Truy cập hiện tại

Đang có 522 khách và không thành viên đang online

Quan tâm thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội

(TGAG)- Thời gian qua, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã cùng cấp ủy, chính quyền các địa phương triển khai, quán triệt đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về an sinh xã hội (ASXH); đưa các mục tiêu, chỉ tiêu đảm bảo ASXH vào các nghị quyết, chỉ thị, quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tổ Tư vấn về ASXH tham mưu cho Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh trong việc cụ thể hóa chính sách ASXH, thường xuyên rà soát hệ thống chính sách, tập huấn cho cán bộ huyện xã, thu thập thông tin, nghiên cứu, dự báo tình hình và đề xuất UBND tỉnh các giải pháp đưa chính sách ASXH đến các đối tượng thụ hưởng; theo dõi, giám sát và định kỳ sơ, tổng kết, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện. UBND cấp huyện, cấp xã cũng thành lập và điều hành hoạt động của Tổ tư vấn ASXH nhằm triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời tại địa phương.

Kết quả, tỷ lệ hộ nghèo đầu kỳ (năm 2011) toàn tỉnh có 48.622 hộ nghèo (tỷ lệ 9,28%) đến cuối năm 2015 xuống còn khoảng 2,5% (đạt kế hoạch). Ngoài ra hằng năm thực hiện đảm bảo chi trả trợ cấp thường xuyên và thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách ưu đãi theo quy định, các chế độ về bảo hiểm y tế (BHYT), điều dưỡng... cho trên 13.000 đối tượng người có công, tổng kinh phí thực hiện gần 170 tỷ đồng; trợ cấp thường xuyên trên 58.000 đối tượng bảo trợ xã hội theo các Nghị định của Chính phủ với số tiền trên 200 tỷ đồng và thực hiện BHYT cho trên 1.100.000 người, bổ sung kịp thời các đối tượng theo Luật BHYT, nhất là các đối tượng thuộc diện nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí mua thẻ BHYT.

Bên cạnh kết quả đạt được, thì việc thực hiện các chính sách ASXH vẫn còn nhiều bất cập, hệ thống chính sách dàn trải phân tán, chồng chéo, tạo việc làm và giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ cận nghèo, phát sinh nghèo mới còn cao; mức trợ cấp xã hội còn thấp, không đảm bảo mức sống tối thiểu; giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân, nhất là đối với người nghèo đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc còn nhiều hạn chế; tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), BHYT còn thấp; đời sống của một bộ phận người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số chưa bảo đảm được mức tối thiểu, một số chính sách vẫn chưa đến tay đối tượng thụ hưởng...

Thời gian tới, để đảm bảo ngày càng nâng cao hiệu quả các chính sách an sinh xã hội cần đề ra các định hướng đổi mới phương thức thực hiện, khắc phục những hạn chế đó là:

Tập trung tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện. Ngành Y tế cần thực hiện tốt khâu khám chữa bệnh BHYT. Ngoài ra, ngành BHXH cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các hội đoàn thể vận động BHYT tự nguyện tăng nhanh tỷ lệ tham gia để tiến tới BHYT toàn dân; phối hợp với Liên đoàn Lao động các cấp và các chủ doanh nghiệp trong việc thực hiện tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho tất cả người lao động theo quy định.

Thực hiện đồng bộ các chính sách trọng điểm về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2013 - 2015 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, lồng ghép nguồn lực của các chính sách, dự án nhằm hỗ trợ đồng bộ đúng mức cho các đối tượng.

Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc giải ngân vốn thuộc các chương trình, dự án; chỉ đạo phòng giao dịch cấp huyện nâng mức hỗ trợ tín dụng cho hộ nghèo, cận nghèo giúp họ thoát nghèo bền vững... Đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, tránh tình trạng dàn trải vốn mang tính bình quân, hiệu quả thấp.

Thực hiện tốt kết quả rà soát chính sách người có công, ngoài chính sách của nhà nước, tăng cường vận động để cải thiện đời sống những người có công còn khó khăn trong thời gian qua, khẩn trương điều chỉnh, sửa chữa ngay những yếu kém, thiếu sót nhất là đối tượng còn bỏ sót hoặc hưởng không đủ chính sách.

Thực hiện tốt các giải pháp để giảm nghèo bền vững, cố gắng không để phát sinh nghèo mới và tái nghèo tiếp tục giảm nhanh hộ cận nghèo. Thực hiện đầy đủ các chính sách về bảo trợ xã hội cho các đối tượng yếu thế. Phân công cụ thể cán bộ ở cấp xã phụ trách chăm lo từng nhóm đối tượng được trợ giúp đúng theo quy định để ổn định và vươn lên trong cuộc sống.

Tổ chức triển khai các chính sách về giáo dục - dạy nghề, giải quyết việc làm, từng ngành phụ trách từng lĩnh vực nên rà soát lại hệ thống chính sách, dự án đang thực hiện... từ đó rút ra kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn. Nâng cao được trình độ học vấn và tay nghề của người lao động tập trung mọi nguồn lực và lồng ghép chính sách để hỗ trợ cho người lao động, người nghèo, người khó khăn tạo được việc làm với thu nhập ổn định.

Chính sách phát triển kinh tế, tập trung rà soát hệ thống các chính sách phát triển kinh tế của từng ngành, đề xuất tháo gỡ khó khăn vướng mắc để những chính sách này khi thực hiện mang lại hiệu quả cao nhất...

Vấn đề giảm nghèo, cần tập trung, kiện toàn, củng cố bộ máy lãnh đạo và các tổ chức hội đoàn thể ở cấp xã - ấp để thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy của người nghèo, các đối tượng yếu thế. Cán bộ xã, ấp và cán bộ đoàn thể tham gia xóa đói giảm nghèo cần được đào tạo, nâng cao năng lực và có kỹ năng thực hành cụ thể.

Về bảo trợ xã hội, tăng cường công tác giáo dục và truyền thông nhằm nâng cao dân trí, năng lực cho người nghèo và những đối tượng yếu thế, giúp họ có khả năng phòng ngừa, nhận biết nguy cơ và ứng phó tốt nhất trong những trường hợp xảy ra rủi ro; tăng cường khả năng dự báo, công tác truyền thông để mọi hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng yếu thế có thể tiếp cận thông tin nhanh.

Việc hỗ trợ y tế thông qua cấp thẻ bảo hiểm cần tính đến sự liên thông giữa các tuyến, các địa phương để cho những người nghèo đi lao động ngoài tỉnh có thể sử dụng được dịch vụ này một cách thuận tiện, được điều trị miễn phí ở mọi bệnh viện trong vùng hoặc cả nước.

Có những hình thức hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp giúp người dân phòng chống rủi ro từ thực hiện các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, bảo vệ thực vật và thú y... góp phần đảm bảo thu nhập cho những người nghèo.

Cần tăng nguồn lực hỗ trợ vốn chính sách tín dụng ưu đãi đào tạo dạy nghề, chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm...

ĐẶNG THỊ HOA RÂY
TUV, Giám đốc Sở LĐ-TB và XH
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37053617