Truy cập hiện tại

Đang có 174 khách và không thành viên đang online

Nâng cao chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)

(TGAG)- Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là thước đo quan trọng để đánh giá mức độ thuận lợi về môi trường đầu tư - kinh doanh, đánh giá công tác quản lý và điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố trên cả nước dựa trên cảm nhận của doanh nghiệp dân doanh qua 10 lĩnh vực có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của khu vực kinh tế dân doanh.

Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống người dân. Với tính chất quan trọng đó, ngày 11/7/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 27-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh”. Theo đó, hầu hết các cấp ủy Đảng đã xây dựng chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện và tổ chức quán triệt cho cán bộ, đảng viên. Qua thực hiện, một số chỉ số giảm điểm nay đã có cải thiện tăng điểm, tăng thứ hạng, đặc biệt là các chỉ số liên quan trực tiếp đến quá trình gia nhập thị trường của doanh nghiệp, của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh vẫn còn sụt giảm về thứ hạng và số điểm, hai năm liên tiếp (2013 - 2014) nằm trong nhóm tỉnh, thành phố điều hành khá. Nguyên nhân chủ yếu là do việc tổ chức thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh chưa thật sự thường xuyên, chưa đi vào trọng tâm, trọng điểm. Công tác cải cách thủ tục hành chính có chuyển biến nhưng chỉ dừng ở mức giảm bớt văn bản, giấy tờ trong khi việc thực thi trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong hỗ trợ doanh nghiệp còn hạn chế; qua phân tích chi tiết chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp bị nhũng nhiễu hoặc phải thực hiện các khoản “chi phí không chính thức” khi thực hiện thủ tục hành chính... từ đó, dẫn đến chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh sụt giảm, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của tỉnh.

Để phấn đấu đưa chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh duy trì ở “nhóm điều hành tốt” so với cả nước trong những năm tới, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp như sau:

Cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục quán triệt, triển khai nghiêm túc, đạt hiệu quả Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016; Chỉ thị số 27-CT/TU, ngày 11/7/2014, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại địa phương, đơn vị mình và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành.

Tập trung nâng cao điểm số những chỉ số thành phần có trọng số cao như: tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin (trọng số 20%); dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (trọng số 20%); đào tạo lao động (trọng số 20%); chi phí không chính thức (trọng số 10%). Tăng cường hoạt động thông tin, tuyên truyền về kế hoạch và các giải pháp của tỉnh nhằm cải thiện PCI. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm tối đa chi phí thời gian của doanh nghiệp. Tập trung xây dựng và thực hiện các kế hoạch cụ thể, quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan chủ trì, phối hợp trong việc hoàn thiện thủ tục hành chính. Thể chế hóa và tăng cường thực hiện cơ chế lấy ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp trước khi ban hành những văn bản quy phạm liên quan trực tiếp đến nghĩa vụ và quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp...

Nâng cao tinh thần, trách nhiệm của cán bộ công chức, đặc biệt là người đứng đầu; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, công chức trong việc hỗ trợ doanh nghiệp. Chuyển nhận thức và hành động hằng ngày của đội ngũ cán bộ, công chức từ “quản lý doanh nghiệp” sang “phục vụ doanh nghiệp”.

Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác quản lý điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Phối hợp trong việc triển khai thực hiện, đánh giá và kiến nghị, đề xuất điều chỉnh các chính sách kinh tế vĩ mô do Chính phủ ban hành. Phối hợp xây dựng kế hoạch, chương trình hành động triển khai thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô. Phối hợp thực hiện chế độ báo cáo, xây dựng hệ thống thông tin phục vụ công tác xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp chỉ đạo điều hành kịp thời, đầy đủ và đúng trọng tâm, tạo cơ sở cho việc tăng cường, nâng cao chất lượng công tác dự báo. Phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc giải quyết thủ tục hành chính của công dân.

Thực hiện cơ chế “một cửa”, “một nơi” tạo ra môi trường thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư. Thành lập Trung tâm tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính tỉnh An Giang nhằm cung cấp thông tin và thực hiện các dịch vụ công tạo sự thuận lợi trong giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức. Triển khai thực hiện sử dụng mã số doanh nghiệp duy nhất, sử dụng chữ ký số của doanh nghiệp trong tất cả các quan hệ giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước và trong các hoạt động của doanh nghiệp./.

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36718158