Truy cập hiện tại

Đang có 480 khách và không thành viên đang online

Cử tri An Giang gửi gắm nhiều tâm tư nguyện vọng đến Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 14

(TGAG)- Sáng nay 20/5/2019, tại diễn đàn kỳ họp lần thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp Quốc hội đã nghe Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước.

Riêng tại tỉnh An Giang, qua đợt tiếp xúc trước kỳ họp, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã ghi nhận nhiều ý kiến gửi gắm đến Kỳ họp Quốc hội lần thứ 7, Quốc hội khóa XIV, cụ thể như sau:
 

Cử tri phản ảnh việc điều chỉnh giá điện tăng là không hợp lý, mặc dù Bộ đã xây dựng biểu giá bán điện là 6 bậc, nhưng trong đó chỉ có giá điện bán lẻ điện bậc 1 và bậc 2 là thấp hơn so với giá bán lẻ bình quân (1.864 đồng/kwh), còn lại giá bán lẻ bậc 3 đến bậc 6 thì cao hơn nhiều so với giá bán điện bình quân. Với việc xây dựng biểu giá bán điện là 6 bậc thì người hưởng lợi là ngành điện còn người dân thì chịu thiệt. Do vậy đề nghị Bộ Công thương xem xét xây dựng biểu giá bán điện cần chia nhỏ thêm nhiều bậc nữa để tạo sự hài hòa lợi ích, công bẳng giữa người bán điện và người mua điện.

Cử tri lo lắng trước tình hình trật tự an toàn xă hội còn diễn biến phức tạp: Tội phạm về buôn bán ma túy, hoạt động băng nhóm xã hội đen, bảo kê, các vụ giết người, tín dụng đen, tội phạm vị thành niên, xâm phạm tình dục trẻ em, bạo lực học đường, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm... Đề nghị Quốc hội kịp thời sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính và các luật liên quan với chế tài theo hướng tăng nặng để đủ sức răn đe giáo dục.

Một số ý kiến đề nghị cần quan tâm hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp; quản lý chặt chẽ giá vật tư, nâng cao giá trị lúa gạo. Hỗ trợ kinh phí xây dựng các mô hình cây trồng có giá trị kinh tế cao; tập trung quy hoạch vùng, ngành thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Thường xuyên khảo sát, đánh giá đầy đủ thực trạng sản xuất nông nghiệp, nắm bắt kịp thời diễn biến, nhu cầu của thị trường để có phương án, kế hoạch và giải pháp sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả. Đề nghị có định hướng các mô hình phát triển sản xuất phù hợp với đặc điểm từng vùng miền, gắn với chính sách phù hợp cho vùng sản xuất và có chính sách ưu đãi cho An Giang về sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn.

Đề nghị Trung ương cần có nhiều chính sách mạnh mẽ, đột phá hơn về khuyến khích, định hướng các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất và người dân sử dựng các bao, túi với chất liệu phân hủy, thân thiện với môi trường. Nhiều ý kiến lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp; đất đai bạc màu do thực hiện đê bao sản xuất 3 vụ, dịch bệnh bùng phát, giá vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu, điện tăng cao; tình trạng học sinh đánh nhau, bạo hành, xâm hại trẻ em…

Cử tri cho rằng Nhà nước đang khuyến khích người dân tích cực chuyển đổi cây trồng và thực hiện các ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay thời tiết khí hậu diễn biến khó lường, nhu cầu sử dụng điện rất lớn để tiêu úng hoặc chống hạn, do vậy không chủ động được việc tránh sử dụng điện trong thời gian cao điểm, do đó chi phí đầu vào sản xuất nông nghiệp tăng cao nhưng giá nông sản thì không ổn định, mất giá đời sống người nông dân ngày càng khó khăn. Vì vậy, cần có chính sách ưu đãi mạnh mẽ hơn về giá điện trong nông nghiệp.

Đề nghị nghiên cứu xây dựng một kỳ thi Quốc gia ổn định, tránh thay đổi hằng năm gây tốn kém, có ý kiến đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, chỉ tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học, nhằm giảm áp lực và gánh nặng cho học sinh và phụ huynh học sinh, tiết kiệm và ngăn chặn các tiêu cực xảy ra. Đồng thời đề nghị tăng cường và nâng cao hiệu quả trong công tác giám sát, tập trung giám sát những vấn đề bức xúc trong xã hội mà cử tri quan tâm.

Cử tri rất bức xúc phản ánh vị trí đặt Trạm thu phí T2 vì: Tất cả các phương tiện đi từ Kiên Giang qua Long Xuyên (chỉ sử dụng gần 100 mét đường của BOT) nhưng phải trả phí rất cao. Cầu Vàm Cống đã khánh thành tất cả các phương tiện ra vào tỉnh An Giang hướng Vàm Cống sẽ phải đi qua gần 200 mét đường của dự án và phải chui qua BOT T2 (trước đây đi phà Vàm Cống không qua BOT này). Mặt dù chỉ sử dụng vài trăm mét đường của dự án, nhưng tiền phí thì cao hơn nhiều so với trả cho phà Vàm Cống trước đây. Tỉnh An Giang bị cô lập bởi BOT T2.

Cử tri phản ánh tuyến tránh Ọuốc lộ 91 đi qua thành phố Châu Đốc và đường dẫn vào cầu Long Bình huyện An Phú sang nước bạn Campuchia có hiện tượng sụt lún. Đề nghị cần sớm có kế hoạch khắc phục. Cử tri đề nghị Chính phủ cho An Giang mở thêm một số cửa khẩu phụ giữa biên giới An Giang và hai tỉnh Takeo, Cadal - Campuchia để tăng cường giao lưu kinh tế, văn hóa; tiếp tục đầu tư và phát triển cửa khẩu Quốc tế Vĩnh Xương nhằm thu hút đầu tư và tạo việc làm cho người lao động địa phương; sớm công nhận giao thông đường bộ cửa khẩu Quốc tế Vĩnh Xương - Tân Châu để tạo điều kiện giao thương hàng hóa.

Đề nghị quan tâm hỗ trợ tỉnh An Giang xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Khu di tích văn hóa Óc eo là Di sản thế giới./.

Nguyễn Hùng
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36731382