Truy cập hiện tại

Đang có 109 khách và không thành viên đang online

Trường Chinh - Cây bút chính luận mang tính chiến đấu cao, có sức thuyết phục lớn

(TGAG)- Trường Chinh - Nhà lãnh đạo cách mạng suốt đời tận tụy vì sự nghiệp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, không xuất thân từ nghề cầm bút. Ông làm báo bởi được sự phân công của Đảng, do yêu cầu vận động, tổ chức và lãnh đạo nhân dân đấu tranh. Tuy nhiên Ông say sưa với công tác báo chí và là một cây bút chính luận mang tính chiến đấu cao, có sức thuyết phục lớn ảnh hưởng sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.

Ông viết báo từ những năm 20 của thế kỷ XX cho đến giữa những năm 80 thế kỷ XX. Từng là chủ bút báo Dân cày (1928), viết nhiều bài cho báo Búa Liềm, tạp chí Công hội đỏ (1929), Lao tù tạp chí, tạp chí Cộng sản (1931-1932), chủ bút Con đường sáng và Đuốc Việt Nam (1931-1932), viết bài cho báo Suối reo (1933), tờ Lao tù (1933), chủ bút báo Giải phóng (1936-1939), trực tiếp phụ trách báo Tin Tức (1938), viết bài cho báo Ngày mới (1938). Ông còn trực tiếp chỉ đạo báo Đời nay (1938), phụ trách các báo công khai khác của Đảng như Thời thế và cả những tờ báo tiếng Pháp như Le Travail, Rassemblement, chủ bút báo Cờ Giải phóng và tạp chí Cộng sản, Sự thật, Nhân Dân, Tạp chí Tiên phong. Trong suốt thời gian dài như vậy, Ông đã viết rất nhiều bài báo về tất cả các lĩnh vực công tác của Đảng và các lĩnh vực hoạt động xã hội có chất lượng, kết hợp được lý luận với thực tiễn, lý trí với tình cảm. Nhiều bài báo trong đó, sau này được biên soạn thành sách, trở thành những tác phẩm lý luận quý báo về cách mạng Việt Nam. Trong đó những bài do Ông viết những năm 40 của thế kỷ 20 là những bài tiêu biểu nhất về sự sắc bén chính trị, lý luận, tính chiến đấu cao với văn phong chính luận mẫu mực.

 
  Tác phẩm “Vấn đề dân cày”
(viết chung với Võ Nguyên Giáp năm 1937 - 1938)

Nhiều bài xã luận, bình luận phân tích thời cuộc, hướng dẫn hành động của Trường Chinh cho đến nay vẫn là những tác phẩm báo chí mẫu mực, có tác dụng hết sức to lớn đối với phong trào nhân dân ta chống thực dân phong kiến và phát xít, góp phần vào việc chuẩn bị thành công Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, thiết lập chính quyền dân chủ nhân dân trong cả nước năm 1945 như: “Chống chủ nghĩa cải lương” (1935); “Vấn đề dân cày” (viết chung với Võ Nguyên Giáp năm 1937 - 1938); “Chính sách mới của Đảng” (1941); “Kháng chiến nhất định thắng lợi” (1947); “Bàn về cách mạng Việt Nam” (1965); “Nắm vững ba bài học lớn để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược” (1986)…

Thông qua những tác phẩm đó, Trường Chinh đã làm rõ lý luận về hai vấn đề lớn. Một là, lý luận về phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam để góp phần định ra đường lối chiến lược và sách lược của Đảng. Hai là, lý luận về cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đó là những đóng góp quan trọng vào kho tàng lý luận cách mạng Việt Nam.

Ngoài ra Ông còn soạn thảo viết những bài viết thể hiện trí tuệ và tư duy sắc bén của mình như: “Cái nhọt bọc sẽ phải vỡ mủ”, hay bản “Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” có sức mạnh to lớn không những dự báo chính xác về cuộc xung đột nhất định sẽ xảy ra giữa Nhật và Pháp, mà còn kịp thời chỉ ra những nhiệm vụ cấp bách mà những người cách mạng, khi tình hình đã và đang biến đổi rất mau lẹ, phải kịp thời hành động giành thắng lợi cho cách mạng. Những bài viết sắc sảo như vậy của Ông làm nức lòng đồng bào, đồng chí và khiến kẻ thù phải run sợ.

Ngoài là nhà báo Ông còn là nhà thơ mang bút danh Sóng Hồng, thơ Sóng Hồng thể hiện cảm xúc của tác giả hầu hết các sự kiện của đất nước bằng một tâm hồn luôn luôn lạc quan, tin tưởng ở tiền đồ xán lạn của cách mạng Việt Nam và thể hiện khí phách của một người cán bộ cách mạng nhiệt huyết, kiên trung. Thơ Sóng Hồng đánh dấu từng bước trưởng thành của thơ ca cách mạng Việt Nam, có sức chiến đấu cao và lòng nhân ái sâu sắc. Theo đồng chí: "Thơ là vũ khí đấu tranh giai cấp kỳ diệu. Làm sao có thể quan niệm thơ không có tính đảng, tính giai cấp được? Thơ và cách mạng không thể tách rời. Đương nhiên, không thể thơ nào cũng có cách mạng, nhưng có cách mạng thì có thơ".
 
Có thể nói trong hoạt động báo chí của mình, Ông đã kết hợp được trí tuệ trác việt của nhà lãnh đạo chính trị xuất sắc với năng khiếu đặc biệt của nhà báo tài năng. Đồng thời đã kế tục xuất sắc sự nghiệp báo chí Nguyễn Ái Quốc, tạo nên một văn phong chính luận cách mạng cho nền báo chí nước nhà./.

                                                                                       Hải Lam

* Tài liệu tham khảo:
- Hồi ký “Trường Chinh một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng việt nam” xuất bản 2002 - Nhà xuất bản Sự Thật.
- Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trường Chinh –  năm 2016 - Ban Tuyên giáo Trung ương.
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36723312