Truy cập hiện tại

Đang có 135 khách và không thành viên đang online

Phê phán luận điểm “Chủ nghĩa Mác – Lê-nin không còn phù hợp ở thế kỷ XXI” (phần 5)

(TGAG)- Vấn đề thứ sáu: “C. Mác là một nhà duy vật đơn thuần… Ông không quan tâm đến các khía cạnh tinh thần của con người và coi ý thức của con người là sự phản ánh của thế giới vật chất… Chủ nghĩa Mác làm cạn kiệt hết tất cả những gì quý giá nhất thuộc về con người, thu gọn chúng ta thành một mớ lổn nhổn vật chất bị chi phối bởi ngoại cảnh của chúng ta…”.

T. Eagleton đã dành nhiều công sức khảo cứu các trào lưu tư tưởng triết học trước Mác, đặc biệt là tư tưởng của các nhà duy vật thời kỳ Khai sáng thé kỷ XVIII. Tác giả phân tích mối quan hệ giữa thể xác với tư duy của con người, mối quan hệ giữa tồn tại xã hội với ý thức xã hội, mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng với kiến trúc thượng tầng; phân tích kỹ những ngộ nhận về tư duy lịch sử, duy vật biện chứng và sự vu khống chủ nghĩa Mác liên quan đến những vấn đề này. Từ đó, T.Eagleton khẳng định rằng, Mác là một trong những bộ óc vĩ đại nhất thời hiện đại. Mác đặc biệt dị ứng với những ý tưởng ngông cuồng. Ông là một nhà tư tưởng lãng mạn nhưng luôn cảnh giác trước những gì trừu tượng, đồng thời luôn luôn say sưa với những gì cụ thể, rõ ràng.

Học thuyết Mác không chỉ là sự giải thích thế giới, mà quan trọng hơn, nó còn là công cụ để cải tạo thế giới, làm cho con người phát triển từ vương quốc tất yếu sang vương quốc tự do. Đó chính là cái làm nên sự khác biệt và cũng đồng thời là sự vĩ đại của học thuyết Mác, điều mà chính ông đã nói đến trong Luận cương thứ mười một về Phoiơbắc.

Tác giả còn chứng minh, Mác là một nhà tư tưởng đạo đức xuất chúng. Theo Mác, cái thứ đạo đức thống soái trong xã hội tư bản – cái tư tưởng cho rằng “tôi sẽ chỉ phục vụ anh chừng nào tôi được lợi” – là phong cách sống đáng ghê tởm. Những phân tích và chứng minh đó cũng đồng thời là cơ sở để khẳng định, tư tưởng của Mác về tôn giáo và tâm linh cũng vượt lên trên những ngộ nhận về chủ nghĩa duy vật trong hệ thống triết học của Mác.

Vấn đề thứ bảy: “Nỗi ám ảnh chán ngắt về giai cấp đã khiến chủ nghĩa Mác quá ư lạc hậu. Những người theo chủ nghĩa Mác dường như đã không để ý rằng hình ảnh giai cấp xã hội đã thay đổi không còn nhận ra so với ngày C. Mác viết tác phẩm của mình…”.

Để phản bác có sức thuyết phục sự phê phán đối với chủ nghĩa Mác về vấn đề này, T. Eagleton đã đi sâu phân tích nhận thức về giai cấp. Tác giả luận giải về lịch sử hình thành giai cấp trong xã hội, về các giai cấp và bản chất cơ bản của các giai cấp; về các quan điểm, nhận thức khác nhau về khái niệm giai cấp, giai cấp xã hội. Từ những sự minh giải trên, tác giả khẳng định rằng, chủ nghĩa Mác không định nghĩa giai cấp theo phong cách sống, địa vị, thu nhập, giọng nói, nghề nghiệp hay tình trạng gia đình. Với Mác, giai cấp không phải là vấn đề anh cảm thấy thế nào mà là anh đang làm gì, anh đang đứng ở đâu trong một phương thức sản xuất cụ thể.

Tác giả luận giải về quá trình hình thành giai cấp công nhân, khẳng định chủ nghĩa Mác không đặt trọng tâm vào giai cấp công nhân chỉ vì nhìn thấy một số ưu điểm của lao động, cũng không đặt tầm quan trọng chính trị vào giai cấp công nhân vì họ được cho là bị chà đạp nhất trong các nhóm xã hội, mà điểm quyết định nhất chính là giai cấp công nhân có được vị trí trong lòng phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Vì ở trong hệ thống đó nên giai cấp công nhân quen với cách làm việc được chủ nghĩa tư bản tổ chức, trở thành một lực lượng có kỹ năng, có ý thức tập thể và chính trị tỉnh táo. Họ là những người không thể thiếu được đối với sự thành công của chủ nghĩa tư bản nhưng lại có lợi ích vật chất bị chủ nghĩa tư bản làm cho suy giảm. Chính họ mới có khả năng tiếp quản và vận hành nền sản xuất vì lợi ích của tất cả mọi người, mang sứ mệnh thủ tiêu chủ nghĩa tư bản và giải phóng tất cả mọi người.

Tác giả cũng phân tích rõ những tiên liệu của Mác về sự phát triển của khoa học-công nghệ sẽ làm gia tăng quá trình vô sản hóa những nhà chuyên môn, cùng với tình trạng tái vô sản hóa rất nhiều công nhân công nghiệp. Và như vậy, lực lượng giai cấp công nhân sẽ ngày càng lớn mạnh hơn nhiều. Vậy nên luận thuyết về sự tiêu vong của giai cấp công nhân là một sự phóng đại thái quá, phi thực tế.

Vấn đề thứ tám: “Những người mácxít là những người cổ vũ cho hành động chính trị bạo lực. Họ không tán thành biện pháp cải cách dần dần và ôn hòa, mà thay vào đó là sự lựa chọn những cuộc hỗn loạn cách mạng vấy máu. Chỉ có một lực lượng thiểu số giai cấp tiên phong sẽ vùng lên, lật đổ chính phủ và áp đặt ý chí của mình lên đại đa số. Đây là một trong số những điều khiến cho chủ nghĩa Mác và dân chủ không thể song hành tồn tại…”.

Để phản bác lại sự vu khống này, T. Eagleton đã phân tích rõ khái niệm cách mạng và cải cách, vạch rõ mối liên hệ, sự giống và khác nhau giữa hai khái niệm này. Tác giả dẫn chứng hàng loạt cứ liệu từng có trong lịch sử để chứng minh rằng, rất nhiều cuộc cải cách – thường được coi là hòa bình, ôn hòa – lại làm bùng lên xung đột, đẫm máu, như phong trào dân quyền ở Mỹ. Ngược lại, rất nhiều cuộc cách mạng – thường được coi là bạo lực – lại diễn ra khá hòa bình như cuộc cách mạng bôn-sê-vích ở Nga năm 1917. Từ những luận giải về những quan điểm ngụy biện chống lại cuộc cách mạng này nhưng lại ủng hộ cuộc cách mạng khác, ông khẳng định chủ nghĩa tư bản, từ bản chất của nó, luôn đồng hành với chiến tranh toàn cầu (Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Chiến tranh thế giới lần thứ hai), với bóc lột thuộc địa, diệt chủng và nạn đói.

Tác giả so sánh “quá trình đẫm máu” của chủ nghĩa tư bản với những sai lầm về bạo lực của cách mạng xã hội chủ nghĩa và khẳng định tính chất hòa bình của phong trào cách mạng xã hội chủ nghĩa quốc tế. Tác giả cũng phân tích rõ những nguyên nhân, những điều kiện dẫn đến thành công của cách mạng xã hội chủ nghĩa và nhưng điều kiện cũng như bài học từ thực tế lịch sử về vấn đề bạo lực cách mạng. Từ sự luận giải của mình, tác giả khẳng định, chính “những cuộc cách mạng có nhiều khả năng thành công nhất là những cuộc cách mạng ít bạo lực nhất” và “phong trào công nhân không phải là bạo lực mà là chấm dứt bạo lực”.

Chụp mũ cho cách mạng xã hội chủ nghĩa tính chất bạo lực cũng không khác gì sự vu khống rằng “chủ nghĩa Mác và dân chủ không song hành tồn tại”. T. Eagleton đã viện dẫn thực tiễn lịch sử phong trào xã hội chủ nghĩa trên thế giới, phân tích, lý giải tư tưởng của C. Mác để phản bác sự vu khống đó và đi đến kết luận: “Những cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa chỉ có thể là những cuộc cách mạng dân chủ. Chính giai cấp thống trị mới là nhóm thiểu số phi dân chủ”.

Vấn đề thứ chín: “Chủ nghĩa Mác tin vào một nhà nước nắm mọi quyền lực trong tay. Sau khi xóa bỏ tư hữu, những nhà cách mạng xã hội chủ nghĩa sẽ thống trị bằng quyền lực và bạo lực, và quyền lực đó sẽ chấm dứt tự do cá nhân…”.

Sức mạnh để phản bác lại những phê phán về Mác trong nhóm vấn đề trên là hiện thực không thiên vị trong tư tưởng của Mác, cả về lý luận và thực tiễn trong tiến trình lịch sử nhân loại. Để làm được điều này, T. Eagleton đã luận giải khái quát các quan điểm về nhà nước của các nhà triết học trước Mác và cùng thời với Mác; luận giải quá trình đúc kết kinh nghiệm, hình thành, phát triển lý luận về nhà nước trong tư tưởng của Mác; phân tích những phê phán của Mác về sự hà khắc của nhà nước tư bản; minh giải đầy sức thuyết phục tư tưởng của Mác về quyền lực và quyền lực nhà nước nói chung, quyền lực nhà nước tư bản, quyền lực nhà nước cộng sản chủ nghĩa.

Ông chứng minh rằng, cái mà Mác hy vọng sẽ tiêu vong trong xã hội cộng sản chủ nghĩa không phải là nhà nước theo nghĩa là chính quyền trung ương mà là kiểu nhà nước với tư cách là một công cụ bạo lực. Nhà nước với tư cách là cơ quan quản lý hành chính sẽ tiếp tục sống mãi. Mác tin tưởng vào quyền làm chủ của nhân dân và “hài lòng” với cái bóng lờ mờ của nhà nước được gọi là dân chủ nghị viện. Ông coi dân chủ là quá vĩ đại, không thể giao nó cho một mình Quốc hội. Dân chủ phải có tính địa phương, mang tính nhân dân rộng rãi và xuất hiện ở tất cả các thể chế, các hình thức tự quản của xã hội. Nó phải được mở rộng cả trong đời sống kinh tế và đời sống chính trị; phải có nghĩa là sự tự chủ thực sự của nhân dân. Nhà nước mà Mác bảo vệ là sự cai trị của công dân đối với chính họ, không phải của thiểu số đối với số đông, tức là hòa tan nhà nước vào xã hội. Như thế tức là nhà nước không mang tính phe phái, một nhà nước công dân có tính tự giác cao. Điều này trái ngược hoàn toàn với những luận điểm phê phán chủ nghĩa Mác. (còn tiếp)
                   
NC-GDLLCT  (tổng hợp)
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37036004