Truy cập hiện tại

Đang có 141 khách và không thành viên đang online

Thoại Sơn: Bệnh tay chân miệng tăng nhanh theo sốt xuất huyết

(TGAG)- Thời điểm hiện nay vào mùa mưa là điều kiện để bệnh sốt xuất huyết (SXH) gia tăng tại một số địa phương trên địa bàn huyện Thoại Sơn. Bên cạnh đó bệnh tay chân miệng (TCM) cũng tăng theo, nguy cơ vào mùa dịch khi trẻ bắt đầu năm học mới. Ngành y tế khuyến cáo cộng đồng chủ động các biện pháp bảo vệ sức khỏe.
 

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế huyện Thoại Sơn, đến cuối tháng 7/2017 toàn huyện ghi nhận 126 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 43 ca so cùng kỳ 2016; tay chân miệng ghi nhận 142 ca mắc, tăng 72 ca so cùng kỳ. Mặc dù ngành y tế đang chủ đông triển khai các biện pháp phòng bệnh nhưng vẫn chưa kiểm soát được sự gia tăng sốt xuất huyết và tay chân miệng. Điểm nóng của bệnh sốt xuất huyết tập trung tại các địa phương như: thị trấn Phú Hòa, Vĩnh Trạch, Vĩnh Chánh; điểm nóng của bệnh tay chân miệng là thị trấn Núi Sập, xã Vọng Đông, Thoại Giang.

Ghi nhận tại Bệnh viện huyện Thoại Sơn, theo bác sĩ Trần Ngọc Điệp, Phó Giám đốc Bệnh viện huyện Thoại Sơn cho biết: “Từ đầu năm đến nay bệnh viện tiếp nhận các ca bệnh SXH và TCM tăng cao so năm 2016, đặc biệt trong tháng 7 vừa qua số ca mắc mới tăng đột biến. Những năm trước đây, SXH thường xảy ra ở trẻ em nhiều, riêng trong năm 2017 này, số ca mắc SXH ở người lớn gia tăng, cụ thể 6 tháng đầu năm Bệnh viện huyện tiếp nhận 40 ca SXH nhập viện, trong đó có tới 19 ca là người lớn; đối với tay chân miệng các ca mắc xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ em dưới 3 tuổi có tỷ lệ mắc cao nhất”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, khi được hỏi về các dấu  hiệu và cách phòng chống bệnh tay chân miệng cho trẻ đa số các bậc phụ huynh đều hiểu cơ bản về cách phòng chống bệnh cho con em mình, tuy nhiên trong 7 tháng đầu năm số ca mắc tay chân miệng của huyện vẫn tăng cao và tăng đột biến so cùng kỳ.  

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, người dân ấp Tân Đông, thị trấn Óc Eo, cho biết: “Lúc đầu thấy cháu có nổi các mục nhỏ nhỏ giống như nổi đẹn, tay của cháu cũng có 1-2 mục bóng nước đỏ đỏ nên tôi cũng thấy lo là cháu bị tay chân miệng nên đem đến bác sĩ khám, bác sĩ khám và cho biết là cháu bị tay chân miệng. Cháu bệnh vậy, cán bộ Trạm Y tế cũng xuống nhà phát Chloramin B và hướng dẫn tôi vệ sinh nhà cửa, lau sàn nhà, rửa các dụng cụ đồ chơi cho bé bằng Chloramin B”.

Theo bác sĩ Trần Ngọc Điệp, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Thoại Sơn, khuyến cáo: “Đối với trẻ em cũng như người lớn có triệu chứng sốt cao liên tục kéo dài từ 2 đến 7 ngày, không có một triệu chứng nhiễm trùng nào khác như không ho, không sổ mũi, không tiêu chảy… thì chúng ta hãy nghĩ ngay đến sốt xuất huyết và đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm để được điều trị kịp thời; đối với tay chân miệng các bà mẹ có con nhỏ dưới 5 tuổi cần lưu ý: khi phát hiện con mình có nổi bóng nước đặc biệt ở lòng bàn tay, bàn chân, ở miệng, ở đầu gối, khuỷu tay, có sốt hoặc không sốt thì đến cơ sở y tế khám để được các bác sĩ tư vấn điều trị.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, ngành y tế huyện Thoại Sơn đang tích cực xử lý triệt để các ổ dịch, phun hóa chất diệt muỗi tất cả các ca mắc mới, ra quân chiến dịch vệ sinh môi trường diệt lăng quăng tại các địa phương có điểm nóng về sốt xuất huyết; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống bệnh và cấp phát hướng dẫn vệ sinh bằng Chloramin B tại các hộ gia đình có trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.

Để SXH và TCM không có điều kiện bùng phát, lây lan, ngoài các biện pháp quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch của ngành Y tế, mỗi người dân cũng cần chủ động, tích cực tham gia vào chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường, tạo thói quen rửa tay thường xuyên với xà phòng để tự bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Đây là cách thiết thực và hiệu quả nhất trong công tác phòng chống dịch và giúp đẩy lùi nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng./.

Kim Cương, Cẩm Nang
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36731942