Truy cập hiện tại

Đang có 78 khách và không thành viên đang online

Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó trước những thách thức vấn đề nguồn nước

(TGAG)- Nguồn nước ngọt từ dòng sông Mê Công có ý nghĩa sống còn với kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Thế nhưng, với những diễn biến bất lợi do tình trạng xây dựng ồ ạt hệ thống thủy điện thượng nguồn cùng với việc biến đổi khí hậu, nắn dòng... diễn ra ngày một khốc liệt khiến các tỉnh vùng ĐBSCL phải tìm những biện pháp cấp bách lẫn định hướng chiến lược lâu dài.

Thách thức ngày một nghiêm trọng

Thực tế không phải đến thời điểm hiện tại, các bộ ngành Trung ương, các tỉnh vùng ĐBSCL mới thấy được những diễn biến vô cùng bất lợi do nguồn nước đầu nguồn sông Cửu Long đang thay đổi từng ngày. Theo đánh giá của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam (UBSMKVN) về việc khai thác sử dụng tài nguyên nước thì ĐBSCL phụ thuộc hầu hết vào nguồn nước từ nước ngoài, chiếm gần 95% tổng lượng dòng chảy sông Mê Công hằng năm. Nguồn tài nguyên nước vùng ĐBSCL đã và đang chịu những tác động bất lợi với tầng suất ngày càng gia tăng do phát triển thượng nguồn như: Thiếu nước trong mùa kiệt, gia tăng xâm nhập mặn, thay đổi đòng chảy, sạt lở, bồi lắng lòng sông, bờ bãi, chất lượng nước bị suy giảm, hệ sinh thái bị nghèo kiệt, đời sống kinh tế của người dân bị tác động... chưa kể đến các áp lực về biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tình hình sụt lún... Điển hình cho nhận định trên là tình trạng sạt lở đặc biệt nghiêm trọng đã đang diễn ra ở khu vực đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp hay ven biển ở Cà Mau, Bạc Liêu; ngay cả các tỉnh phía hạ nguồn như Vĩnh Long, Tp Cần Thơ cũng liên tục gánh lấy những vụ sạt lở đặc biệt nghiêm trọng. Ông Phạm Tuấn Phan, Giám đốc điều hành Ủy hội sông Mê Công quốc tế (UHSMK quốc tế) cho rằng, thách thức về diễn biến bất thường của nguồn nước sông Mê Công tại Việt Nam thực tế đã diễn ra từ nhiều năm qua nhưng thời điểm hiện nay là đặc biệt nghiêm trọng. Nó không chỉ thiếu hút nguồn nước do việc kiểm soát của các đập thủy điện đầu nguồn sông Mê Công ngay từ dòng Lan Thương của Trung Quốc. Giảm nguồn phù sa, bùn cát, nước mặt... là quy luật tự nhiên nhưng cũng phải nhìn nhận yếu tố con người tác động là nghiêm trọng hơn.


Hiện trường sạt lở bờ sông Hậu tại An Giang.


Thực tế cho thấy, lưu vực sông Mê Công đang phải chứng kiến các hoạt động phát triển gia tăng nhanh chóng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia ven sông. Với hàng loạt đập thủy điện mà Trung Quốc đã xây dựng ở thượng nguồn sông Mê Công, việc Lào và Campuchia lên kế hoạch phát triển 11 công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công gây lo lắng cho các quốc gia trong khu vực.

Hệ quả tác động nghiêm trọng

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cho rằng: “Tác động của diễn biến sử dụng, nắn dòng, xây dựng đập thủy điện... đã tác động trực tiếp và ngày một nghiêm trọng đối với vùng ĐBSCL. Đơn cử như tình trạng hạn hán xâm nhập mặn chưa từng có trong lịch sử năm 2016 vừa qua. Hay nhiều năm liền ĐBSCL không hề có mùa nước nổi. Rồi tình trạng thay đổi dòng chảy do thiếu hút lượng phù sa đáy sông dẫn đến sạt lở liên tục, vụ sau nghiêm trọng hơn vụ trước. Chúng ta đã, đang chậm trong dự báo, ứng phó với các trường hợp thiên tai trên không chỉ do bất khả kháng mà phần nữa do chúng ta không đánh giá hết các tác động. Phải xây dựng kịch bản ứng phó quy mô, với những tình huống nghiêm trọng nhất có thể diễn ra”.

Ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang bày tỏ “Tác động nghiêm trọng của tình hình nguồn nước sông Mê Công đối với phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL là hiện hữu. Các tỉnh vùng ĐBSCL cần các thông tin chính thống về các đập thủy điện nhất là tích nước, xả lũ. Phải đấu tranh bằng được vấn đề này. Trong đó cơ chế điều hành, phối hợp liên hồ thủy điện mà Ủy hội sông Mê Công phải ra quy chế có tình ràng buộc hơn đối với các quốc gia ven sông Mê Công". Đồng thuận với ý kiến trên, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang bày tỏ: “Thông tin sử dụng nguồn nước phải hợp lý. Vai trò UBSMKVN phải được phát huy mạnh mẽ hơn nhằm giúp Chính phủ đấu tranh các nước hạn chế tình trạng nắn dòng, chuyển dòng, ngăn dòng xây dựng đập thủy điện nhất là khu vực thượng nguồn”.


Hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng đã xảy ra ở ĐBSCL năm 2016

Phó Chủ tịch UBND Tp Cần Thơ bức xúc “Chúng ta đến hiện nay vẫn chưa có một báo cáo cụ thể nào về lưu lượng cát, phù sa về ĐBSCL khi các nước xây đập thủy điện, nán dòng phía thượng nguồn. Do vậy, tình trạng bồi lắng và khai thác cát, rồi sạt lở... cứ diễn ra, đổ lỗi lẫn nhau trong khi thực tế nhu cầu chỉnh trị dòng chảy, khai thác cát phục vụ xây dựng là có, cấp bách. Biết được lưu lượng phù sa ra sao, thông tin về nguồn nước...  sẽ giúp chúng ta xây dựng quy hoạch cụ thể về khai thác tài nguyên đồng thời cũng ngăn chặn sạt lở ven sông như thời gian qua đã phải đối mặt”. Ông Lâm Quang Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang khẳng định “Các tỉnh ĐBSCL kiến nghị UBSMKVN, Bộ TN-MT, Chính phủ giúp lập quy hoạch về tình hình nguồn nước, sạt lở ven sông, biển. Có vậy mới chủ động trong ứng phó chứ hiện chỉ làm thế đã rồi, sạt đâu chạy đó là không thể chịu đựng nổi. Song song đó, cần có quy định về bố trí các công trình ven sông như giao thông, hạ tầng. Điểm cuối cùng là có chiến lược quy hoạch cơ cấu nông nghiệp theo hướng thích ứng với những diễn biến của tác động sông Mê Công cả nguồn nước, dòng chảy, phù sa theo hướng rạch ròi 3 hệ sinh thái: Ngọt, mặn, lợ để các tỉnh xem xét bố trí phát triển kinh tế, chấm dứt tình trạng chạy theo diễn biến một cách chấp vá”.

Minh bạch trong tham vấn và chia sẻ dữ liệu

Việc khai thác, sử dụng nước thượng nguồn sông Mekong thiếu bền vững, vì lợi ích cục bộ của từng quốc gia đang gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân vùng ĐBSCL, khiến tác động của biến đổi khí hậu nghiêm trọng hơn, tình hình sạt lở diễn biến phức tạp… Thời gian qua, các quốc gia thành viên trong UHSMK quốc tế chỉ công bố ý kiến riêng của quốc gia mình mà không nhất trí ra Tuyên bố chính thức chung, gây thất vọng đối với cộng đồng trong khu vực.

TS Phạm Tuấn Phan, Giám đốc điều hành UHSMK quốc tế, cho rằng một tính hiệu khả quan là việc thống nhất cho ra đời Hiệp định Mê Công  báo hiệu thành công lớn của Việt Nam trong khi ở các khu vực khác trên thế giới, để các quốc gia cùng ký vào một hiệp định là quá trình không dễ. Tiếp sau đó, việc tổ chức phiên họp đặc biệt của Ủy ban Liên hợp đối với dự án Pak Beng ở Lào và ra Tuyên bố chung là thành công tiếp theo cho nỗ lực của Việt Nam. Qua đó cho thấy, vai trò của UBSMKVN là rất quan trọng. “Để tiếp tục phát huy vai trò này, UBSMKVN cần phối hợp chặt chẽ với UHSMK quốc tế trong những vấn đề khu vực” – TS Phan lưu ý.

Bộ Trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà, Chủ tịch UBSMKVN đề nghị: “Chúng ta cần duy trì những hoạt động quan trọng như nghiên cứu tác động công trình, đề xuất những vấn đề cụ thể, thiết thực đến công tác tham vấn, thống kê, đề xuất lên quan đến nguồn nước, khoáng sản, phù sa... Trong đó, đặc biệt UBSMKVN cùng UHSMK quốc tế thực hiện tốt công tác tham vấn. Rà soát mạng lưới trạm quan trắc xuyên biên giới để cung cấp, chia sẻ thông tin cho các địa phương nằm trong lưu vực sông Cửu Long trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Điều phối các dự án của những tổ chức quốc tế trong hỗ trợ địa phương trong vùng. Cùng chính phủ đề xuất các quốc gia thượng nguồn chia sẻ nguồn dự liệu chung, đề xuất quy chế, thỏa thuận để tiết chế, vận hành hồ đập thủy điện phía thượng nguồn... Đây là những vấn đề ảnh hưởng sống còn với Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội nhất là an ninh nguồn nước và an ninh lương thực cùng nhiều yếu tố xã hội khác. Việc xây dựng các dòng sông nhánh làm hồ thủy lợi trữ nước cũng cần xem xét thêm các yếu tố liên quan khác để không ảnh hưởng đến yếu tố tự nhiên, xã hội...”.

Bảo Trị


Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36978783