Truy cập hiện tại

Đang có 112 khách và không thành viên đang online

Phê phán luận điểm “Chủ nghĩa Mác – Lê-nin không còn phù hợp ở thế kỷ XXI” (phần 1)

(TGAG)- Chủ nghĩa Mác – Lê-nin là thành tựu nổi bật và vĩ đại của trí tuệ loài người về lý luận phát triển xã hội trong lịch sử thế giới hiện đại. Sức sống và ảnh hưởng của nó không chỉ được minh chứng bởi những biến đổi trong thế kỷ XIX, mà còn cả trong thế kỷ XX với cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại làm lọt lòng Chủ nghĩa xã hội (CNXH) hiện thực, mở ra thời đại mới - thời đại quá độ từ Chủ nghĩa tư bản (CNTB) lên CNXH.

Cách mạng Tháng Mười Nga tiếp tục tạo nên xu hướng phê phán, phủ định và thay thế chủ nghĩa tư bản bằng một chế độ xã hội tiến bộ hơn. Ngay cả trong điều kiện chủ nghĩa xã hội bị khủng hoảng, xu hướng chống chủ nghĩa tư bản cũng không suy giảm. Sự hằn học, chống phá quyết liệt hiện nay của các thế lực thù địch đối với Cách mạng tháng Mười và chủ nghĩa xã hội chính là vì cuộc cách mạng vĩ đại ấy tiếp tục tác động mạnh mẽ đến triển vọng của lịch sử loài người trong thế kỷ XXI, thế kỷ của đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản ở tầm cao mới.

Gần một thế kỷ qua, thế giới có biết bao thăng trầm, biến động lớn lao, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô sụp đổ là tổn thất lớn đối với phong trào cách mạng thế giới. Nhưng không gì thế mà ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười Nga suy giảm, trái lại càng trở nên sâu sắc hơn. Đảng ta tổng kết: “Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sẽ có những bước tiến mới. Theo quy luật tiến hoá của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”. Bởi vì, chủ nghĩa tư bản tuy còn tiềm năng phát triển, nhưng về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công. Những mâu thuẫn cơ bản vốn có, nhất là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hoá ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, chẳng những không giải quyết được mà ngày càng trở nên sâu sắc. Khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội vẫn tiếp tục xảy ra. Chính sự vận động của những mâu thuẫn nội tại đó và cuộc đấu tranh của Nhân dân lao động sẽ quyết định vận mệnh của nó. Do đó, quan điểm cho rằng “chủ nghĩa Mác – Lê-nin không còn phù hợp ở thế kỷ XXI” là hết sức phi lý, vô cùng phiến diện.

Bước sang thế kỷ XXI, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập, cách mạng khoa học - công nghệ, sự bùng nổ thông tin, kinh tế tri thức... là những yếu tố tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống xã hội, hối thúc mạnh mẽ các quốc gia phải ra sức đổi mới, chủ động hội nhập, có được triết lý phát triển phù hợp. “Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn hiện nay của thời đại là các nước với chế độ xã hội và trình độ phát triển khác nhau cùng tồn tại, vừa hợp tác vừa đấu tranh, cạnh tranh gay gắt vì lợi ích quốc gia, dân tộc”. Trong tình hình đó, Mâu thuẫn và đấu tranh về ý thức hệ không giảm đi, mà còn gay gắt và phức tạp hơn.


Nhưng thực tế những năm gần đây, Đảng đã tổng kết, công tác nghiên cứu lý luận nói chung, đấu tranh tư tưởng, lý luận nói riêng “ chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đặc biệt là trong điều kiện bùng nổ thông tin và phát triển mạng thông tin toàn cầu”. Vì thế, trong lĩnh vực quan trọng này cần nắm vững và thực hiện tốt phương châm “Kiên trì thế giới quan, phương pháp luận khoa học và các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, truyền thống tốt đẹp của dân tộc; đồng thời, tiếp thu các thành tựu mới, tinh hoa của nhân loại. Nâng cao hiệu quả đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch; uốn nắn những nhận thức lệch lạc”.

Cần hiểu đúng chủ nghĩa Mác – Lê-nin không chỉ được sự quan tâm của những người cộng sản, mà còn thu hút sự quan tâm nghiên cứu, vận dụng của những người không theo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, xét trên bình diện ý thức hệ. Với một cách nhìn nhiều chiều, thái độ khách quan, khoa học, phần lớn những nghiên cứu đều có chung nhận định: Đây là một học thuyết, mà từ tinh thần đến phương pháp luôn đề cao quan điểm thực tiễn và phát triển. Đó là một hệ thống mở chứ không đóng kín, động chứ không tĩnh, thống nhất hữu cơ giữa chủ nghĩa duy vật biện chứng với phép biện chứng duy vật; luôn được bổ sung và phát triển, dung nạp vào mình những thành tựu lý luận mới và làm mới những nhận thức lý luận để phù hợp với đời sống hiện thực. Điều này được thể hiện ở nhiều cống hiến có tính ‘khai sơn phá thạch” mà hệ thống lý luận này mang lại cho nhân loại.

Trước hết phải nói đến là cuộc cách mạng trong lịch sử triết học. Không ai có thể phủ nhận được rằng, chính C.Mác và Ph. Ăng-ghen đã vượt qua chủ nghĩa duy tâm dưới mọi hình thức, vượt qua chủ nghĩa duy vật siêu hình và phép siêu hình để xây dựng nên chủ nghĩa duy vật biện chứng hoàn bị, từ duy vật biện chứng về tự nhiên đến duy vật biện chứng về lịch sử. Trên cơ sở giải quyết đúng đắn vấn đề cơ bản của triết học, các ông đã lần đầu tiên đem lại một quan niệm khoa học về phạm trù “thực tiễn”, “con người hiện thực”, đưa ra định nghĩa kinh điển về bản chất xã hội của con người: “trong tính hiện thực của nó, con người là tổng hòa tất cả các quan hệ xã hội”. V.I. Lê-nin đánh giá rằng, chủ nghĩa duy vật lịch sử là thành quả vĩ đại bậc nhất trong lịch sử tư tưởng nhân loại. Cũng như vậy, phép biện chứng duy vật là tiêu điểm của thành quả đó. Nó đã khắc phục được hai hạn chế lớn nhất của lịch sử tư tưởng nhân loại: thứ nhất là tất cả các trường phái triết học duy tâm từ trước đến giờ đều không thấy hiện thực khách quan là điểm xuất phát của nhận thức; thứ hai là các trường phái triết học duy vật siêu hình đều không thấy vai trò tích cực của chủ thể con người.

Trong lĩnh vực kinh tế chính trị, bằng việc phát hiện ra quy luật Giá trị thặng dư, C.Mác đã lần đầu tiên vén lên bức màn bí mật, vạch trần bản chất bóc lột sức lao động công nhân của giai cấp tư sản trong nền sản xuất TBCN. Đây là phát minh thứ hai mà C. Mác đã đạt được từ sự nghiên cứu, khảo sát công phu CNTB ở thế kỷ XIX - thời kỳ phát triển mạnh mẽ CNTB tự do cạnh tranh. Nó giống như “tiếng sét nổ giữa bầu trời quang đãng”. Tiếp tục có ảnh hưởng sâu sắc trong tình hình hiện nay...

Về Chủ nghĩa xã hội khoa học, C.Mác – Ph. Ăng-ghen đã luận chứng khoa học về địa vị và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, xây dựng nên nguyên lý xuất phát của CNXH khoa học, thực hiện bước chuyển lý luận CNXH từ không tưởng tới khoa học, làm nên thắng lợi của CNXH trên trận địa lý luận. Bằng cách đó, các nhà sáng lập CNXH khoa học đã lần đầu tiên “đem khoa học thay thế cho mộng tưởng”, như đánh giá của V.I. Lê-nin. Trên lĩnh vực này, không thể không nói tới những cống hiến xuất sắc của Ph. Ăng-ghen - “cây vĩ cầm thứ hai” của C.Mác, với những luận điểm về CNXH. Nổi bật là: “muốn cho CNXH trở thành khoa học, phải đặt nó đứng vững trên cơ sở hiện thực”; “một sự vật chỉ vừa mới manh nha (ý nói CNXH), còn đang trong quá trình hình thành mà càng cố mô tả nó chi tiết bao nhiêu thì càng dễ rơi vào không tưởng bấy nhiêu. Do đó, phải tỉnh táo đề phòng căn bệnh phóng họa lịch sử”; “giống như mọi chế độ xã hội, CNXH cũng như một cơ thể sống, nó phải thường xuyên đổi mới để tự phát triển, tự hoàn thiện”,… (còn tiếp)
NC-GDLLCT (tổng hợp)   
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36987886