có sự tiêu cực ở các cụm thi. Còn phải chờ thời gian mới có thể khẳng định có hay không sự nghiêm túc ở các cụm thi địa phương cũng như hiệu quả của lực lượng giám sát trường ĐH cử về các cụm thi này. Tại buổi họp báo, hàng loạt câu hỏi dồn dập của phóng viên gửi đến lãnh đạo Bộ GD&ĐT về tính nghiêm túc của 2 loại cụm thi, cũng như một số điểm thi.
 
Theo quan sát từ vòng ngoài kỳ thi diễn ra khá êm ả nhưng từ các số liệu do các cụm thi gửi về có những cụm thi địa phương hầu như không có thí sinh bị xử lý. Thí sinh bị xử lý đa số ở các cụm thi lớn do trường đại học xử lý. Có phải ngẫu nhiên không? Nếu phát hiện có dấu hiệu buông lỏng Bộ làm gì?, phải chăng có sự không nghiêm túc trong các cụm thi, hay thí sinh thi đại học không nghiêm túc bằng thi tốt nghiệp. Có phân tách số liệu không?…
 
Đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT) giải thích, trong cách thức tổ chức của kỳ thi năm nay, các cụm thi đều có sự tham gia của cán bộ giảng viên đại học, thanh tra rải đều khắp các cụm. Các cụm này chỉ khác nhau về địa điểm để tạo điều kiện cho thí sinh.
 
“Chúng tôi không có ý phân biệt 2 loại cụm thi nên không bóc tách các số liệu thống kê. Nếu như số liệu đưa ra là cụm thi đại học nhiều thí sinh bị xử lý vi phạm hơn cụm địa phương, thì có thể nói rằng có một thực tế là những thí sinh lấy kết quả để tuyển sinh đại học chịu áp lực cao hơn thí sinh thi tốt nghiệp, nên ý định vi phạm lớn hơn” – ông Mai Văn Trinh nói.
 
Sự lý giải của đại diện lãnh đạo Bộ như vậy không phải không có cơ sở, nhưng chưa thực sự thuyết phục. Và dư luận vẫn sẽ tiếp tục hoài nghi. Sự thiếu tin tưởng này càng có cơ sở vì báo cáo nhanh sau mỗi ngày thi của Bộ về số liệu thí sinh và giám thị vi phạm quy chế nhưng không thấy có giám thị nào sai phạm. Vậy giải thích như thế nào trường hợp giám thị tại cụm thi Trường ĐH Đà Lạt ký nhầm vào ô giáo viên chấm thi trên giấy thi của thí sinh trong môn thi đầu tiên, dẫn đến việc thí sinh phải thi lại môn toán trong ngày thi cuối cùng?
 
Ngay trường hợp, có thí sinh “quên” đi thi môn thứ 4 để xét tốt nghiệp, và được tạo điều kiện cho thi môn khác để xét tốt nghiệp, ông Mai Văn Trinh cho rằng, việc các em quên buổi thi không nhiều nên Bộ động viên cụm thi cho phép các em thi môn khác để xét tốt nghiệp. Đây là việc làm nhân văn và chúng tôi mong rằng mọi người ủng hộ. Tuy vậy, vẫn có ý kiến không đồng tình khi cho rằng đây là một "cuộc chơi" có sự tham gia của hơn 1 triệu thí sinh. Để đảm bảo sự công bằng bắt buộc mỗi người đều phải tuân thủ "luật chơi". Không thể vì thí sinh nói quên đi thi mà được nhân nhượng cho thi buổi sau, vậy đối với những thí sinh lỡ đi chậm 15 phút sau thời gian bóc đề không được vào phòng thi thì sao?
 
Một kỳ thi đã khép lại, ngay phía Bộ GD&ĐT cũng thẳng thằn nhìn nhận, đây là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nên vẫn còn những hạn chế thiếu sót cần phải rút kinh nghiệm để điều chỉnh trong những năm sau. Đồng thời cũng có nhiều việc làm tốt, mô hình hay cần nhân rộng để công tác chỉ đạo, tổ chức đạt hiệu quả cao.

Nhìn chung, kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 đã được tổ chức theo đúng tinh thần Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng là gọn nhẹ, giảm tốn kém cho xã hội và người dân nhưng vẫn phản ánh đúng trình độ người học để xét tốt nghiệp, đồng thời cung cấp dữ liệu cho việc xét tuyển sinh giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Kỳ thi này sẽ tạo ra những tiền đề cơ bản, có ý nghĩa quan trọng cho việc tiếp tục triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo./.
 
Nguồn: ĐCSVN
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37138754