Truy cập hiện tại

Đang có 70 khách và không thành viên đang online

Hướng đi nào cho rau màu an toàn ở xã Kiến An

(TGAG)- Nổi danh là vùng sản xuất rau màu lớn nhất tỉnh An Giang, xã Kiến An huyện Chợ Mới giờ đây không chỉ dừng lại ở việc sản xuất rau màu sản lượng lớn, đa dạng hóa cây màu mà còn hướng tới việc trồng rau màu có chất lượng cao. Tuy nhiên, dù đạt hiệu quả khá tốt trong việc trồng rau màu an toàn, nhưng đầu ra của sản phẩm an toàn này lại đang là điều trăn trở của nhiều bà con nông dân tại đây.

Theo thông tin từ ban Nông nghiệp xã Kiến An, hiện toàn xã có có 1.565 ha là diện tích đất nông nghiệp, trong đó diện tích cây màu là 740ha (đạt 47,3% diện tích đất nông nghiệp của xã), phân bổ đều khắp 12 ấp. Theo lộ trình kế hoạch của UBND xã, sắp tới sẽ quy hoạch 70 ha đất chuyên màu tại ấp Hòa Hạ, và ấp Phú Thượng 2. Với diện tích trồng màu lớn như vậy, cộng với kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất cao của bà con nông dân nơi đây, chẳng những sản lượng rau màu của Kiến An hằng năm khá lớn, mà chất lượng rau ở đây cũng khá cao. Năm 2008, thương hiệu Rau dưa Kiến An ra đời, từng bước tạo được uy tín trên thị trường, ngày càng được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến.

Theo dự đoán của nhiều thương lái cũng như bà con nông dân ở đây, sắp tới thì nhu cầu về ăn, mặc, đi lại sẽ đòi hỏi cao hơn; thị hiếu của người tiêu dùng sẽ ưu tiên những sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Do đó, định hướng cạnh tranh trong tương lai, rau an toàn sẽ chiếm lĩnh thị trường. Vì vậy, không dừng lại ở chỗ đảm bảo số lượng và sự đa dạng rau màu, người nông dân Kiến An vẫn luôn chủ động sáng tạo, không ngừng đổi mới phương pháp, cải cách sản xuất truyền thống để hướng tới sản xuất hiệu quả hơn, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện nay, Kiến An đã thành lập được 5 tổ sản xuất rau an toàn với 53 thành viên và 16,87 ha diện tích sản xuất, 01 tổ sơ chế rau an toàn, 3 mô hình nhà lưới (mỗi nhà 500m2), và giấy chứng nhận vùng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn; đảm bảo quy trình gieo trồng, thu hoạch và sơ chế sau thu hoạch đạt tiêu chuẩn rau sạch. Có thể nói Kiến An giờ đây đã có đủ cơ sở để từng bước tiến vào con đường sản xuất nông sản chất lượng cao. 

Để xây dựng được những điều kiện cơ sở nói trên, bà con nông dân đã tiêu tốn nhiều năm trời tìm tòi và hàng trăm triệu đồng tiền vốn. Tuy nhiên, nông dân Kiến An hiện vẫn đang lao đao với vấn đề đầu ra cho các sản phẩm rau an toàn của địa phương. Theo lời tâm sự của chú Nguyễn Văn Minh, ngụ ấp Long Thượng, xã Kiến An, một trong số thành viên của tổ sản xuất rau an toàn nơi đây, rau màu được sản xuất theo quy trình an toàn, chất lượng đảm bảo, không dư lưu lượng thuốc, vậy mà khi ra chợ chẳng khác gì rau được trồng đại trà đó là nói an ủi vậy chứ thực tế có khi giá thấp hơn hoặc thậm chí lúc không có người mua, chứ nói gì đến lời. Được chính quyền hỗ trợ, cấp cho một ki-ốt chuyên bán rau an toàn ở ngay gần chợ trung tâm thị trấn Chợ Mới, vị trí cũng khá đắt địa, để tổ sản xuất rau an toàn Kiến An trực tiếp đem sản phẩm ra bán, mà không cần thông qua mấy đầu mối, nhưng mà cũng không cải thiện được tình hình. Người tiêu dùng vẫn còn tâm lý e ngại khi bước vào cửa hàng.

Anh Phan Thanh Sang, Kỹ thuật viên nông nghiệp xã đã lý giải cho vấn đề này: "Do thị hiếu của người tiêu dùng nông thôn hiện nay. Thường đi chợ mua người ta hay lựa rau đẹp, lá to, cây tươi tốt. Nhưng mà rau an toàn do trồng ít sử dụng phân, thuốc nên cây rau nhìn không đẹp, không bắt mắt bằng, do đó người ta không thích. Hơn nữa rau an toàn lại có giá thành cao hơn rau sản xuất đại trà. Khi ra chợ một bên rau đẹp giá rẻ, một bên là cây rau sần sùi mà giá lại cao hơn, thì dĩ nhiên người ta chọn mua rau sản xuất đại trà rồi."

Có thể khẳng định, không phải hiện tại thiếu nhu cầu sử dụng rau sạch. Ví dụ điển hình như các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm đóng hộp ở trong và ngoài tỉnh, thì cũng có nhu cầu thu mua sản phẩm sạch để chế biến, nhưng các doanh nghiệp này lại thường xuyên ép giá người nông dân. Họ làm cam kết bao tiêu sản phẩm sạch, định hướng nông dân gieo trồng theo sản phẩm bao tiêu, nhưng tới khi thu hoạch thì không trả đúng giá như khi ký kết ban đầu mà ép xuống giá bằng với rau trồng đại trà ngoài thị trường ở thời điểm hiện tại. Còn các thương lái nhỏ lẻ hay thu mua rau đem ra các thị tường ngoài tiêu thụ thì cũng không mặn mà gì với sản phẩm rau sạch, không dám mạo hiểu vì ngại giá cao, mà mẫu mã không đẹp, không bắt mắt bằng sản phẩm thường. Ông Nguyễn Văn Minh cho biết: "Khi ký kết bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, rau mình sản xuất theo quy trình an toàn, chất lượng được đảm bảo, không dư lưu lượng thuốc, các giấy tờ, thủ tục của mình cũng được chứng nhận đầy đủ, anh em sản xuất cũng đã qua tập huấn hết; Nhưng tới khi đi đem hàng hóa lên thì doanh nghiệp lại đem ra so sánh với giá thị trường, lúc đó nông dân mình lỗ chết. Còn mấy thương lái thì cũng không dám vô mua chứ không phải không chịu mua; Bởi vì nói rau này là rau an toàn thì giá thành mua vào nó phải khác so với rau thường. Thành ra là thương lái cũng kỳ kèo đòi mình gỡ bảng rau an toàn,bán như bình thường thì mới chịu vô mua".

Người nông dân xã Kiến An vẫn đang phải loay hoay, đau đầu với bài toán đầu ra cho các sản phẩm rau sạch. Mong rằng thời gian tới các cấp, các ngành sớm tìm ra hướng giúp đỡ, xây dựng mạng lưới tiêu thụ, các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ, bảo vệ quyền và lợi ích người nông dân, góp phần giải quyết bài toán đầu ra sản phẩm cho người nông dân./.

THANH LIÊN

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37029295