Truy cập hiện tại

Đang có 170 khách và không thành viên đang online

Kinh tế tư nhân động lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế tỉnh An Giang

(TGAG)- Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) thể hiện đường lối quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước về phát triển KTTN, là một bước tiến mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển khu vực này và toàn bộ nền kinh tế.

Thời gian qua, các doanh nghiệp An Giang không ngừng phát triển về mọi mặt, từng bước nâng cao uy tín, thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường; ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của mình trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Các doanh nghiệp đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm, đóng góp vào các hoạt động an sinh xã hội.

Từ việc xác định trọng tâm phát triển kinh tế của tỉnh song song với các mục tiêu tăng trưởng khác, toàn tỉnh đã tích cực triển khai các giải pháp để phát huy thế mạnh của các mặt hàng chủ lực của tỉnh có thế mạnh xuất khẩu như: lúa gạo, thủy sản, rau quả đông lạnh, may mặc. Tập trung thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư để tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh; thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp thông qua các môi trường mở như hình thành Ban hỗ trợ doanh nghiệp, Cà phê Doanh nhân, liên kết các tổ chức hỗ trợ như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để giúp cho doanh nghiệp tiếp cận một số định hướng phát triển mới và kịp thời nắm bắt những vướng mắc khó khăn để tháo gỡ cho doanh nghiệp.

Với sự nỗ lực phấn đấu từ các ngành, các cấp, đã đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh, sản xuất nông nghiệp từng bước được phục hồi, lĩnh vực công nghiệp, hoạt động thương mại dịch vụ, du lịch phát triển; số doanh nghiệp mới thành lập tăng hơn so với năm trước, thu hút nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước. Trong năm 2016, toàn tỉnh có 614 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký trên 2.800 tỷ đồng, so với năm trước tăng 2,3% về số lượng doanh nghiệp và 1,2% về vốn đăng ký. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân của 1 doanh nghiệp là 4,6 tỷ đồng, giảm 1,1% so với năm 2015. Thu hút lao động và tạo việc làm mới cho trên 9.000 người, giảm 26,9% so với cùng kỳ năm trước.

Đến nay, số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn toàn tỉnh là 8.185 doanh nghiệp với vốn đăng ký là 47.925 tỷ đồng và gần 3.498 Chi nhánh - Văn phòng đại diện. Trong đó, số doanh nghiệp còn hoạt động gần 5.407 doanh nghiệp với số vốn trên 46.000 tỷ đồng và trên 2.579 Chi nhánh - Văn phòng đại diện.

Tuy nhiên, hoạt động của các doanh nghiệp vẫn chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các sản phẩm  chủ yếu của tỉnh như lúa gạo, thủy sản vẫn còn gặp khó khăn về thị trường, giá cả, tiêu chuẩn chất lượng, tổ chức sản xuất, các quy định ràng buộc của các thị trường nhập khẩu. Các doanh nghiệp có quy mô nhỏ chưa chuẩn bị đầy đủ về nguồn lực tài chính, nhân sự, tổ chức quản trị doanh nghiệp, thông tin thị trường. Trình độ công nghệ thấp và chậm đổi mới, năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh còn thấp, tính liên kết còn yếu; khả năng tham gia chuỗi giá trị trong nước và quốc tế còn thấp...

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển KTTN, sẽ khơi nguồn cho sự đổi mới, là cơ sở để các lực lượng KTTN tiếp tục phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn . Điều này giúp thêm sức mạnh và động lực để hội nhập sâu hơn, là điều kiện để áp dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Để tạo động lực phát triển kinh tế tỉnh An Giang trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế đã xác định các trọng tâm kinh tế để phát triển là nông nghiệp và du lịch, bên cạnh đó quan tâm tái cơ cấu kinh tế song song với ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng cho bộ máy hành chính các cấp hoạt động hiệu quả, thực hiện cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động hành chính để nâng cao tính thiết thực và hiệu quả. Quan tâm cải thiện môi trường đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính và môi trường kinh doanh thông thoáng để thu hút đầu tư; giải quyết kịp thời các vướng mắc, khiếu nại, kiến nghị của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Tăng cường tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, công bố số điện thoại đường dây nóng, hộp thư điện tử để tiếp nhận và trả lời, giải đáp những vướng mắc kịp thời của doanh nghiệp ở các cấp, ngành.

Cùng với sự cam kết mạnh mẽ của các cấp chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp với niềm tin và sự nỗ lực, chung tay góp sức để tạo ra các hoạt động sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao và bền vững, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; có kế hoạch hành động cụ thể, theo dõi và cập nhật kịp thời tình hình kinh tế - xã hội, tình hình thị trường để có ứng phó nhanh nhạy, có giải pháp xử lý phù hợp; tích cực tìm kiếm thị trường mới, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ để phát triển sản phẩm theo hướng đổi mới sáng tạo; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu; chú trọng đến việc tái cơ cấu và quản trị doanh nghiệp hiệu quả; thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết trong hoạt động sản xuất kinh doanh; chú trọng đào tạo nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn nhân lực để vươn lên từ sức mạnh nội tại của doanh nghiệp. Đồng thời phát huy vai trò trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động tham vấn, phản biện, đối thoại chính sách để đóng góp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thông thoáng, thuận lợi hơn./.

BÙI THỊ DUNG
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh



Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36710272